Cuộc sống bình yên trong làng bánh tráng 200 tuổi ở Cần Thơ

Mỗi ngày, người dân làng bánh tráng 200 tuổi ở Cần Thơ bắt đầu làm việc từ lúc gà chưa gáy đến chiều tắt nắng.

200 năm thăng trầm

Hơn 3h sáng, bà Hà Thị Sáu (68 tuổi) ở phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ cùng con gái thức giấc, chuẩn bị một ngày làm bánh tráng tại xưởng.

Những chiếc máy xay bột gạo bắt đầu lên guồng, gần hết mẻ bột, vài nhân công cũng là hàng xóm của bà Sáu có mặt tại xưởng. Mọi người bắt tay vào công đoạn lọc bột, pha chế, thổi lửa để bắt đầu tráng bánh.

Những vỉ bánh tráng được người dân đưa đi đón nắng ban mai.

Đó cũng là công việc của hàng chục hộ dân trong làng bánh tráng Thuận Hưng với tuổi đời hơn 200 năm tuổi ở phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ.

Tuy không phải là món chính nhưng bánh tráng là một món ăn chơi bắt miệng, đôi lúc ăn kèm trong một số món ăn.

Người dân ở phường Thuận Hưng không rõ ai đã mang nghề làm bánh tráng về xứ này. Họ chỉ biết hơn 200 năm qua, nghề tráng bánh tráng đã được truyền qua nhiều thế hệ, giúp làng nghề gìn giữ những giá trị văn hóa.

Bà Hà Thị Sáu có hơn 30 năm tráng bánh, nay truyền lại cho con cháu đời sau.

UBND phường Thuận Hưng cho biết, làng nghề bánh tráng hiện còn 58 hộ sản xuất, giải quyết việc làm cho khoảng 250 lao động thường xuyên, có thu nhập ổn định. Làng bánh tráng Thuận Hưng còn là nơi hút nhiều khách du lịch thích khám phá, tìm hiểu những làng nghề truyền thống giàu văn hóa ở miền Tây.

Chăm chút từng chiếc bánh tráng

Bà Hà Thị Sáu (68 tuổi) đã có hơn 30 năm làm nghề tráng bánh. Cơ sở của bà không lớn, có khoảng 10 nhân công nhưng mỗi ngày xuất ra thị trường khoảng 7.000 chiếc bánh tráng.

Một chiếc bánh vừa được tráng xong, chuẩn bị đem đi phơi nắng.

Để có một cái bánh tráng ngon, đạt yêu cầu, người dân xứ này thận trọng từ khâu chọn nguyên liệu. Gạo được chọn làm bánh phải là gạo không quá mới cũng không quá cũ. Sau khi được ngâm qua đêm, gạo được xay thành bột. Lúc này phần nước chua sẽ được lọc bỏ rồi pha bột theo đúng tỉ lệ, thêm một chút muối để điều vị.

Bánh sau khi tráng xong sẽ được đặt lên vỉ làm bằng tre để đưa ra sân, đón những tia nắng đầu tiên trong ngày. Nếu nắng tốt, mỗi chiếc bánh chỉ cần vài tiếng đồng hồ là đủ khô để xuất xưởng. Kết thúc một ngày nắng giòn dã, một cơ sở có thể cho ra lò hàng ngàn chiếc bánh.

Nghề làm bánh tráng được người dân Thuận Hưng gìn giữ bao đời.

Ngày xưa, bánh tráng ở đây thường được biết tới là bánh tráng lạt - loại bánh dùng để gói một số món ăn. Nhưng hiện nay bánh tráng đã phong phú hơn nhiều với các loại như bánh tráng dừa 35.000 đồng/chục, bánh tráng ngọt 30.000 đồng/chục, bánh tráng đặc biệt 55.000 đồng/chục..

Hiện nay, ngoài tráng bánh bằng tay, nhiều cơ sở đã đầu tư máy móc để tráng bằng máy. Bánh tráng bằng máy có độ dày vừa phải, bóng và bánh tròn đều đẹp, năng suất cũng tăng 3 - 4 lần.

Làng bánh tráng Thuận Hưng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia hồi đầu năm 2023.

Hồi tháng 3/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa làng nghề bánh tráng Thuận Hưng vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là một động lực rất lớn để người dân ở làng bánh tráng Thuận Hưng thêm hiểu rõ vai trò ngoài phát triển kinh tế, làng nghề còn là nơi để gìn giữ, bảo tồn văn hóa mà cha ông để lại.

Phòng Kinh tế quận Thốt Nốt cho biết, năm 2022, sản lượng bánh tráng ở Thuận Hưng đạt 120 triệu bánh, doanh thu trong năm khoảng 68 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với năm trước. Bánh tráng ở Thuận Hưng ngoài phục vụ nhu cầu trong nước còn để xuất khẩu sang Campuchia.

Nguyên Việt

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/cuoc-song-binh-yen-trong-lang-banh-trang-200-tuoi-o-can-tho-192230904210457306.htm