Cựu Chủ tịch UAC và phi vụ lừa đảo chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng

Hôm nay (27/6), TAND TP Hà Nội tuyên phạt bị cáo Nguyễn Phương Mai (SN 1960, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần tư vấn kiến trúc đô thị Hà Nội- UAC) án tù chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trước đó, năm 2013-2014, Công an Hà Nội nhận được đơn thư tố cáo bà Mai có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Kết quả điều tra cho thấy, Công ty UAC được cổ phần hóa từ năm 2005, với tỷ lệ vốn góp của Nhà nước là 51%, do Tổng công ty đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (UDIC) quản lý. Bà Mai ngồi ghế Chủ tịch HĐQT từ năm 2009- 2013.

Từ năm 2010, do làm ăn thua lỗ, không có khả năng trả nợ nên bà Mai đã dùng nhiều thủ đoạn để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của những người nhẹ dạ.

Nữ đại gia này hứa hẹn xin cấp giấy phép thay đổi quy hoạch sử dụng đất xây dựng chung cư, xin giấy phép xây dựng nhà, thỏa thuận vay vốn để được mua căn hộ tại dự án Tổ hợp chung cư cao tầng và dịch vụ khu đất N04- Khu đô thị Đông Nam đường Trần Duy Hưng, Cầu Giấy (viết tắt là dự án N04).

Phiên tòa xét xử bị cáo Mai

Cáo buộc cho rằng, sau khi nhận tiền của các bị hại, bà Mai không thực hiện như cam kết mà chiếm đoạt cá nhân.

Một trong số các bị hại của bà Mai phải kể đến bà H. (khi đó là Chủ tịch HĐQT một công ty chuyên về y tế). Bà H. được UBND quận Đống Đa cấp phép xây dựng nhà tại phố Khâm Thiên, công trình cao 5 tầng và 1 tum.

Biết bà H. có nguyện vọng muốn xin lại giấy phép xây dựng nên bà Mai đã tự nhận mình có quan hệ với nhiều lãnh đạo của UBND TP Hà Nội và các ngành có liên quan, có khả năng xin cấp phép xây dựng với giá 60.000 USD.

Do tin tưởng, tháng 11/2011, bà H. đã đưa tạm ứng trước cho bà Mai 1 tỷ đồng, để rồi bị lừa.

Nữ đại gia ‘làm liều’

Cáo buộc còn cho rằng, năm 2008, UAC liên danh với Tổng Công ty đầu tư phát triển hạ tầng Đô thị (UDIC), Công ty CP Đầu tư xây dựng công nghiệp (ICC) và Công ty CP thương mại quốc tế và tư vấn đầu tư (Invecon) để thực hiện dự án N04.

Trong đó, UAC góp 25% vốn. Dự án được phê duyệt xây dựng với tổng mức đầu tư hơn 2.070 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư từ vốn tự có, nguồn vốn huy động và vay vốn tín dụng ngân hàng.

Ngày 7/9/2011, Đại hội đồng cổ đông của UAC ban hành Nghị quyết thông qua việc vay vốn để đầu tư dự án.

Mặc dù HĐQT công ty không có chủ trương huy động vốn bên ngoài, nhưng bà Mai đã lợi dụng danh nghĩa Chủ tịch HĐQT tự ý lập, ký thỏa thuận vay vốn, hợp đồng huy động vốn với các cá nhân bên ngoài.

Bị cáo còn lập các phiếu thu giả, giấy nhận tiền, giấy nhận cọc, giả chữ ký kế toán, thủ quỹ trên các phiếu thu để chiếm đoạt hơn 26,3 tỷ đồng của 13 người.

Số tiền trên, bà Mai không đưa vào hệ thống sổ sách quản lý, không nhập tiền vào quỹ công ty mà sử dụng chi tiêu cá nhân.

Quá thời hạn cam kết, 13 khách hàng không mua được nhà, đề nghị được rút tiền nhưng bị cáo lẩn tránh. Đến khi làm việc với công ty, họ mới biết toàn bộ giấy tờ là giả mạo nên tố cáo sai phạm của nữ chủ tịch HĐQT.

Xác minh tại Công ty UAC cho thấy, do hoạt động kinh doanh không hiệu quả, gặp khó khăn tài chính nên ngày 16/1/2013, UAC đã thoái toàn bộ vốn góp tại dự án N04.

Cáo trạng xác định, tổng số tiền bị cáo chiếm đoạt của các bị hại là hơn 27,9 tỷ đồng. Về trách nhiệm dân sự, HĐXX buộc bị cáo phải hoàn trả số tiền trên cho người bị hại.

T.Nhung

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/cuu-chu-tich-uac-va-phi-vu-lua-dao-chiem-doat-hang-chuc-ty-dong-2034228.html