Cựu sĩ quan Mỹ: Ukraine không có cơ chiến thắng Nga, nên đàm phán hòa bình

Nhà phân tích Mỹ, cựu sĩ quan Daniel Davis cho rằng gần như chắc chắn Ukraine sẽ không bao giờ giành được chiến thắng trên chiến trường. Theo ông, để bảo tồn lãnh thổ đang giữ và tránh mất đất thêm, Ukraine cần ngồi vào bàn đàm phán với phía Nga.

Tác giả Davis nhấn mạnh, Ukraine cần chấp nhập thực tế nghiệt ngã là họ không có cơ hội chiến thắng Nga và con đường khôn ngoan nhất dành cho họ là đóng băng xung đột và bước vào đàm phán nghiêm túc.

Pháo phản lực Nga nhả đạn. Ảnh: Quân đội Nga.

Hy vọng cần đặt trên nền tảng thực tế

Vừa qua, quân đội Ukraine gần như chiếm được hoàn toàn (ở cấp chiến thuật) Urozhyne và Robotyne, đồng thời thiết lập được thế đứng tại 3 điểm ở nửa phía Đông của sông Dnieper. Căn cứ vào đó, những người ủng hộ Kiev cho rằng chiến dịch phản công của Ukraine cuối cùng đã đem lại thành quả. Họ hy vọng, trong chiến dịch này, quân Ukraine có thể đánh tới bờ biển Azov.

Tuy nhiên, nhìn nhận từ cả góc độ chiến dịch và chiến lược, cái giá mà quân đội Ukraine phải trả để đạt được các thành tích đó lại cao hơn rất nhiều so với các ích lợi mà họ nhận được.

Thực tế vừa qua chỉ ra rằng Ukraine không có con đường hợp lý nào để giành được chiến thắng quân sự chung cuộc. Cả Kiev và đồng minh Washington càng phớt lờ thực tế này thì người dân Ukraine càng phải hứng chịu khổ đau do binh lửa chiến tranh và nhà nước Ukraine càng có nguy cơ phải nhượng thêm lãnh thổ trong các cuộc đàm phán muộn màng sau này.

Theo Davis, đã đến lúc phải ưu tiên ngoại giao và tìm kiếm giải pháp đàm phán hòa bình.

Trong khi ấy, một số người vẫn nuôi hy vọng về việc nhận thêm thiết bị quân sự chất lượng cao của phương Tây. Tuần trước, chính quyền Tổng thống Mỹ Biden công bố họ đang nỗ lực hướng tới việc viện trợ thêm 24 tỷ USD cho Ukraine, trong đó phần nhiều sẽ được sử dụng để cung cấp các loại vũ khí đạn dược mới. Một số khác lại dựa vào sự sẵn lòng của Mỹ cung cấp các máy bay chiến đấu hiện đại F-16 cho không quân Ukraine trong tương lai tương đối gần, coi đó như bằng chứng về khả năng xoay chuyển cục diện.

Ấn tượng của một bộ phận giới quan sát và phê bình là một khi quân đội Ukraine sở hữu một số lượng nhất định vũ khí hiện đại, đồng thời một tỷ lệ đáng kể quân nhân của họ trải qua huấn luyện tiên tiến của khối quân sự NATO, họ sẽ có khả năng đối đầu và đánh bại Nga. Tuy nhiên, những người này dường như không hiểu cách thức vận hành của chiến tranh nói chung và yếu tố chính quyết định cục diện cuộc chiến nằm ở chiều sâu con người chứ không phải là các công cụ tác chiến thuần túy. Trên phương diện này, quân đội Ukraine có lẽ đã hứng chịu những tổn thất khó phục hồi.

Nhân tố con người trong xung đột vũ trang Ukraine

Vấn đề ở đây không còn là thiết bị nữa. Cũng không phải câu chuyện huấn luyện. Nhân tố trọng yếu nhất trong năng lực phát động chiến tranh của quân đội Ukraine nằm ở nguồn nhân lực.

Theo các thông tin tình báo Mỹ bị rò rỉ, tính đến tháng 4/2023, quân đội Ukraine có xấp xỉ 130.000 quân nhân thương vong. Con số này sau đó có lẽ tăng vọt từ đầu tháng 6, khi Ukraine mở cuộc phản công quy mô lớn. Đáng lưu ý, thiệt hại lớn nhất của Ukraine là các binh sĩ giàu kinh nghiệm nhất, được NATO đào tạo.

Bây giờ Ukraine sẽ ngày càng khó khăn trong việc bù đắp những tổn thất nhân lực ở quy mô lớn đến như vậy. Nhà phân tích Mỹ Davis cho hay, hiện nay số lượng nam giới Ukraine có thể huy động vào quân ngũ ngày càng ít. Trong khi đó, ngày càng có nhiều nam giới Ukraine di tản ra nước ngoài hoặc trốn quân dịch.

Hứng chịu tổn thất lớn trong 1 năm rưỡi xung đột khốc liệt, không đạt được mục tiêu đáng kể trong chiến dịch phản công kéo dài hơn 2 tháng qua, Ukraine hiện nay thực sự rất ít cơ may chuẩn bị được năng lực để mở một cuộc tiến công lớn thứ 2 trong tương lai gần. Có thể Ukraine sẽ phải mất quãng thời gian của cả một thế hệ thì mới xây dựng lại được một lực lượng chiến đấu đáng tin cậy, nhưng đấy là trong điều kiện đất nước hòa bình liên tục và lực lượng vũ trang Ukraine được cung cấp đầy đủ xe thiết giáp và đạn dược.

Tính đến hôm nay, nếu các binh sĩ Ukraine có đầy đủ các vũ khí khí tài của quân đội Mỹ thì có thể tình hình vẫn không khả quan hơn một cách đáng kể cho Ukraine do năng lực của bản thân người lính Ukraine đã bị suy giảm. Đây cũng là điều mà những người ủng hộ Kiev cho tới nay vẫn chưa thừa nhận.

Nếu thiếu các quyết định chiến lược hợp lý thì dù các binh sĩ Ukraine được trang bị thêm các vũ khí hiện đại với kho đạn đầy đủ (nghĩa là sức hủy diệt của họ đã được nâng lên), điều đó vẫn không bảo đảm thay đổi được cục diện chiến trường.

Đã đến lúc quay trở lại giải pháp đàm phán và ngoại giao

Cây bút Davis nhận định: Phương Tây phải thừa nhận rằng quân đội Ukraine ít nhất đã được trao cơ hội mở cuộc phản công lớn để rồi nhìn nhận xem chiến dịch đó có hiệu quả hay không. Phương Tây nói chung và Mỹ nói riêng đã cung cấp các gói viện trợ quân sự khổng lồ cho Ukraine.

Ở đây có một thực tế nghiệt ngã nữa: Không có cơ sở logic nào để dự báo Kiev sẽ xây dựng được một năng lực phản công cao hơn những gì họ đã làm được cho đến lúc này.

Do vậy, giải pháp khả thi và thực tế hơn cho Ukraine là chấp nhận thực tế, đóng băng xung đột, và bước vào đàm phán với Nga để chấm dứt xung đột vũ trang.

Tất nhiên xét về mặt tâm lý, ban lãnh đạo Ukraine lúc này có thể sẽ không mong muốn ngồi vào bàn đàm phán với Nga. Tuy nhiên, khước từ đàm phán có thể dẫn tới các thất bại tiếp theo, với các tổn thất về nhân lực và lãnh thổ.

Cựu sĩ quan Davis cho rằng, về phía Mỹ, các nỗ lực bơm thêm tiền bạc và vũ khí cho Ukraine về lâu dài cũng không mang lại lợi ích cho chính Mỹ, đồng thời vẫn không đảo chiều được “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga tại Ukraine. Ngược lại, điều đó chỉ kéo dài thêm khổ đau của người dân Ukraine và mở rộng thời gian xung đột quân sự.

Trung Hiếu/VOV.VN biên dịch Nguồn: 19fortyfive

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/cuu-si-quan-my-ukraine-khong-co-co-chien-thang-nga-nen-dam-phan-hoa-binh-post1039973.vov