Cuộc đời lạ lùng, đầy bi kịch của Nữ hoàng đế duy nhất ở Việt Nam

Là nữ hoàng đầu tiên và duy nhất trong suốt chiều dài lịch sử phong kiến Việt Nam, Lý Chiêu Hoàng có số phận đặc biệt nhất khi giữ tới 7 danh vị khác nhau.

Lý Chiêu Hoàng còn gọi là Chiêu Thánh hoàng hậu, vị Hoàng đế thứ 9 và cuối cùng của triều đại nhà Lý. Bà là con gái thứ của vua Lý Huệ Tông và hoàng hậu Trần Thị Dung.

Trong lịch sử Việt Nam, bà là vị Nữ hoàng đầu tiên và duy nhất. Ngay từ khi còn nhỏ, Lý Chiêu Hoàng đã bị cuốn vào cuộc tranh đấu vương quyền giữa hai triều Lý - Trần, cuộc đời về sau cũng lắm truân chuyên.

Nhường ngôi cho chồng khi 7 tuổi

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Lý Chiêu Hoàng lên ngôi Hoàng Đế vào tháng 10 năm 1224, khi mới lên 6 và có niên hiệu là Thiên Chương Hữu Đạo. Lên ngôi khi vẫn còn nhỏ nên mọi công việc triều chính lúc này vẫn do Thái hậu Trần Thị Dung cai quản. Lúc này, Điện tiền chỉ huy sứ Trần Thủ Độ (anh họ của Thái hậu Trần Thị Dung) - người nắm quyền lực lớn nhất trong triều đình thời bấy giờ đã sắp xếp một người cháu họ là Trần Cảnh đưa vào cung làm Chánh thủ. Lúc này Trần Cảnh cũng chỉ có 8 tuổi.

Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng: "Một hôm, Cảnh lúc ấy 8 tuổi phải giữ việc bưng nước rửa, nhân thế vào hầu bên trong. Chiêu Hoàng thấy thế làm ưa, mỗi khi chơi đêm cho gọi Cảnh đến cùng chơi, thấy Cảnh ở chỗ tối thì thân đến trêu chọc, hoặc nắm lấy tóc, hoặc đứng trên bóng.

Có một hôm, Cảnh bưng nước hầu, Chiêu Hoàng rửa mặt lấy tay vốc nước té ướt cả mặt Cảnh rồi cười trêu, đến khi Cảnh bưng khăn trầu thì lấy khăn ném cho Cảnh..".

Thấy Lý Chiêu Hoàng có thiện cảm với Trần Cảnh, Trần Thủ Độ liền đứng ra thu xếp để cả hai nên duyên vợ chồng. Đến tháng 11 năm Ất Dậu (1225), Lý Chiêu Hoàng xuống chiếu nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh. Kể từ đây, ngôi báu của họ Lý chính thức được nhường lại cho họ Trần.

Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh (tranh vẽ minh họa).

Sau khi nhường ngôi, Lý Chiêu Hoàng được phong làm Hoàng hậu, trở thành vị Hoàng hậu trẻ tuổi nhất trong lịch sử khi mới 7 tuổi. Bà chung sống với Thái Tông hoàng đế hơn 10 năm, tình cảm khá sâu sắc, được Thái Tông rất yêu thương và kính trọng.

Bị chồng gả cho người khác ở tuổi 40

Ai cũng nghĩ Lý Chiêu Hoàng sẽ có một cuộc đời bình yên nhưng số phận trớ trêu đã khiến bà gặp phải nhiều biến cố.

Năm 1233, Lý hoàng hậu hạ sinh ra Thái tử Trần Trịnh, nhưng Thái tử qua đời ngay sau khi sinh không lâu. Điều này để lại một nỗi đau lớn trong lòng khiến bà ốm đau liên miên. Vì vậy mà những năm tiếp theo bà vẫn không thể sinh con.

Sinh nở không thành, bà đau ốm liên miên. Sợ Trần Thái Tông không có con trai nối ngôi, Trần Thủ Độ lại ép nhà vua lập hoàng hậu mới. Lúc này Lý Chiêu Hoàng bị giáng xuống làm Chiêu Thánh công chúa. Trước liên tục những biến cố của cuộc đời, quá đau buồn và chán nản, bà xuống tóc đi tu.

Chân dung Lý Chiêu Hoàng do tác giả Bình Chi vẽ.

Tưởng rằng khi xuất gia cuộc đời sẽ bình yên nhưng duyên nghiệp của vị nữ hoàng duy nhất vẫn chưa kết thúc. Năm 1259, sau cuộc chiến với quân đội Mông Cổ, Trần Thái Tông gả Chiêu Thánh công chúa cho Lê Phụ Trần, một thuộc tướng dòng dõi của Minh Càn Quảng Hiếu hoàng đế nhà Tiền Lê.

Lê Phụ Trần là người lập nhiều chiến công trong kháng chiến, có công cứu giá vua Trần Thái Tông. Lúc này, Lý Chiêu Hoàng đã ở tuổi 40. Sống với Lê Phụ Trần được 20 năm, bà sinh được 2 người con. Con trai là Thượng vị hầu Lê Tông, con gái là Ứng Thụy công chúa Lê Ngọc Khuê.

Trong cuộc đời mình, Lý Chiêu Hoàng đã trải qua 7 danh vị. Từ công chúa, hoàng thái tử, nữ hoàng nhà Lý đến hoàng hậu, công chúa, ni cô, và cuối cùng là phu nhân dưới thời Trần (ảnh minh họa).

Năm 1278, Lý Chiêu Hoàng qua đời ở tuổi 60 trong một lần về thăm quê ở Cổ Pháp (Từ Sơn, Bắc Ninh). Tương truyền kể rằng bà về thăm quê Cổ Pháp (Bắc Ninh) thì qua đời tại đó.

Khi từ giã cõi trần gian, tóc bà vẫn đen nhánh, môi vẫn đỏ như son, má vẫn tươi như hoa đào. Bà được an táng ở bìa rừng Báng, phía tây Thọ Lăng Thiên Đức. Về sau, bà được thờ ở đền Rồng ngay tại quê nhà.

Từ khi sinh ra cho đến khi từ biệt cõi đời, với bao biến cố đã khiến Lý Chiêu Hoàng trở thành một người có số phận lạ lùng nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam với 7 lần ở những danh vị khác nhau: Công chúa triều Lý, Hoàng Thái tử nhà Lý, Nữ Hoàng đế nhà Lý, Hoàng hậu nhà Trần, Công chúa nhà Trần, Sư cô (thời Trần) và Phu nhân tướng quân nhà Trần.

Nguồn cảm hứng cho những tác phẩm nghệ thuật

Cuộc đời Lý Chiêu Hoàng trải qua vô vàn biến cố, thăng trầm, số phận của bà cũng được xem là lạ lùng nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Cuộc đời của nữ hoàng đế này là một bi kịch và cũng vô cùng phức tạp, cũng là nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm nghệ thuật đại chúng.

Năm 2021, dự án phim mang tên Lý Chiêu Hoàng, dựa trên cuộc đời và số phận của vị nữ hoàng đế duy nhất trong lịch sử Việt Nam được công bố từng khiến khán giả chú ý.

Theo hé lộ từ NSX, bộ phim sẽ lấy bối cảnh sau khi vị nữ đế bị ép nhường ngôi cho chồng, lui về làm Hoàng hậu. Lúc này, bà một lần nữa phải đối mặt với âm mưu phế vị khi không còn giá trị lợi dụng. 3 ngày cuối cùng trước khi bị phế truất, Lý Chiêu Hoàng sẽ đấu tranh để đảo nghịch tình thế, giành lại hoàng quyền.

Dự án "Lý Chiêu Hoàng" đã công bố ý tưởng tạo hình của các nhân vật, tuy nhiên vẫn đang trong thời kỳ kêu gọi nhà đầu tư.

Poster giới thiệu tạo hình nhân vật với trang phục khá khác biệt so với lịch sử, tuy nhiên lại có hiệu ứng hình ảnh khá đẹp mắt. Dàn nhân vật chính hầu hết là các diễn viên mới trẻ đẹp như Nguyễn Hoàng Kiều Trinh, Nguyễn Phúc Quý Quang, Nông Hồng Sơn, Nguyễn Thị Diệu Vân,... nhưng khả năng diễn xuất ra sao vẫn còn là một ẩn số.

Đặc biệt, tác phẩm lại được thực hiện bởi biên kịch người Hàn Quốc - Paek Seong Og. Điều này càng khiến cho khán giả quan tâm. Tuy nhiên đến nay, bộ phim vẫn đang trong giai đoạn tiền kỳ, chưa rõ ngày khởi quay và ra mắt.

Năm 2020, khán giả đặc biệt ấn tượng với phim hoạt hình Cánh hoa trôi giữa hoàng triều, chuyển thể từ bộ truyện nổi tiếng cùng tên. Cốt truyện lấy cảm hứng từ câu cuộc đời nữ đế đầu tiên của Đại Việt, cũng là vị vua cuối cùng của nhà Lý và là Hoàng hậu đầu tiên của nhà Trần – Lý Chiêu Hoàng.

Tạm gác lại những câu chuyện chính trị, bộ phim hoạt hình chủ yếu khai thác một góc khác mà ít ai biết về tuổi thơ của Lý Chiêu Hoàng. Sau khi phát sóng, Cánh hoa trôi giữa hoàng triều đã nhận được sự ủng hộ lớn của khán giả trong nước. Nhiều người hâm mộ đã dành những lời khen về cốt truyện dễ hiểu, gần gũi, kết hợp cùng nét vẽ đáng yêu tạo cảm cảm giác hứng thú cho người xem.

Một số fan còn cho rằng đây sẽ là cách hiệu quả để giới trẻ tiếp cận lịch sử Việt Nam dễ dàng hơn, vừa giải trí nhưng cũng hàm chứa không ít bài học lịch sử của đất nước.

Hoàng đế Lý Chiêu Hoàng được mô tả với nét vẽ đáng yêu, hài hước trong phim hoạt hình.

Từng đoạt Huy chương vàng tại Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 1999, Rừng trúc - một trong những vở kịch kinh điển dựng lại một giai đoạn lịch sử của nước ta vào cuối thời Lý - đầu thời Trần. NSND Lê Khanh trong vai Lý Chiêu Hoàng. Vai diễn này đã giúp nữ diễn viên giành huy chương vàng cũng tại Liên hoan sân khấu toàn quốc năm 1999.

NSND Lê Khanh vào vai Lý Chiêu Hoàng trong vở “Rừng trúc”.

Vở kịch đi sâu vào bi kịch giữa mẹ con, anh em, vua tôi, chú cháu trong hoàng tộc. Giữa lúc những mâu thuẫn bùng lên dữ dội, Trần Thái Tông hoang mang bỏ ngôi vua, lên rừng trúc Yên Tử tìm vào cửa Phật. Nhân đó giặc Nguyên Mông âm mưu tràn xuống cướp nước ta. Vì sự an nguy của giang sơn, thái sư Trần Thủ Độ mang cả triều thần lên Yên Tử rước vua về. Nhà vua trở lại kinh thành cùng dòng tộc gác bỏ những hiềm khích, hòa giải với nhau để thống nhất ý chí đoàn kết dân tộc chống giặc ngoại xâm.

Với kịch bản của cố nhà văn Nguyễn Đình Thi và sự dàn dựng, đạo diễn của cố NSND Nguyễn Đình Nghi, NSND Phạm Thị Thành, vở kịch đã đoạt huy chương vàng Liên hoan sân khấu toàn quốc năm 1999.

Năm 2021, Lý Chiêu Hoàng một lần nữa được tái hiện trên sân khấu với vở Thành Thăng Long thủa ấy (kịch bản: Chu Thơm, đạo diễn: NSND Giang Mạnh Hà). Chỉ hơn 2 tiếng đồng hồ nhưng vở kịch giúp người ta nắm được những sự kiện lịch sử, đồng thời lại có thể đào sâu vào từng nhân vật, lột tả nội tâm, uẩn khúc. Vở kịch đã khắc họa một chân dung nữ nhi trong cơn lốc chính trị, một cánh hoa trong sóng gió của nội chiến lẫn ngoại xâm khi phải hy sinh bản thân mình vì đại cuộc.

Ngọc Thanh

Nguồn VTC: https://vtc.vn/cuoc-doi-la-lung-day-bi-kich-cua-nu-hoang-de-duy-nhat-o-viet-nam-ar766355.html