Cuộc xung đột Israel - Palestine qua những mảnh kính vỡ tại nhà thờ Al-Aqsa

Các thợ thủ công tại Nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa, nơi người Do Thái gọi là Núi Đền, phàn nàn về việc Israel can thiệp vào công việc của họ và phải đấu tranh liên tục để theo kịp công việc sửa chữa, khi bạo lực đang bùng phát giữa các lực lượng Israel và tín đồ Hồi giáo Palestine.

Di sản nghìn năm trong nỗi ám ảnh bạo lực

Tại một xưởng nằm ở rìa khu phức hợp Nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa, Muhammad Rowidy dành hàng giờ khom người trên những tấm kính màu, cẩn thận chạm khắc các thiết kế hình học qua thạch cao trắng. “Bạn thấy đấy,” Rowidy nói, dừng lại và ngả người ra sau, “công việc khó khăn này phải mất hàng tháng trời để hoàn thành”.

Toàn cảnh khu phức hợp Al-Aqsa - Ảnh: Getty Images

Rowidy và hàng chục nghệ nhân và công nhân Palestine khác đang bảo dưỡng và khôi phục nhà thờ cùng các cấu trúc khác trong khu phức hợp Al-Aqsa nằm ở Đông Jerusalem, là thánh địa linh thiêng của cả người Hồi giáo và người Do Thái, nơi người Do Thái gọi là Núi Đền. Nhưng công việc của những người thợ không chỉ đơn giản là sửa chữa. Họ còn phải ứng phó với những tình trạng bất ổn thường xuyên diễn ra tại nơi này.

Tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo, năm nay bắt đầu vào thứ Tư và trùng với Lễ Vượt qua của người Do Thái bắt đầu từ ngày 5-12/4, khiến số lượng lớn hơn các tín đồ và du khách đến địa điểm tranh chấp, qua đó làm tăng khả năng xảy ra đụng độ. Năm nay, bạo lực đã nổ ra khi những tín đồ Hồi giáo Palestine dựng rào chắn bên trong khuôn viên Al-Aqsa và cảnh sát Israel đã sử dụng vũ lực để bắt giữ hàng chục tín đồ.

Các nghệ nhân ở khu phức hợp - bao gồm một chuyên gia về vàng lá, thợ đúc đồng và thợ chạm khắc gỗ - lại đối diện với sự thật rằng công việc tỉ mỉ của họ sẽ bị phá hủy, như đã từng xảy ra trong những năm trước. Sự thất vọng của họ càng gia tăng bởi sự kiểm soát chặt chẽ hơn của Israel đối với khu phức hợp trong những năm gần đây, khiến việc sửa chữa trở nên khó khăn hơn.

Các công nhân tại Al-Aqsa cần được sự chấp thuận của chính quyền Israel để sửa chữa hoặc thay thế bất cứ thứ gì tại đây, từ những bậc thang cho đến từng miếng kính cửa sổ bị vỡ. Các cuộc đụng độ tại Al-Aqsa giữa cảnh sát chống bạo động cầm dùi cui bắn hơi cay và đạn có đầu xốp và người Palestine, với vũ khí là đá và pháo sáng, đã để lại hàng loạt cửa sổ bị vỡ và những thiệt hại khác trong những năm gần đây.

Sau mỗi vụ bạo lực, ông Rowidy và các đồng nghiệp của mình phải nhặt nhạnh những mảnh vỡ. Các cửa sổ kính màu bị vỡ nằm trên đỉnh của Nhà thờ Hồi giáo Qibli, một trong hai công trình kiến trúc chính bên trong khu phức hợp Al-Aqsa, cùng với Dome of the Rock (Mái vòm Đá), một sảnh cầu nguyện có mái vòm bằng vàng. Tất cả đều cần phải được xử lý sớm. Nhưng các nghệ nhân nói rằng đôi khi có thể mất nhiều năm để đảm bảo sự chấp thuận cho việc sửa chữa.

Bassam al-Hallaq, một kiến trúc sư đã giám sát các nghệ nhân và công nhân làm việc tại Al-Aqsa hơn 40 năm, cho biết vào năm 2019, cảnh sát Israel đã giam giữ và còng tay ông trong nhiều giờ sau khi ông cố gắng thay thế một viên gạch mà không được phép. Bassam al-Hallaq sau đó đã dán những mẩu báo về trải nghiệm đó vào tủ hồ sơ trong văn phòng của mình như một lời nhắc nhở.

Ông nói thêm: “Họ không hành động theo thỏa thuận quản lý khu phức hợp”. Trong khi đó, cảnh sát Israel cho biết việc bảo trì tại địa điểm này "không thuộc trách nhiệm” của họ nhưng cảnh sát sẽ ở đây để duy trì an ninh trật tự.

Những mảnh vỡ phản chiếu cuộc xung đột

Các sự cố tại khu phức hợp thường đóng vai trò châm ngòi cho cuộc xung đột giữa Palestine và Israel. Năm 2000, một chuyến đi đến địa điểm này của Ariel Sharon, người sau này trở thành Thủ tướng Israel, được bao quanh bởi hàng trăm sĩ quan cảnh sát, đã gây ra làm sóng phản đối dữ dội của người Palestine.

Một người biểu tình Palestine bị cảnh sát Israel bắt giữ tại Al-Aqsa - Ảnh: Straits Times

Gần đây hơn, Bộ trưởng An ninh Israel, Itamar Ben-Gvir, đã khiến người Palestine và các quốc gia Hồi giáo trong khu vực tức giận khi đến thăm khu phức hợp này.

Ông al-Hallaq cho biết mối quan hệ giữa những người làm việc trong khu phức hợp và cảnh sát bắt đầu rạn nứt sau chuyến thăm của ông Sharon. Nhưng các công nhân nói rằng tình hình đã trở nên đặc biệt khó khăn trong vài năm qua. Việc giám sát khu phức hợp được xử lý bởi một Hội đồng ủy thác Hồi giáo có tên là Waqf, do Jordan kiểm soát và tài trợ theo một thỏa thuận bất thành văn với Israel, bên có toàn quyền về an ninh và duy trì một đồn cảnh sát nhỏ bên trong.

Israel nói rằng không có thay đổi nào đối với hiện trạng tồn tại tại khu phức hợp kể từ khi nước này chiếm và sáp nhập Đông Jerusalem, bao gồm Thành phố Cổ và khu phức hợp Al-Aqsa, vào năm 1967. Phần lớn thế giới coi việc sáp nhập đó là bất hợp pháp và không công nhận chủ quyền của Israel đối với Đông Jerusalem.

Yitzhak Reiter, chủ tịch Hiệp hội nghiên cứu Hồi giáo và Trung Đông của Israel, chuyên giải quyết xung đột ở những nơi linh thiêng, cho biết trong cảnh sát Israel trong vài năm qua đã tăng cường hiện diện bên trong khu phức hợp để giám sát công việc của các nghệ nhân và hộ tống những người theo đạo Do Thái.

Trong các cuộc đột kích của cảnh sát vào khu phức hợp vào năm ngoái, Nhà thờ Hồi giáo Qibli đã bị hỏng tay nắm cửa ra vào và vỡ kính cửa sổ. Nghệ nhân Rowidy cho biết rất dễ để biết bên nào đã phá hỏng chỗ nào. Ông nói, cảnh sát Israel đã đập nát nhiều thứ bằng dùi cui. Một đoạn video được đăng trên Facebook cho thấy một trong những cửa sổ bị đập vỡ, với thứ dường như là dùi cui, từ bên ngoài. Trong khi đó, những người Palestine khi ném đá vào cảnh sát đã làm thủng những lỗ lớn trên cửa sổ.

Ông Rowidy cho biết, tấm kính đã bị hư hại vào năm ngoái, ban đầu là do người Palestine, trước khi bị phá hủy hoàn toàn bởi các sĩ quan Israel, những người đã sử dụng lỗ hổng để bắn hơi cay và đạn có đầu bằng bọt biển vào nhà thờ Hồi giáo.

Những tấm kính màu vô giá bên trong nhà thờ Hồi giáo Nhà thờ Hồi giáo Qibli - Ảnh: New York Times

Sau tháng lễ Ramadan năm ngoái, các nghệ nhân đã tháo khung gỗ của cửa sổ, loại bỏ kính vỡ và thạch cao, và bắt đầu phục chế lại một cách cẩn thận. Đầu tiên, họ đặt một tấm kính mới và đổ thạch cao lên cả hai mặt. Sau đó họ vẽ thiết kế hình học trên thạch cao bằng than mềm.

Sử dụng một cái cuốc nhỏ, ông Rowidy từ từ di chuyển dọc theo các đường viền, loại bỏ thạch cao từng chút một để lộ lớp kính bên dưới. Trong xưởng, âm thanh duy nhất là tiếng cuốc sắt cào vào thạch cao, tiếng quạt và tiếng đọc Kinh Qur'an. Bên ngoài, trong sân cạnh Dome of the Rock, một số đồng nghiệp của họ đang sửa chữa một đường ống ngầm. Hai sĩ quan cảnh sát canh chừng. Gần đó, cảnh sát vũ trang hạng nặng hộ tống những người theo đạo Do Thái đi quanh khu nhà.

Tạm dừng công việc, ông Rowidy lặng người quan sát quan sát những cửa sổ bị vỡ tại Nhà thờ Hồi giáo Qibli, một số có niên đại từ thời Đế chế Ottoman, mà ông hy vọng một ngày nào đó sẽ sửa chữa được.

“Khi một cửa sổ như thế này bị vỡ, trái tim tôi tan nát cùng với nó,” Rowidy nói, chỉ vào một cửa sổ lớn màu hồng và xanh. “Tôi rất lo lắng về những ngày sắp tới. Bạo lực đang bùng phát, và rồi chúng tôi sẽ lại chứng kiến thêm những tấm kính vô giá bị vỡ vụn ở nơi này”.

Xung đột bùng phát vì đâu?

Al-Aqsa nằm ở trung tâm Thành Cổ của Jerusalem, trên một ngọn đồi được người Do Thái gọi Núi Đền. Người Hồi giáo coi địa điểm này là nơi linh thiêng thứ ba trong đạo Hồi, sau Mecca và Medina. Còn người Do Thái xem đây là nơi linh thiêng nhất trong đạo Do Thái. Al-Aqsa là tên được đặt cho toàn bộ khu phức hợp và là nơi tọa lạc của hai thánh địa Hồi giáo: Mái vòm Đá và Nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa, còn được gọi là Nhà thờ Hồi giáo Qibli.

Israel đã chiếm Al-Aqsa trong cuộc chiến Trung Đông năm 1967 rồi sáp nhập nó với phần còn lại của Đông Jerusalem và các phần liền kề của Bờ Tây, một động thái không được quốc tế công nhận. Theo thỏa thuận giữa Israel và Palestine năm 1967, những người không theo đạo Hồi có thể đến thăm nhưng chỉ những người theo đạo Hồi mới được phép thờ cúng trong khuôn viên nhà thờ Hồi giáo. Nhưng vài năm gần đây, những người theo đạo Do Thái đã tới cầu nguyện bên trong khuôn viên Al-Aqsa, dẫn tới các cuộc biểu tình và phát bạo lực.

Những cuộc xung đột thường bùng phát vào dịp tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo và sẽ trở nên căng thẳng hơn khi nó trùng với Lễ Vượt qua của người Do Thái, như năm nay. Cứ sau mỗi lần Israel trấn áp người Palestine ở Al-Aqsa, phong trào Hồi giáo Hamas tại Dải Gaza và nhóm Hezbollah - các chiến binh Hồi giáo dòng Shia hoạt động ở miền nam Lebanon, lại nã rocket vào Israel. Đáp lại, Israel tổ chức các chiến dịch tấn công dữ dội vào Dải Gaza và miền nam Lebanon nhằm phá hủy các căn cứ của Hamas và Hezbollah.

Những vụ tấn công và đáp trả thường leo thang thành chiến sự ác liệt, trong đó có cuộc chiến đẫm máu kéo dài 11 ngày giữa Israel và Hamas làm hơn 200 người thiệt mạng vào tháng 5 năm ngoái.

Khánh Nguyễn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/cuoc-xung-dot-israel--palestine-qua-nhung-manh-kinh-vo-tai-nha-tho-al-aqsa-post243101.html