Cưỡng chế phá dỡ lò gạch ở Sóc Sơn (Hà Nội): Thấp thỏm bên miệng lò!

Chủ trương xóa bỏ lò gạch thủ công là hoàn toàn đúng đắn bởi ô nhiễm môi trường do các lò gạch thủ công gây ra là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, vấn đề giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động thủ công vốn chẳng có tay nghề gì ngoài kỹ năng làm gạch cũng rất cần được xem xét.

> Cưỡng chế phá dỡ lò gạch ở Sóc Sơn (Hà Nội): Chủ lò xin lộ trình xử lý sai phạm

Việc xóa bỏ lò gạch thủ công về sâu xa là để tiến tới xây dựng một nền sản xuất vật liệu xây dựng hiện đại và đảm bảo an toàn. Xóa bỏ thì dễ, xây dựng mới khó. Khó hơn nữa là làm thế nào ổn định công ăn việc làm cho hàng chục ngàn lao động khi đã xóa bỏ lò gạch gây ô nhiễm. Đây thực sự là bài toán nan giải với các địa phương.

Một trong những đơn vị sản xuất gạch đang đứng trước nguy cơ phá sản nếu lập tức bị xóa sổ lò sản xuất gạch là Cty CP gạch Đức Hòa (thôn Thượng, xã Đức Hòa, huyện Sóc Sơn, Hà Nội).

Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Văn Kim, Giám đốc Cty CP gạch Đức Hòa, cho rằng: Ông hoàn toàn ủng hộ chủ trương xóa bỏ lò gạch thủ công và từng bước xây dựng nhà máy sản xuất gạch theo quy trình hiện đại, đảm bảo không ô nhiễm môi trường và an toàn cho người lao động. Chính vì thế, đầu năm 2015, Cty CP gạch Đức Hòa đã đầu tư hơn 20 tỉ đồng để nâng cấp thay đổi từ công nghệ lò úp sang công nghệ lò vòng nhằm giảm tối đa ảnh hưởng của tác nhân gây ô nhiễm.

Năm 2015, Cty CP gạch Đức Hòa đã đầu tư hơn 20 tỉ đồng để nâng cấp thay đổi từ công nghệ lò úp sang công nghệ lò vòng nhằm giảm tối đa ảnh hưởng của tác nhân gây ô nhiễm, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương.

Thực tế, kể từ khi chuyển đổi sang công nghệ lò vòng, đơn vị chưa nhận được bất kỳ phản hồi thiếu tích cực từ phía địa phương. Không những vậy, việc chuyển đổi sang công nghệ lò vòng còn giúp hơn 100 lao động của công ty yên tâm làm việc.

Tuy nhiên, việc kiên quyết thực hiện chủ trương xóa bỏ lò gạch của thành phố Hà Nội một cách nhanh chóng khiến đơn vị gặp rất nhiều khó khăn, nguy cơ phá sản hiển hiện trước mắt. Đồng thời, hơn 100 lao động cũng hoang mang do chưa được đào tạo nghề khác để chuyển đổi cho phù hợp.

Chính quyền cơ sở dù thừa nhận việc xóa bỏ lò gạch là cần thiết song vẫn trăn trở làm thế nào ổn định an sinh xã hội cho hơn 100 công nhân sau khi mất việc làm. Trong biên bản hội nghị họp dân của thôn Thượng, ngày 16/7/2016 (có đại diện UBND xã Đức Hòa, đại diện chi bộ thôn Thượng và hàng trăm hộ dân), nhiều ý kiến kiến nghị “cho lui thời gian tháo dỡ công trình lò gạch” của Cty CP gạch Đức Hòa để người lao động có thời gian chuẩn bị đào tạo nghề mới cho phù hợp với điều kiện thực tế, đồng thời góp phần ổn định an sinh xã hội tại địa phương.

Trước đó, ngày 13/7/2016, chi bộ thôn Thượng cũng đã họp quán triệt Cty CP gạch Đức Hòa cần tự giác tháo dỡ công trình lò gạch song cũng đề xuất địa phương lui thời gian bắt buộc tháo dỡ cùng với lý do để người lao động từng bước chuyển đổi cơ cấu kinh tế; đồng thời hỗ trợ để Cty CP gạch Đức Hòa có điều kiện thanh toán hết các khoản nợ lương nhiều tháng qua với người lao động.

Dẹp bỏ các lò gạch vi phạm khiến cho không chỉ riêng cánh chủ lò mất ăn mất ngủ mà cả người lao động và chính quyền địa phương cũng thấp thỏm

Theo tìm hiểu của phóng viên, tại Cty CP gạch Đức Hòa (xã Đức Hòa, Sóc Sơn, Hà Nội) có hơn 100 lao động, trong đó non nửa là những cặp vợ chồng cùng làm việc. Thậm chí, có những gia đình 6, 7 người cùng tham gia lao động tại đây như trường hợp anh em nhà Quách Văn Tiến, Quách Văn Tập, Quách Văn Dũng…

Trên miệng lò ngột ngạt giữa cái nắng cuối hè, chị Quách Thị Hùy, 39 tuổi, tâm sự: “Cả hai vợ chồng tôi đều là công nhân lò gạch, từ sáng sớm đến tối muộn làm việc quần quật mới đủ ăn. Nếu lò gạch bị xóa bỏ, cả hai vợ chồng thất nghiệp thì cả gia đình chưa biết trông vào đâu, hai con nhỏ chắc khó có thể tiếp tục đi học. Tôi nghĩ ngợi nhiều nhưng cũng chưa biết chuyển nghề gì”.

Gắn bó với Cty CP gạch Đức Hòa đã 22 năm, ông Nguyễn Đức Tuấn chứng kiến Cty bước qua giai đoạn khó khăn tạo công ăn việc làm với thu nhập ổn định cho hơn 100 lao động. Nay trước nguy cơ xóa sổ, ông thật sự lo lắng vì dù tuổi đã cao nhưng vẫn là lao động chính trong gia đình, nếu giờ mất việc, tương lai trước mắt sẽ rất mịt mù. Ông chỉ mong “Cty tiếp tục được hoạt động, hay chí ít thì kéo dài thêm một vài năm đủ thời gian đóng bảo hiểm để lĩnh lương hưu”…

Không chi với những người tuổi cao như ông Tuấn, ngay cả người trẻ như anh Nguyễn Đức Nhật (28 tuổi) muốn chuyển đổi nghề cũng không hề đơn giản. Anh Nhật tâm sự: “Gia đình tôi có 4 người, hoàn toàn trông vào đồng lương tôi đi làm tại Cty CP gạch Đức Hòa. Tìm việc ở ngoài chắc cũng có nhưng có thể bấp bênh, không ổn định như ở đây”.

Chủ tịch UBND xã Đức Hòa Nguyễn Văn Độ vô cùng trăn trở về vấn đề an sinh xã hội và an ninh trật tự tại địa phương một khi hơn 100 lao động bỗng dưng “nhàn cư vi…”. Không dưới vài lần, ông Chủ tịch xã tất tưởi ngược xuôi xin chủ trương hỗ trợ đào tạo nghề cho hơn 100 lao động mất việc nhưng những gì có được cho tới lúc này vẫn chỉ là “chấp thuận chủ trương” chứ chưa hề có một bản kế hoạch đào tạo nào cụ thể. Nhiều lao động mất việc đồng nghĩa với tỉ lệ tái nghèo ở địa phương sẽ lại tăng. Theo thống kê của ông Độ, nhiều hộ nghèo sau khi được nhận vào làm ở Cty CP gạch Đức Hòa thì đã thoát nghèo, như: Hộ Nguyễn Thị Hứa, Nguyễn Thị Loan, Nguyễn Văn Tấn…

Xóa bỏ một lò gạch không hề khó nhưng làm sao để doanh nghiệp thu hồi một phần vốn nhằm chuyển đổi lĩnh vực sản xuất phù hợp, làm sao để hàng trăm người lao động có thời gian tìm nghề mới là bài toán cần có lời giải hợp tình, hợp lý.

Thành Vinh – Duy Thiên

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/cuong-che-pha-do-lo-gach-o-soc-son-ha-noi-thap-thom-ben-mieng-lo/