Cuộc hội ngộ bất ngờ

Cuối tháng 3, còn vương chút tiết xuân, gió từ lòng sông xào xạc mát lành, tối trời đen kịt, Mãnh trằn trọc khó ngủ dạo từ Yên Phong trở về.

Không khí lạnh dường như khiến con người ta suy nghĩ nhiều hơn. Ảnh: Pinterest.

Mãnh đắn đo mãi, nên hay không tìm về cái ngã ba cuối ven sông. Mớ ký ức tưởng rêu phong phủ mờ theo năm tháng bỗng chốc trỗi dậy, khiến lòng Mãnh bời bời mỗi lần về ngang ngõ tím. Hương hoa bay thoảng dìu dặt như mùi tóc ai xưa cũ vừa ghé ngang cánh mũi. Đêm cứ mãi thao thức theo từng nhịp thở.

Mãnh bắt đầu để tâm hơn đến thằng Xoan, thằng nhỏ cao to, da sạm màu nắng sông, lanh lợi hơn đám trẻ trong làng, được cái tính ham học hỏi, chẳng câu nệ chuyện khó chuyện khổ, nên dần dà, Mãnh lại càng thương nó.

Mãnh dạy nó nhiều về những kỹ thuật nung đất, canh độ lửa. Mãnh cầm tay chỉ nó cách tạo hình, tỉ tê vài ngón nghề để dễ định hình gốm trên bàn xoay. Muốn đồ gốm bền, chắc, lại đẹp thì phải dồn cả tâm sức vào từng công đoạn nha con. Không được chểnh mảng hay lơ là. Mỗi một công đoạn đều có độ quan trọng như nhau, chớ có xem thường.

Từ lúc thấu đất phải biết canh lượng nước sao cho vừa đủ no đất, mai thái phải mỏng đều tay. Mỗi một loại gốm sành có một nhiệt độ nung khác nhau. Mà con nhớ kỹ này, làng mình nào giờ nung bằng than cám, chẳng phải vì nó rẻ đâu, mà vì than cám độ lửa đằm, ngấm sâu khiến gốm bền chặt, không dễ tức vỡ.

Nhiều cái sau này, nghề dạy nghề, con sẽ rút ra những kỹ thuật làm tinh tế khiến gốm của làng mình lúc nào cũng nhỉnh hơn các làng nghề gốm khác, cái này là do bản năng lĩnh hội, và đam mê của con dành cho gốm.

Thằng Xoan gật đầu lia lịa, đoạn nào dài dòng chi tiết quá, nó ghi vội vào cuốn sổ riêng.

Xưởng gốm theo đà cơ bản hình thành. Mãnh và các bậc cao niên trong làng cũng đã dốc lòng truyền lại nghề gốm cho đám thợ trẻ. Có thể thở phào nhẹ nhõm. Giờ Mãnh còn xây dựng cái quy trình xuyên suốt từ nguồn cung ứng đầu vào nguyên liệu, thời gian hoàn thành sản phẩm, các yêu cầu kỹ thuật, cho đến đầu ra sản phẩm, thế là bàn giao lại cho Trưởng làng thôi, rồi Mãnh về lại Hà Nội.

– Hay là bác Mãnh ở lại đây coi luôn cái xưởng gốm của làng đi. Còn gì bằng một người con của Thổ Hà phục dựng lại tiếng tăm cho nghề gốm của cha ông để lại.

Ông Trưởng làng rót chén trà mời Mãnh, kèm theo lời đề nghị trầm mặc.

– Bác Mãnh biết không, dân trong làng trọng bác lắm, lâu rồi mới có một người của làng vang danh trong giới làm gốm, không lẽ mình là con đất Việt Yên lại cứ bôn ba tận nơi xa mà truyền nghề mãi?

– Bác Mãnh về đây, giữa non nước hữu tình mà thưởng ngoạn cuộc đời! Đất quê mình trù phú thiện lương, người quê mình giàu tiếng nghĩa nhân. Ở đâu cũng có thể là nhà, nhưng chỉ có Thổ Hà là quê của bác Mãnh thôi bác ạ.

Còn nhiều nữa tiếng lào xào của mấy bậc cao niên hội tụ nơi đình làng nghe báo cáo công việc. Mãnh lặng yên nhìn mông lung ra cổng tam quan, cờ phướn phấp phới trong gió, còn đôi ngày nữa là hội làng, cũng là ngày cúng mở xưởng, chính thức phục dựng lại làng nghề gốm Thổ Hà.

Cuộc trùng phùng không ngờ tới

Lòng Mãnh quay quắt nhớ những ngày hội làng ấu thơ. Ảnh: Pinterest.

Ngày ấy, đèn đuốc sáng choang, câu ca quan họ níu chân người ở đừng về. Các kỳ thủ dọc sông Cầu men theo lễ hội mà về tề tựu.

Những trận cờ nảy lửa kéo dài hàng tiếng vẫn luôn hút biết bao nhiêu người rì rầm tán thưởng. Bọn trẻ vui như là ngày Tết được kéo dài thêm. Bánh chưng, bánh dày, bánh cúng đầy mâm.

Hoa trái quê hương dâng đầy quả. Các thanh đồng về chầu giá Cô Bảy, Thành Hoàng, Cô Đôi uy nghiêm lần lượt. Lộc rải từng người. Làng trẩy hội tận ba ngày. Ai nấy đều tươi cười niềm nở quây quần quanh đình làng mà thắt chặt thêm tình nhân nghĩa.

Mãnh thả trôi lòng mình mải miết theo từng bước chân về những con ngõ quê rợp trời tím biếc. Những con ngõ quê hun hút đan nhau dẫn người ta ghé nhà này chào hỏi đôi câu, sang nhà nọ cùng chung chén trà. Những con ngõ quê nối liền một mảnh đất, ấp trọn tình làng nghĩa xóm.

Dẫu ngoài kia phố thị xa hoa, bon chen đãi bôi từng lời từng việc. Nhưng phía sau cái cổng tam quan, trong làng này, người sống với người bằng chữ yêu thương.

Cuối ngõ quê, ngay cái ngã ba rồi, Mãnh lại lừng khừng, nửa muốn bước tới, nửa lại muốn quay đi. Tim Mãnh đập những nhịp liên hồi thình thịch nơi lồng ngực. Biết là người ta có còn như ngày ấy!?

Hôm xưa, cây xoan còn xanh, người ta còn ở đó, chuyện tình vẫn là muôn thưở. Hôm nay, cây xoan đã tím, mình đi tìm người ta, chuyện chẳng còn là yêu thương của thời non trẻ.

Dợm vài chân bước, Mãnh gặp ngay người ta ngồi cạnh bờ rào. Ánh mắt giao nhau, khắc giây lặng im tưởng chừng như là mãi mãi. Người ta khóc rồi kìa. Mãnh như thằng con trai mười chín đôi mươi, tần ngần có lỗi.

– Tôi... ơ... Luyến khóc gì, Mãnh về rồi mà...

Một chiều tàn xuân, cuối tháng 3, đám xoan muộn mằn bung cánh tím rực rỡ như vẫn đương thì con gái. Thềm nhà có hai người ngồi thủ thỉ chuyện xa xót mà đằng đẵng những nhớ thương đợi mong.

Hội làng năm ấy da diết câu hát người về thì người đừng đi.

Hơn hai chục năm, Luyến mới vấn tóc cao, mặc áo the, bước qua thềm xoan tím biếc mà trẩy hội làng.

Tống Phước Bảo / Qua thềm xoan muộn - Qua những miền yêu / NXB Tổng hợp TP.HCM

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cuoc-hoi-ngo-bat-ngo-post1381587.html