Cựu Ngoại trưởng Kissinger: Ông Biden phải nhanh nếu không Mỹ-Trung có thể nổ ra xung đột quân sự quy mô Thế chiến I

Ông Kissinger cho rằng, Mỹ-Trung hiện đang ngày càng có xu hướng đối đầu, và hai nước đang tiến hành chính sách ngoại giao theo phương thức đối đầu.

Theo Bloomberg (Mỹ) vào ngày 16/11, cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger cho rằng chính quyền Joe Biden sắp tới cần nhanh chóng hành động để khôi phục kênh liên lạc Mỹ-Trung vốn đã rạn nứt dưới thời chính quyền Donald Trump, nếu không hai nước có khả năng phát sinh nguy một cuộc khủng hoảng có thể leo thang thành một cuộc xung đột quân sự.

Phát biểu tại phiên khai mạc Diễn đàn Kinh tế Mới do Bloomberg tổ chức, ông Kissinger nói: "Trừ phi (Mỹ và Trung Quốc) có một số cơ sở cho hành động hợp tác, nếu không thế giới sẽ rơi vào một thảm họa tương đương với Chiến tranh Thế giới thứ nhất".

Ông nhấn mạnh, công nghệ quân sự hiện nay sẽ khiến cuộc khủng hoảng như vậy trở nên "khó kiểm soát" hơn những cuộc khủng hoảng trước đây.

"Mỹ-Trung hiện đang ngày càng có xu hướng đối đầu, và hai nước đang tiến hành chính sách ngoại giao theo phương thức đối đầu", cựu Ngoại trưởng Mỹ nhận định. “Điều nguy hiểm là một cuộc khủng hoảng bất kỳ có thể sẽ xảy ra, nó sẽ vượt khỏi [cuộc chiến] ngôn từ, phát triển thành xung đột quân sự thực tế”.

Kissinger chỉ ra, cách tiếp cận đàm phán của Tổng thống Trump mang tính đối đầu nhiều hơn, nhưng "nước Mỹ không thể áp dụng nó vô thời hạn".

Ông cũng cho rằng, quan hệ Mỹ-Trung xấu đi nhanh chóng trong năm nay đồng nghĩa với việc hai nước đang dần tiến tới một cuộc chiến tranh lạnh mới, đồng thời nhấn mạnh, hai bên nên "đạt được sự đồng thuận rằng, dù có phát sinh bất kỳ xung đột nào khác, cũng sẽ không sử dụng đến xung đột quân sự".

Thảo luận về một số đề xuất của ông Biden đối với Trung Quốc, chẳng hạn như việc tìm cách thành lập một liên minh để thách thức các sáng kiến của Bắc Kinh, Kissinger kêu gọi Biden nên thận trọng.

Kissinger cho rằng, một liên minh nhằm vào một quốc gia cụ thể là không khôn ngoan, nhưng nếu cần, liên minh để ngăn chặn nguy hiểm là cần thiết.

Ông nói Mỹ-Trung có quan điểm rất khác nhau về cùng một vấn đề, điều này đã ảnh hưởng đến cách hai bên đàm phán. Người Mỹ có một lịch sử thành công tương đối liên tục, trong khi Trung Quốc đã liên tục trải qua các cuộc khủng hoảng trong một thời gian dài.

Ông chỉ ra rằng Mỹ và Trung Quốc có hai nền lịch sử khác nhau, vì vậy cả hai bên phải thấu hiểu quan điểm cơ bản của nhau, hiểu các nguyên tắc cơ bản và định nghĩa của đối phương về lợi ích quốc gia, để cuộc đối thoại có thể diễn ra suôn sẻ.

An An

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/cuu-ngoai-truong-kissinger-ong-biden-phai-nhanh-neu-khong-my-trung-co-the-no-ra-xung-dot-quan-su-quy-mo-the-chien-i-82020171111933670.htm