Cuốn sổ - trang đời

Căn cước công dân (CCCD) gắn chip trở thành công cụ quản lý hành chính và dân cư thay thế sổ hộ khẩu. Đó là bước phát triển tất yếu của xã hội hiện đại.

Theo Luật Cư trú năm 2020, kể từ ngày 1-1-2023, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú (gọi chung là SHK) sẽ không còn hiệu lực. Cùng với quá trình cấp CCCD gắn chip, cơ quan chức năng đã thu hồi SHK của những đối tượng được quy định tại Thông tư số 55/2021/TT-BCA ngày 15-5-2021 của Bộ Công an về “Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú”.

SHK không còn giá trị trong các quan hệ hành chính, nhưng trong đời sống văn hóa tinh thần của đại bộ phận người dân, nó là một phần ký ức không thể nào quên. Chính vì vậy, tại Hội nghị đối thoại trực tiếp về thủ tục hành chính, giải quyết thủ tục hành chính năm 2022 do Công an TP Hồ Chí Minh tổ chức ngày 17-8 vừa qua, rất nhiều ý kiến người dân đã kiến nghị, xin được giữ lại SHK để làm kỷ niệm, thay vì bị thu hồi theo quy định. Nguyện vọng của đông đảo bà con được các cán bộ chủ trì hội nghị ghi nhận và hứa, sẽ phản ánh lên lãnh đạo Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an để có biện pháp điều chỉnh, xử lý phù hợp.

Ảnh minh họa: TTXVN

Dưới lăng kính văn hóa, SHK ở mỗi gia đình hiện nay cũng giống như sổ lương thực (sổ gạo) trong những năm bao cấp. Từ khi đất nước đổi mới, chấm dứt thời kỳ bao cấp thì sổ gạo cũng hết hiệu lực. Mặc dù vậy, hơn 35 năm qua, rất nhiều gia đình vẫn gìn giữ những cuốn sổ gạo, tem phiếu... thời bao cấp như những báu vật. Thời gian càng lâu, độ lùi của lịch sử càng sâu thì những kỷ vật ấy càng có giá trị về văn hóa. Đã có nhiều cuộc trưng bày, triển lãm hình ảnh, kỷ vật thời kỳ bao cấp. Nó gợi lại cho các thế hệ sinh ra, lớn lên trong thời kỳ ấy những ký ức sâu xa để tiếp thêm động lực cho cuộc sống hiện tại và tương lai. Nó, đồng thời cũng là chất liệu giáo dục truyền thống sinh động cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Mỗi hình ảnh, kỷ vật gắn bó sâu sắc với đời sống người dân đều là chứng nhân của những giai đoạn lịch sử. Nhờ nó mà gia đình có thêm chất liệu giáo dục để giữ nền nếp gia phong, góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc!

Theo hướng dẫn tại khoản 2, Điều 26 Thông tư 55, khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký thường trú, điều chỉnh thông tin trong cơ sở dữ liệu về cư trú, tách hộ, xóa đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, gia hạn tạm trú, xóa đăng ký tạm trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú... thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi sổ. Áp dụng Thông tư 55 trên thực tế, số lượng SHK bị thu hồi là rất lớn. Đơn cử, tại TP Hồ Chí Minh, từ tháng 7-2021 đến nay, cơ quan chức năng đã thu hồi hơn 56.500 SHK trong quá trình cấp CCCD gắn chip và giấy xác nhận cư trú.

Thông tư 55 có hiệu lực từ ngày 1-7-2021. Hàng vạn, hàng triệu cuốn SHK phải thu hồi. Nhiều người dân vì muốn giữ lại kỷ vật thân thuộc ấy, đã sao chụp SHK trước khi nộp bản gốc cho cơ quan chức năng. 10 năm, 20 năm sau và lâu hơn thế nữa, những cuốn sổ ấy là những kỷ vật vô giá. Chiều sâu của văn hóa được đo từ những giá trị mang tính vật thể rất gần gũi ấy.

Cuốn sổ, không đơn thuần chỉ là giấy mực. Nó là những trang đời, chứa một phần ký ức đã ăn sâu vào nếp sống, thấm vào máu thịt con người. Cảm giác ngậm ngùi, tiếc nuối, nguyện vọng được giữ lại cuốn sổ như một phần ký ức, chính là những cung bậc của văn hóa.

Từ nguyện vọng của người dân, mong rằng cơ quan chức năng các cấp sẽ tiếp thu, ban hành bổ sung Hướng dẫn thực hiện Thông tư 55. Hoặc, nếu ai có nguyện vọng giữ lại SHK thì cơ quan đăng ký cư trú địa phương sẽ hướng dẫn, trả lại sau ngày 1-1-2023.

PHAN TÙNG SƠN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/cuon-so-trang-doi-703230