Cuối năm… toàn chuyện quy hoạch!

Trước đây đến hơn 10 năm một quan chức nhìn thủ đô từ trên cao khi máy bay hạ cánh xuống Nội Bài từng nói một câu nổi tiếng: Hà Nội như một đống xà bần. Tuần trước đương kim chủ tịch thành phố này “tổng kết công tác quy hoạch” rằng: Quy hoạch đã băm nát đô thị. Một kiến trúc sư kêu lên: Các thành phố vệ tinh nay biến mất tiêu rồi? Hỏi thế là vì cái sân bay Nội Bài với cầu Thăng Long cùng các đô thị vệ tinh… là vài điểm sáng thành công của quy hoạch Hà Nội thời có tư vấn Liên Xô.

Khu vực Công trường Lam Sơn (TPHCM).

Hôm nay TP.Hồ Chí Minh mới đưa sân bay Long Thành vào nghị sự thì coi như đi sau đến 40 năm. Cuối năm dân tình lo lắng nhất việc đi lại và ăn uống. Chính quyền vì thế nỗ lực quyết liệt giảm ùn tắc và giám sát thực phẩm. Hà Nội chạy thử xe buýt nhanh dù chưa phạt người lấn làn xe ưu tiên. Sài Gòn đưa dự tính mức giá metro - tàu điện đô thị là 15.000đ/ chuyến. Hà Nội có dự án cấm xe hai bánh cá nhân dần dần. Còn thành phố của tôi có dự án phát triển giao thông đường thủy bởi chúng tôi có vài ngàn cây số kênh rạch mà bỏ phí không biết khai thác. Thậm chí đã có dự án thuyền taxi trên kênh rạch nội đô. Đó là những quy hoạch giao thông đáng mong đợi. Tân bí thư thành phố tôi đầu năm từng rất quyết liệt khi lệnh cho cấp dưới phải giải quyết việc ùn tắc trong một thời gian rất cụ thể. Tới cuối năm mới thấy rõ là bất khả thi. Lại còn ùn tắc hơn gấp bội. Cả trên trời máy bay cũng ùn tắc luôn. Sân bay quá tải trên trời gây ra thêm ùn tắc dưới đất. Người ta gấp rút làm các cầu vượt để giải cứu sân bay. Nhưng làm cầu vượt tức thì sinh ra hàng chục lô cốt làm ùn ứ nghiêm trọng hơn. Nguyên chỗ giữ xe và đường vào cho nó cũng đã đảo lộn cuộc sống dân cư và gây áp lực với môi trường. Vì thế nên lại có dự án làm một nhà để xe cao 9 tầng ngay sau nhà hát Công trường Lam Sơn - bộ mặt của Sài Gòn. Có chuyên gia phẫn nộ bình luận rằng: Đúng là một cái tát quy hoạch vào mặt thành phố…! Quy hoạch là cứ cái nọ xọ cái kia như vầy. Bạn sẽ “vỡ đầu”, “lên ruột” khi nói chuyện quy hoạch. Một mớ bòng bong khổng lồ dây nhợ chằng chịt trói buộc từng bước đi từng miếng ăn ngụm uống của ta hàng ngày. Càng gỡ càng rối, bùng nhùng giật gỡ một chỗ này là tức thì tắc nghẽn mười chỗ khác.

Những bài học thành công của quy hoạch đô thị ở Việt Nam cho thấy hai điều. Một là quy hoạch = vẻ đẹp của đô thị, làm cho nó thành nơi đáng sống (Đà Nẵng được coi là thành công nhất thời đổi mới!). Hai là quy hoạch = tầm nhìn. Giải quyết toàn việc cụ thể bằng một tầm xa về thời gian và tầm cao về không gian là nghệ thuật quy hoạch. Quy hoạch Thăng Long của Lý Thái Tổ dựng “đế đô muôn đời” chỉ gồm khu hoàng thành nơi vua ở, trung tâm quân sự, hành chính và nơi quan lại ở. Phía ngoài là khu phố phường cho dân các làng nghề về định cư phát triển công thương. Ngoài nữa là các bến thuyền và trục đường bộ. Thời Pháp, khi dân số chỉ vài vạn, diện tích chỉ vài chục kilômét vuông, người Pháp đã quy hoạch một thành phố hiện đại vài trăm ngàn dân làm thủ phủ Bắc Kỳ. Hà Nội có thêm ba khu vực nữa là khu hành chính Đông Dương cạnh hồ Tây - phố Tây, khu Hoàn Kiếm trung tâm của Hà Nội nối với khu công chức ta và khu buôn bán kéo xuống tới Chợ Mơ. Đường sắt xuyên Việt nối trục Bắc Nam và tàu điện nối chợ Mơ - chợ Đồng Xuân - chợ Bưởi và vào Hà Đông. Sài Gòn cũng từng có một quy hoạch rất tầm cỡ cho một siêu đô thị Châu Á. Khiến nó trở nên hòn ngọc Viễn Đông. Hai tầm nhìn quy hoạch này tồn tại 80 năm đến thời Đổi Mới thì bắt đầu bị phá vỡ. Cũng từ đó tới nay ta không có quy hoạch nào đủ tầm cho mọi đô thị Việt Nam chứ không riêng hai đầu tàu kể trên.Và đau hơn nữa là bất kỳ động thái, quyết định quy hoạch nào cũng lập tức, liên tục bị phá vỡ trong một hai năm. Phó Thủ tướng phụ trách xây dựng nói Hà Nội và TP Hồ Chí Minh không tuân thủ quy hoạch là xác thực. Nó vỡ do người làm quy hoạch thiếu tầm nhìn và do xung đột lợi ích, tham nhũng và quan liêu. Các dự án đánh gục mọi quy hoạch đến từ mỗi tiểu tiết như “khúc quanh mềm mại” của một con phố, chiều cao của một tòa nhà, lối vào của một bến xe… tới một khu đô thị hay một trung tâm, một vành đai.Các làng ven đô biến thành phố hoàn toàn hỗn loạn không có một nét bút quy hoạch nào. Ngõ ngách liền tù tì, ngoằn ngoèo… tạo ra vô số những khu “ổ chuột trung lưu” kỳ dị. Thua xa quy hoạch bàn cờ của khu phố cổ, xa xưa cũng từ các làng ven đô mà thành.

Cuối năm tổng kết nổi lên chuyện quy hoạch cho thấy cái ta thiếu nhất trong phát triển đất nước vẫn là tầm nhìn. Căn bệnh kinh niên vẫn là giỏi chắp vá, đắp điếm, giỏi ứng phó, chiến thuật thiếu tư duy chiến lược dài hạn, sâu sắc. Vậy mà trong khi đào tạo nhân lực, nhân tài còn bế tắc thì việc bổ nhiệm, quy hoạch cán bộ ở một số nơi còn tùy tiện. Hỏi ai dám hy vọng giải nổi các bài toán quy hoạch đây!

Nguyễn Bỉnh Quân

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/cuoi-nam-toan-chuyen-quy-hoach-632583.bld