Cuộc sống đời thường ít người biết của Cố Thủ tướng Phan Văn Khải

Ngoài giờ làm việc và khi về hưu, Cố Thủ tướng Phan Văn Khải đã để lại nhiều kỷ niệm đẹp với các đồng chí công tác cùng thời và nhân dân.

Ông Trần Quốc Toản, Thư ký Thủ tướng Phan Văn Khải, Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ bên phải.

Ông Trần Quốc Toản, Thư ký Thủ tướng Phan Văn Khải, Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chia sẻ trên cổng thông tin Chính phủ: “Riêng chúng tôi, một số anh em (thư ký, bảo vệ, bác sĩ, giúp việc, phục vụ…) trực tiếp giúp việc cho Anh còn hân hạnh nhận được tấm lòng ấm áp - chân tình của Anh và chị Sáu (phu nhân của Anh).

Trong những năm tháng Anh công tác trong Chính phủ, ngôi nhà công vụ Anh - Chị ở số 11 phố Chùa Một Cột trở thành nơi gặp gỡ thường xuyên của Anh - Chị với chúng tôi. Hằng ngày, sau giờ làm việc, khi có thời gian, anh em chúng tôi thường đến chơi cầu lông cùng Anh - Chị tại đây rất vui vẻ và sôi nổi, nhiều lúc cũng đầy “máu ăn thua”.

Anh - Chị và chúng tôi đã thành lập Đội cầu lông 11 Chùa Một Cột và đã đi giao lưu thi đấu một số nơi. Hầu như tháng nào, khi có thời gian rảnh, Anh - Chị cũng có bữa cơm “rau dưa” đãi anh em chúng tôi rất thân mật và thân tình; trong không khí này, ranh giới giữa Thủ tướng và những người giúp việc bị nhòa đi, chỉ còn lại tình anh - chị - em, cũng nói nhiều chuyện vui, chuyện tiếu lâm, chuyện hài hước…

Chúng tôi thường nói rằng, không biết có ở đâu mà anh em giúp việc, phục vụ lại được hưởng không khí mang đậm nét gia đình như vậy với gia đình Thủ tướng. Những ngày Lễ, Tết, Anh và Chị trực tiếp chuẩn bị cho mỗi người chúng tôi một túi quà, trong đó những thứ mà tôi biết chắc chắn là Chị Sáu mua từ miền Nam mang ra, mà chị hay nói là quà quê hương. Chúng tôi mãi mãi trân trọng và biết ơn tình cảm mà Anh - Chị dành cho chúng tôi”…

Ông Lê Thanh Hải, Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Nguyên Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh.

Khi ông Sáu Khải về hưu, ông Lê Thanh Hải, Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Nguyên Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh cũng đã tiết lộ nhiều việc làm đáng quý của người đồng chí mến thương.

Ông Hải cho biết: “Trong quãng thời gian nghỉ hưu, Anh Sáu cũng không hề nghỉ ngơi mà tập trung chăm lo những việc mang ý nghĩa giáo dục truyền thống, đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn. Trong đó, với tâm huyết của mình, Anh Sáu đã chủ trì đề xuất ý tưởng và cùng tham gia vào công trình xây dựng Khu Truyền thống cách mạng Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Ðịnh từ khi có Ðảng đến ngày thống nhất đất nước, non sông thu về một mối.

Tuy tuổi đã cao, song Anh Sáu vẫn tận sức chăm lo, quan tâm từng chút một, từ thiết kế chung đến từng loại ngói, cụ thể từng tấm bia bằng chất liệu gì được dùng trong công trình; nội dung ghi danh, mỗi chữ, mỗi dấu gạch ngang trên tấm bia đều được sự xem xét, góp ý rất cẩn trọng, tâm huyết của Anh Sáu.

Ðến cả việc tạo cảnh quan, trồng cây chung quanh khu truyền thống, Anh Sáu cũng quan tâm, góp ý lựa chọn từng loại cây, bảo đảm sự tiêu biểu cho các vùng miền của đất nước...

Không những vậy, Anh Sáu còn tham gia công tác chỉ đạo việc bảo tồn các căn cứ kháng chiến của Xứ ủy Nam Bộ và Trung ương Cục miền Nam trên chiến trường Nam Bộ trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc. Song song đó, là việc tổ chức biên soạn các sách hồi ký kháng chiến, cũng như các phim tư liệu về những năm tháng hào hùng đã qua.

Gần đây nhất, được sự đồng ý của Ban Bí thư, Anh Sáu đã nhận trách nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Cố vấn của Sách Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình Việt Nam, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam. Ðây là một công trình lớn, do Ban Bí thư giao cho Thành ủy TP. Hồ Chí Minh chủ trì thực hiện; thật đáng tiếc Anh Sáu đã không kịp nhìn thấy tâm huyết của mình được hoàn thành”…

Minh Anh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/cuoc-song-doi-thuong-it-nguoi-biet-cua-co-thu-tuong-phan-van-khai-20180319180627372.htm