Cước tàu biển đe dọa tăng trưởng kinh tế 2024

Các doanh nghiệp trong nước đang đối diện nỗi lo về việc tăng chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào, do tác động kép của việc tỷ giá USD/VNĐ tăng cao và giá cước vận tải biển có dấu hiệu tiếp diễn xu hướng tăng trong hơn 1 năm qua.

Giá trị những con tàu hàng rời tăng hơn 40%

Nguyên nhân một phần đến từ việc giá bán tàu tăng. Giá trị của các con tàu hàng rời (chiếm 43% trong tổng tải trọng của đội tàu thương mại thế giới) vẫn tiếp tục xu hướng tăng từ đầu năm đến nay, tăng ở mọi độ tuổi và kích cỡ của tàu, đặc biệt là ở loại tàu kích thước Capesize (80.001 - 199.000 dwt) và Supramax (30.001 - 60.000 dwt). Giá loại tàu Capesize đã tăng từ mức 53,3 triệu USD kể từ tháng 5-2023 đến mức 76,2 triệu USD vào tháng 3 năm nay, tương ứng tăng 43,1%. Đó cũng là mức giá cao nhất kể từ năm 2010 đến nay.

Nguyên nhân là do giá của các nguyên vật liệu kết cấu, như sắt thép và vật liệu phủ bề mặt duy trì ở mức cao trong vài năm qua. Ngoài ra, số lượng tàu Capesize bán được cũng tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, với 42 tàu kể từ ngày 1-1-2024 đến nay so với số lượng 20 tàu trong cùng kỳ năm 2023.

Thị trường mua bán các con tàu hàng rời rất sôi động, với mức tăng khoảng 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu tính riêng trong tháng 2-2024, đã có 33 đợt bán tàu Capesize được thực hiện so với chỉ 9 đợt vào tháng 2-2023, tăng khoảng 267% so với cùng kỳ.

Đối với loại tàu Supramax, con số này tăng khoảng 20%. Trong đó, người mua đến từ Hy Lạp hoạt động tích cực nhất đối với loại tàu Capesize, chiếm khoảng 33% lượng mua, và họ cũng đứng đầu trên thị trường Supramax cùng với người mua Trung Quốc với tỷ lệ chiếm khoảng 28%.

Cung - cầu thiếu hụt, giá nhiên liệu tăng

Báo cáo mới phát hành trong tháng 3-2024 của hãng BIMCO, cho thấy nhu cầu đối với tàu container dự kiến tăng 9,5% trong năm nay do việc định tuyến lại các chuyến hành trình để tránh xung đột quân sự. Trong đó, tác động của việc này tập trung trong nửa đầu năm 2024. Về phía nguồn cung tàu container dự kiến tăng trưởng 9,1% trong năm nay.

Như vậy, hãng BIMCO đánh giá có sự thiếu hụt cung - cầu tàu container trong nửa đầu năm nay. Và yếu tố này giảm dần với cung - cầu trở nên cân bằng hơn trong nửa cuối năm, trước khi chuyển sang dư thừa trong năm 2025.

Chi phí nhiên liệu thường chiếm từ 30-43% trong chuyến hành trình của các con tàu biển. Vào năm 2023, giá nhiên liệu đã sụt giảm đáng kể do hoạt động công nghiệp suy yếu, bởi tác động ban đầu của xu hướng tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương. Tuy nhiên, hoạt động vận chuyển hàng hóa đường biển đang tăng lên, có khả năng dẫn tới tình trạng thiếu dầu diesel trong tương lai gần.

Hãng Reuters vào cuối tháng 3 quan sát thấy rằng dòng chảy thương mại quốc tế đang hồi phục, mặc dù lãi suất vẫn cao và điều này đang đẩy nhu cầu diesel cao hơn. Bởi lẽ sau một năm suy giảm sản xuất công nghiệp, lượng hàng tồn kho máy móc thiết bị đã giảm xuống, trong khi nhu cầu đầu tư vào máy móc mới tăng lên, do mỗi năm đều có một tỷ lệ máy móc thiết bị hết hạn sử dụng cần phải thay thế.

Bên cạnh đó, một yếu tố quan trọng làm tăng nhu cầu nhiên liệu chính là việc định tuyến lại lộ trình các tuyến hàng hải liên quan tới biển Đỏ và châu Phi, đã làm tăng thời gian của các chuyến hành trình trên biển. Trong khi đó, nguồn cung đang có những rủi ro nhất định. Tồn kho các loại nhiên liệu chưng cất tại Mỹ vẫn dưới mức trung bình 5 năm.

Tại châu Âu, công suất lọc dầu có giới hạn nên cần phải nhập khẩu. Và việc giá nhiên liệu nhập khẩu dự kiến sẽ tăng lên do hạn chế nhập khẩu các sản phẩm có nguồn gốc từ Nga.

Bài toán tăng trưởng và kiểm soát lạm phát

Theo báo cáo kinh tế xã hội quý I-2024 của Tổng cục Thống kê, mặc dù cán cân thương mại hàng hóa lũy kế 3 tháng đầu năm nay ước tính xuất siêu 8,08 tỷ USD, nhưng nếu không kể đến các doanh nghiệp FDI thì khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 4,49 tỷ USD.

Dự kiến cả năm 2024, khu vực kinh tế trong nước có thể nhập siêu trên dưới 20 tỷ USD (năm 2023 nhập siêu gần 22 tỷ USD). Do đó, đối với các doanh nghiệp có tính chất nhập khẩu nguyên liệu đầu vào để sản xuất, việc chỉ số cước vận tải biển toàn cầu BDI cuối tháng 3 đã tăng gần 60% so với mức trung bình của năm 2023, đang bắt đầu trở thành mối quan tâm cần theo dõi.

Các hãng tàu từ đầu năm đến nay đã tìm cách chuyển chi phí sang cho khách hàng, khi nâng giá dịch vụ. Trong khi đó, gần 90% khối lượng hàng hóa thương mại của Việt Nam được vận chuyển bằng đường biển.

Thêm nữa, tỷ giá USD/VND tính tới đầu tháng 4 cũng tăng 4,8% so với mức trung bình của năm 2023, càng làm tăng chi phí nhập khẩu hơn nữa, bởi giá cước vận tải biển tính bằng tiền USD. Từ đó, có thể dẫn tới tốc độ tăng trưởng GDP khó đạt được mục tiêu điều hành tương tự như năm 2023, cũng như mục tiêu kiểm soát lạm phát gặp thách thức đáng kể.

Các quốc gia đề xuất mức thuế 150 USD trên mỗi tấn CO2 mà tàu biển thải ra, trong cuộc họp diễn ra hồi tháng 3 của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) tại London. Mục đích của áp thuế carbon để hỗ trợ về giá của năng lượng sạch khi so sánh với giá của năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch.

Tính toán cho thấy, nếu thực thi loại thuế này có thể thu được hơn 80 tỷ USD mỗi năm, để đầu tư trở lại vào mở rộng năng lượng sạch cho ngành vận chuyển, hoặc hỗ trợ cho các quốc gia khác tham gia làn sóng chuyển đổi sang xu hướng xanh. Tác động của việc này có thể làm cho cước vận tải biển duy trì ở mức tương đối cao trong trung hạn.

Phạm Tuấn

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/cuoc-tau-bien-de-doa-tang-truong-kinh-te-2024-post113477.html