Cười với người nhà quê!

Dịp về miền Trung, trên chuyến bay trở lại Sài Gòn, thỉnh thoảng tôi lại bật cười nhớ đến mấy câu chuyện hóm hỉnh của những lão nông quê nhà. Chẳng phải ngớ ngẩn gì, chỉ là cái chất 'u mua' (sự hài hước, phiên âm từ tiếng Pháp-humour) khiến mình không nhịn cười được!

Đường làng và lũy tre. Ảnh: TRẦN THANH BÌNH

Rời nhà người bà con lúc 6 giờ sáng, để đón xe vào sân bay Phú Bài (Huế). Trời mưa tầm tã, nhưng khi đứa cháu dừng xe bên đường chào cụ già trong họ, cười móm mém trong chiếc áo mưa với khuôn miệng chỉ còn hai chiếc răng, cụ nói: “Tui 85 tuổi rồi, mà chưa có vợ”, tôi ngớ ra hỏi là sao, đứa cháu nói “Ông ấy có 3 người con, 11 người cháu và 3 đứa chắt rồi. Mà vợ mất từ hồi hơn 50 tuổi nên gặp ai cũng nói vậy”. Đoạn, ông bập điếu thuốc rê ngún cháy, nói tiếp tỉnh rụi: “Răng mới mọc được hai cái mà vợ con chi”. Lại bật cười nhìn cái vẻ dí dỏm của ông cụ, mà nghĩ: lạc quan cho đến lúc về già ngần ấy, thì có thứ gì mà sợ trên đời!

Những câu chuyện cười lan truyền về những nhân vật của làng, có khi được thêm bớt chút ít, có khi qua giọng kể của người dẫn chuyện, cũng là phong vị đặc biệt làng quê. Mỗi nơi mỗi vẻ, mỗi làng một chất giọng riêng, là một thứ “thuốc bổ” thần sầu để họ đi qua những nhọc mệt nắng mưa, vườn tược, đồng áng… mà mỗi khi tụ họp bên ấm nước chè xanh, họ lại đưa ra kể để “dẫn dụ” mọi người vào các chủ đề của một “thế giới u mua” đặc hiệu. Tôi nghĩ nếu không có nó, có lẽ họ sẽ khó chống chọi với những khắc nghiệt của thời tiết, lăn lộn mưu sinh trải hàng trăm năm qua.

Tỷ như một bài vè tôi còn nhớ thuở nhỏ ở làng, là bài Vè thằng Tạo, có mấy câu để phê phán về sự chậm chạp, lười biếng hay xui xẻo, lơ là đến độ không chấp nhận được của một chàng trai trẻ, như: “Nghe vẻ nghe ve, nghe vè thằng Tạo, đi mót quên dao, đi cào quên rổ, đi ăn giỗ mất phần, đi gánh phân mất trạc (một thứ rổ lớn), đi gánh nác (nước) bể giò, đi giữ bò bò đá…”. Rồi cuối cùng là “đi tắm chết trôi, ôi thôi rồi đời thằng Tạo…”. Cái chất phê phán hài hước bằng những bài vè theo kiểu folklore (văn hóa dân gian) như vậy không hiếm ở các làng quê miền Trung, đã tạo ra tràng cười khá thú vị, để mỗi khi đọc lên lại không khỏi thán phục người nhà quê đã liên kết móc nối câu chuyện, đặt vần khá tài tình, để nói về một chủ đề, dễ nhớ dễ thuộc lưu truyền đời này qua đời khác!

Bởi vậy, khi giở đọc quyển Cái cười của thánh nhân (in lần thứ 15 do NXB Trẻ, năm 2023) của tác giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần, một học giả của đất Mỹ Tho sống gần trọn cả thế kỷ 20, bắt gặp câu này, tôi rất tâm đắc: “U mặc (hay u mua) là ngọn thanh phong trong những buổi trưa hè oi ả của cuộc đời”. Tất nhiên, vị học giả này đang nói đến tính chất trào lộng, châm biếm trong văn chương u mua thuở trước của các nhà văn, các bậc thức giả, nhưng nếu xét về tính chất trào lộng, hài hước của những câu chuyện, những bài vè lưu truyền trong dân gian, dù không thâm thúy sâu sắc bằng, lại vẫn cứ hiện diện hàng ngày nơi này nơi nọ giữa đời sống các làng quê trên khắp dải đất hình chữ S này.

Để rồi từ đó, những nụ cười vẫn ran ran đầu thôn cuối xóm, hóa giải đi bao thứ phiền muộn hay âu lo cho thời tiết mùa vụ theo cách diễn tả trong câu kết của một bài ca dao độc đáo được học từ thời niên thiếu: Chớ than phận khó ai ơi. Còn da lông mọc còn chồi nảy cây. Lại nghĩ, trong mỗi con người bình dị chất phác hầu như đều ẩn giấu cái cốt cách “hóm hỉnh một chút cho ngày bớt dài”, như lời người bạn tôi bây giờ vẫn sống với ruộng vườn bên cạnh những nông dân chân chất, từng nói.

Mỗi dịp về làng, lại được “trang bị” một mớ những câu chuyện cười rất có ý nghĩa lạc quan của người nhà quê, đôi khi nghĩ nó có giá trị hơn cả bao điều khác vốn vẫn khiến mình bận lòng nơi chốn tha phương!

Trần Thanh Bình

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/cuoi-voi-nguoi-nha-que/