Cuộc sống thăng trầm của tỷ phú sở hữu thương hiệu trà xanh C2 (P2)

Ở tuổi 90, John Gokongwei Jr - tỷ phú giàu thứ 2 Philppines vẫn xem các chỉ số trên Bloomberg Terminal hàng ngày và tính toán xem tập đoàn JG Summit của ông tiếp theo nên làm gì.

Năm James 13 tuổi, Gokongwei khuyên em trai nên đến Mỹ học và ông sẽ lo mọi chi phí. James được nhận vào học tại Viện Công nghệ Massachusetts và lấy bằng kỹ thuật hóa học. Sau đó, ông trở lại Philippines làm việc cùng với anh trai trong một văn phòng chặt chội.

Họ cùng nhau mở rộng sang những lĩnh vực kinh doanh mới. Với kinh nghiệm và trực giác nhạy bén của mình, Gokongwei nhìn ra những cơ hội trong khi James là người phụ trách tình hình thu chi, công tác nghiên cứu phát triển và quản lý chất lượng. Đến tận bây giờ, James vẫn để mì ăn liền, bánh và các đồ ăn vặt trong phòng làm việc để kiểm tra xem liệu món nào có mùi "ôi thiu".

Khi doanh nghiệp phát triển cả về quy mô và kích cỡ, anh em nhà Gokongwei thấy cách làm của họ hỗ trợ lẫn nhau và đem lại nhiều lợi nhuận. JG Summit đạt giá trị 135 triệu USD vào năm 1993 khi niêm yết tại Sàn chứng khoán Philippines, và sau đó là 1,8 tỷ USD trong dịp kỷ niệm 50 năm thành lập vào năm 2007.

Tỷ phú Gokongwei, người sáng lập tập đoàn JG Summit - đơn vị sở hữu thương hiệu trà xanh C2

Nhưng thương mại tại Philippines hiếm khi không đi kèm với những phức tạp trong nước. Mặc dù tại văn phòng làm việc, Gokongwei treo khá nhiều ảnh chụp chung với cựu Tổng thống Beningno Aquino III và Imelda Marcos, nhà sáng lập JG Summit nói rằng ông tránh xa chính trị. Dẫu vậy, năm 1999, Tổng thống Joseph “Erap” Estrada đã kiện tờ báo Manila Times của gia đình ông, khi đó do Robina điều hành vì tội phỉ báng danh dự. Estrada cũng yêu cầu tờ báo này bồi thường 2,6 triệu USD vì đã gọi ông là "tay bố già vô tâm" sau khi vị Tổng thống thông qua thỏa thuận điện lực gây tranh cãi.

Trước cơn thịnh nộ của Estrada, gia đình Gokongwei cuối cùng đã phải lên tiếng xin lỗi và nhanh chóng bán lại Manila Times. Một thập kỷ sau, Lisa thành lập Summit Media nhưng công ty truyền thông này chỉ mua lại những tạp chí và trang web không liên quan đến chính trị.

Những nỗ lực của Gokongwei không phải lúc nào cũng đem lại cho ông những kết quả như mong đợi. Vào những năm 1970, Gokongwei đã thua trong vụ kiện mà ông cố tìm cách tham gia ban điều hành công ty thực phẩm của đối thủ San Miguel, dù trước đó ông đã mua đủ cổ phần để có được quyền này. Cuối cùng ông phải bán lại toàn bộ số cổ phần San Miguel có trong tay.

"Vết thương" mới nhất của gia đình Gokongwei xuất phát từ việc Tập đoàn cố gắng lấn sân sang lĩnh vực viễn thông đầy gai góc của Philippines. Digital Telecommunications Philippines (Digitel) của JG Summit là doanh nghiệp đầu tiên trong nước tung ra dịch vụ nhắn tin di động không giới hạn. Thế nhưng sau 7 năm kinh doanh thua lỗ, Digitel bị bán lại cho Philippine Long Distance Telephone (PLDT) - một trong hai hãng viễn thông lớn nhất quốc gia (JG Summit hiện sở hữu 8% cổ phần).

Lance, con trai duy nhất của tỷ phú Gokongwei

Một trong số những thành tích mà Gokongwei cảm thấy tự hào nhất là việc JG Summit tham gia vào lĩnh vực hàng không - mảng kinh doanh mà ông cho rằng có được thành công là nhờ cậu con trai duy nhất. Năm Lance 28 tuổi, Gokongwei mua 4 chiếc máy bay và yêu cầu anh điều hành hãng hàng không của gia đình. Tại thời điểm đó, Lance đã tốt nghiệp trường Đại học Pennsylvania, từng làm việc tại một ngân hàng tại Mỹ và đảm nhiệm một vài vị trí tại tập đoàn JG Summit..

Để thực hiện lời đề nghị của cha, Lance đọc một cuốn sách được viết bởi Herb Kelleher, cựu CEO của hãng hàng không Southwest Airlines. Anh cũng tuân theo lời dạy của Gokongwei bằng cách tuyển dụng người tài. Cebu Pacific ra đời từ đó.

Bên cạnh thuận lợi, Lance từng phải đối mặt với không ít khó khăn. Đặc biệt là vào năm 1998 khi chuyến bay 387 của Cebu Pacific rơi khiến 104 người thiệt mạng. Hiện nay, hãng hàng không này đang thống trị thị trường nội địa của Philippines.

Là con trai duy nhất trong gia đình, Lance được rèn luyện để tiếp quản việc kinh doanh của tập đoàn, dù Gokongwei từng phủ nhận việc ông mong con cái kế thừa sự nghiệp. Robina kể rằng cha thường gọi cô thức dậy sớm với "giọng nói sang sảng" khi cô làm việc tại nhà xưởng của Robinson để dán nhán quần áo trong suốt kỳ nghỉ hè. Trong tâm trí của Lance cũng luôn có những kỳ vọng nhất định.

Để chuẩn bị cho quá trình chuyển giao lãnh đạo, người con trai cả của Robina, đang học năm cuối ngành hóa học tại Đại học New York, có thể là thành viên đầu tiên của thế hệ thứ ba tham gia doanh nghiệp gia đình.

Gokongwei nói với con cháu rằng ông muốn tập đoàn tồn tại ít nhất 50 năm nữa. "Tôi không biết ngoài Ayala, có doanh nghiệp Philippines nào khác tồn tại được qua 3 thế hệ hay không. Có thể Aboitiz đang bắt đầu thế hệ thứ 3", ông nói. (Trên thực tế, công ty này đã chuyển sang thế hệ thứ 5).

Với bản thân mình, Gokongwei cho rằng đây là lúc ông nên tận hưởng cuộc sống và tập trung vào các hoạt động từ thiện. Tuy nhiên, thật khó để bỏ các thói quen cũ. Gokongwei vẫn check Bloomberg tại nhà mỗi ngày làm việc và tính toán xem JG Summit tiếp theo nên làm gì.

>> Cuộc sống thăng trầm của tỷ phú sở hữu thương hiệu trà xanh C2 (P1)

Nguồn NDH: http://ndh.vn/cuoc-song-thang-tram-cua-ty-phu-so-huu-thuong-hieu-tra-xanh-c2-p2-20161009013140475p5c128.news