Cuộc sống không biết tới ánh nắng mặt trời của nhân viên đoàn phim

Trước khi 52.706 nhân viên tại Hollywood ký vào đơn đòi đình công, họ phải làm việc trong hậu trường chịu nhiều bất công, có người làm việc hơn 14 tiếng mỗi ngày.

Ngày 7/10, Variety đưa tin Liên minh quốc tế về Nhân viên đoàn làm phim (IATSE) và lãnh đạo của nhiều hãng phim Hollywood đạt được thỏa thuận mới, dàn xếp thành công ý định đình công của thành viên thuộc IATSE.

Cuộc đàm phán diễn ra sau khi chiến dịch đình công do Matthew D. Loeb - chủ tịch của IAISE - phát động thu thập được 52.706 chữ ký. Họ ký đơn yêu cầu các tập đoàn lớn trả lương cao hơn cho nhân viên, đảm bảo họ có thời gian nghỉ ngơi, ăn uống hợp lý.

Theo Los Angeles Times, đây là chiến dịch đình công lớn nhất trong lịch sử Hollywood, quy mô hơn cả cuộc đình công trên trường quay Burbank của Warner Bros. vào năm 1945 - vụ biểu tình vốn được mệnh danh là “Ngày thứ sáu đẫm máu của Hollywood”.

Song, vụ đình công do IATSE không phải diễn ra ngày một ngày hai. Nó được lên kế hoạch hoàn chỉnh, kết quả của giọt nước tràn ly, theo Telegraph.

Thành viên Hiệp hội Biên kịch Mỹ biểu tình trước cổng Paramount Pictures năm 2007. Ảnh: AP.

Những bất công với nhân viên đoàn phim

Đầu tháng 8, Ben Gottlieb, 28 tuổi, kỹ thuật viên ánh sáng đăng lên trang cá nhân nói về việc anh cảm thấy nhẹ nhõm vì được lái xe về với gia đình sau nhiều ngày làm việc liên tục.

Dưới bài đăng, hàng loạt nhân viên trong hậu trường đồng cảm, chia sẻ chuyện làm việc đến 16 tiếng/ngày, có người phải dùng chất kích thích để làm việc, người lại chia sẻ chuyện làm việc 76 ngày liên tục không nghỉ ngơi, ngủ gật trên tay lái.

Đỉnh điểm, có người so sánh nhân viên hậu trường cực khổ hơn động vật ở sở thú. “Chúng có thời gian nghỉ ngơi, được nhân viên giám sát sức khỏe, còn chúng tôi thì sao?”, Telegraph dẫn nguồn.

Theo BFI, số liệu các bộ phim và chương trình truyền hình đang ở mức cao kỷ lục. Số tiền đầu tư vượt mức so với cùng kỳ năm 2019. Chỉ tính riêng những tác phẩm lớn, hàng loạt cái tên đang được sản xuất gồm phần thứ năm của Indiana Jones, The Batman, Mission: Impossible 7, Doctor Strange 2, Aquaman 2, Fantastic Beasts 3…

Chưa kể, nhiều chương trình truyền hình chuẩn bị ra mắt là phần tiền truyện của Lord of the Rings, Game of Thrones, phần hai của Bridgerton… đang ráo riết thực hiện.

Nhân viên đoàn phim làm việc trên phim trường Indiana Jones 5. Ảnh: Getty.

Áp lực sản xuất nhiều bộ phim tăng cao đè nặng lên nhân viên trong hậu trường. Họ phải tăng ca để kịp tiến độ. Telegraph cho rằng họ đang sống trong thời kỳ “không biết đến ánh nắng mặt trời, thức ăn ngon” tại Hollywood theo đúng nghĩa đen.

Tài khoản @BritCrewStories thu hút 1.200 người theo dõi sau 24 giờ thành lập (hiện tại gần 7.000 người). Một người tiết lộ anh phải tăng thời gian làm việc từ 12 lên 20 tiếng/ngày. Thành viên trong ê-kíp nhiều lần ngủ gật, đổi lại họ bị bắt nạt, tan ca lúc 5h sáng, thời gian làm việc kéo dài sang ngày nghỉ.

“Người trẻ tuổi sẽ làm bất cứ điều gì để cống hiến. Các nhà sản xuất nắm được điều này và lợi dụng họ suốt nhiều năm”, một người giấu tên cho biết.

Người phát ngôn của BECTU - Liên đoàn Phát thanh, Giải trí, Truyền thông và Sân khấu Anh - nói: “Chúng tôi chứng kiến nhiều người mệt mỏi, kiệt sức và gặp vấn đề về thần kinh. Để phát triển, chúng ta phải giải quyết tình trạng kiệt quệ trước khi họ rời bỏ ngành”.

Sau nhiều tháng ngừng hoạt động, các nhà sản xuất đang ồ ạt trở lại. Nhiều tháng đóng cửa là khoảng thời gian đáng sợ. Nhiều người mất việc, rời khỏi ngành, giờ đây lại gặp tình trạng bị bào mòn sức lao động. Theo ý kiến của BECTU, để bảo vệ tương lai của ngành điện ảnh, các nhà sản xuất phải đưa ra thỏa thuận mới cho lao động tự do.

“Chúng tôi đang thiếu 30.000 nhân viên trong ngành. Tỷ lệ thiếu nhân viên ngày càng tăng sau dịch”, John McVay, giám đốc điều hành của Pact, nói.

“Tôi có người bạn là thợ điện có 5 năm kinh nghiệm. Trong thời gian giãn cách xã hội, anh ấy làm việc trên công trường xây dựng và kiếm được 60 USD/giờ, nghỉ làm sau 6 giờ tối. Nhưng trên trường quay, tôi chỉ nhận được 40 USD/giờ, làm việc suốt 12 giờ, đôi khi tăng ca lên đến 14 giờ nhưng không được trả thêm”, một kỹ thuật viên ánh sáng nói.

Theo lời kỹ thuật viên, có nhiều người phải lái xe về nhà trong tình trạng mệt mỏi, thiếu ngủ trầm trọng. Việc dành thời gian cho gia đình là điều xa xỉ.

Giọt nước tràn ly

Sự khó khăn trong đại dịch chỉ góp phần thúc đẩy việc đình công đến nhanh hơn. Trước khi đại dịch ập đến, nhiều nhân viên trong hậu trường chịu sự đối xử bất bình đẳng. Trong khi nhà sản xuất chi số tiền lớn cho sao hạng A, có người lên đến vài chục triệu USD thì những nhân viên trong hậu trường phải làm việc cật lực nhưng không được đền đáp xứng đáng.

Theo Vanity Fair, vụ ký đơn đình công của hơn 52.000 thành viên IATSE làm nhớ đến câu chuyện đau lòng xảy ra từ năm 1997. Trên đường về nhà lúc 2h sáng, Brent Hershman - nhân viên đoàn làm phim Pleasantville - gặp tai nạn dẫn đến tử vong. Vụ việc được phát hiện sau khi anh bị gọi đến phim trường lúc 6h30 phút nhưng không thể liên lạc, Los Angeles Time đưa tin.

Cái chết của ông bố 35 tuổi thúc đẩy người làm việc đòi quyền lợi không làm quá 14 tiếng/ngày. Tuy nhiên, nỗ lực này không mấy khả quan. Năm 2014, Gary Joe Tuck, nhân viên đoàn phim Longmire, trở về nhà sau 18 tiếng làm việc liên tục. Anh ngủ gật trên tay lái, gặp tai nạn và chết trên đường cao tốc New Mexico, theo Deadline.

Năm 2018, IATSE phẫn nộ và yêu cầu cuộc đàm phán với Liên minh các nhà sản xuất điện ảnh và truyền hình Mỹ (AMPTP). Cuối cùng, họ được nhượng bộ và được cung cấp nhà ở, phương tiện đi lại sau những ngày làm việc dài. Việc giới hạn giờ làm, ngày công khó được thông qua vì có nhiều người bất chấp tăng ca.

Nhân viên quay phim làm việc trên trường quay The Batman. Ảnh: Getty.

Trước vụ đòi đình công quy mô lớn nhất lịch sử Hollywood, IATSE nhận hơn 50 đơn cầu cứu từ các thành viên chỉ trong 7 tháng đầu năm 2021. Thời lượng làm việc 14 tiếng/ngày chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, theo Deadline. Trên thực tế, có người làm việc nhiều hơn thời gian cho phép.

Do đặc thù của ngành phim ảnh, việc ghi hình khá tốn kém nên nhiều nhà sản xuất thường tận dụng tối đa số giờ trong ngày để giảm chi phí. Người gặp khó khăn không ai khác là nhân viên hậu trường. Đôi khi, họ làm liên tục từ 16 tiếng, thậm chí 19 tiếng/ngày.

Thêm vào đó, việc dịch vụ phát trực tuyến phát triển đã thiết lập quy chuẩn mới cho giới làm phim. Thay vì sản xuất theo mùa, các đoàn làm phim phải quay liên tục trong năm. “Nhiều diễn viên thích thú với điều đó, nhưng với người làm công ăn lương, đây chẳng khác gì cuộc chạy đua marathon”, một nhân viên hậu trường nói với Vanity Fair.

Trên @ia_stories, tài khoản chuyên chia sẻ những câu chuyện của người làm việc trong hậu trường, một bài đăng chỉ ra rằng cái chết của Hershman từ 24 năm trước là lời cảnh tỉnh. Họ luôn cố gắng nghỉ ngơi đầy đủ, tránh làm việc quá sức.

Một người chia sẻ câu chuyện phải làm việc 17 tiếng/ngày, hầu như không ngủ. Trên đường về, họ bị cảnh sát chặn đường và khẳng định lái xe trong tình trạng say rượu.

Tài khoản cũng chia sẻ những mẹo giúp tỉnh táo của nhân viên hậu trường. Có người mắc tóc vào ghế sau, cửa sổ để tránh ngủ gật, số khác bỏ nha đam vào bao tay để có cảm giác ngứa, khó chịu, có người lại mang theo đồ ăn vặt, thậm chí nhai nút chai nhựa để tỉnh táo.

Ngày 7/10, IATSE và AMPTP quay lại bàn đàm phán. Họ hướng đến thỏa thuận chung kéo dài ba năm, bao gồm cả những điều khoản về chế độ lương hưu cho thành viên của liên minh và chính sách chăm sóc sức khỏe.

Nếu đạt được thỏa thuận mới, đây thực chất là sự thỏa hiệp tạm bợ. Sự bất công, chênh lệch tiền công, lương giữa diễn viên và nhân viên hậu trường là quá lớn. Tình trạng này phải giải quyết triệt để đảm bảo tương lai ngành công nghiệp điện ảnh tại kinh đô Hollywood.

Trạch Dương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cuoc-song-khong-biet-toi-anh-nang-mat-troi-cua-nhan-vien-doan-phim-post1269487.html