Cuộc đời đẹp từ những câu 'hát cho bệnh nhân tôi nghe'

Đều đặn 2 tuần một lần, chiều chủ nhật ở bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng trở nên rộn ràng khi cả khoảng sân vang lên tiếng hát, tiếng đàn, tiếng vỗ tay của hàng trăm người. Từ khách mời đến bác sĩ rồi cả bệnh nhân, họ hát cho nhau nghe, có tiếng hát trong trẻo, có tiếng hát trầm ấm nhưng nhìn chung đều đẹp đẽ vô cùng, bởi chúng được ngân lên ở một nơi mà nhiều người xem là ngõ cuối của cuộc đời, nơi mà việc thở thôi cũng đã khó nhọc.

Những người ca sĩ đặc biệt, những bệnh nhân của bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng. Ảnh: T.TRANG

Tiếng hát đẹp giữa bệnh tật

Bệnh viện Ung Bướu Đà Nẵng, nơi tưởng chừng chỉ có tiếng tít vô hồn của những chiếc máy thở, thậm chí là tiếng khóc của nhiều ai đó khi bước vào đoạn cuối của cuộc đời với những căn bệnh không biết khi nào sẽ bình phục. Vậy mà cũng chính nơi tưởng chừng hy vọng ít ỏi nhất lại có những buổi chiều chủ nhật, khoảng sân bệnh viện rộn ràng tiếng nhạc, tiếng ca. Có những buổi tối đều đặn trầm bổng với tiếng đàn ghita, tiếng hát của những cô cậu sinh viên hòa với tiếng hát của những người bệnh vang lên ở từng phòng bệnh, ở mỗi hành lang. Đó là chương trình mang cái tên thật ấm áp “Hát cho người bệnh tôi nghe” đã được duy trì hơn suốt 3 năm qua như một món quà tinh thần, một liều thuốc lớn cho những người bệnh nơi đây.

Có mặt vào một chiều chủ nhật tại bệnh viên Ung bướu Đà Nẵng, tiếng hát tiếng nhạc kéo tôi đến khoảng sân của bệnh viện, hàng trăm màu áo xanh bệnh nhân ngồi chăm chú, họ vỗ tay, cười nói khi được xem buổi ca nhạc “Hát cho bệnh nhân tôi nghe” lần thứ 55. Không khung rạp hay đèn hoa, những người ca sĩ khách mời từ nổi tiếng cả nước đến ca sĩ trong thành phố đều vui vẻ biểu diễn ở sân, chung quanh họ là người bệnh, là các tình nguyện viên. Hôm tôi tham dự, cô bé Hồng Minh, quán quân một chương trình tài năng nhí cất tiếng trong trẻo càng khiến cho buổi diễn trở nên ngọt ngào hơn. Và có điều đặc biệt nhất mà theo như anh Nguyễn Minh Toại, một trong số những người điều hành cho hay, nguồn sống lớn nhất của dự án hơn 3 năm qua chính là tiếng hát của những bệnh nhân. “Nếu chỉ để ca sĩ hát thì bình thường quá, đây là chương trình chúng tôi muốn dành cho bệnh nhân và những ca sĩ áo xanh luôn được ưu tiên hàng đầu”.

Anh Toại chia sẻ, nếu một người bình thường bị ốm nhẹ đã là khó chịu, đã không muốn nói chuyện với người khác nữa huống gì là những bệnh nhân ở đây – nơi cửa sinh tử. Vậy nên khi họ cất lên tiếng hát của mình thì đó mới là điều đẹp đẽ hơn cả. “Những tiếng hát không chất chứa bệnh tật mà là nghị lực, sự khát khao được yêu thương của chính bản thân họ với cuộc đời”, anh Toại tâm sự.

Chiều chủ nhật đó, lần lượt các khách mời, ca sĩ sau khi biểu diễn lại trở thành khán giả của những người ca sĩ mặc áo xanh. Chị Hoàng, một bệnh nhân dù ngồi xe lăn vẫn lên góp tiếng hát với chương trình. Chị nói chị sắp được phẫu thuật, chưa rõ sức khỏe sau đó thế nào nên chương trình này chị muốn được hát. Chị hát 2 bài, có bài vui có bài trầm lặng, kết thúc mỗi bài đều không ngớt tiếng vỗ tay của những người bệnh, khách mời.

Rồi còn nhiều những bác, những cô chú khác, họ - những người ca sĩ không chuyên đặc biệt với chiếc áo xanh bệnh viện, trên tay cầm mic vẫn còn những ống ven, những băng gạc và đôi lúc hát hụt hơi bởi cơn đau của bệnh tật. Thế nhưng họ vẫn hát hết bài, hát 1 bài rồi hát 2 bài. Nhiều khách mời, ca sĩ xúc động lên tặng hoa cho những bệnh nhân rồi cùng hát chung, nhảy chung, tôi nghĩ, lúc đó, mọi khoảng cách về bệnh tật dường như đã không còn.

Với nhiều bệnh nhân ở hàng ghế khán giả, đôi mắt, khóe miệng họ lại không ngớt nụ cười. Có người ngồi, rồi có người đứng kín cả khoảng sân, lên đến bậc thềm. Có những bác phải ngồi xe lăn, thậm chí nhiều chiếc giường được đẩy ra sảnh gần sân khấu nhất, người bệnh nằm trên giường, đang truyền thuốc vẫn muốn nghe tiếng hát. “Mình là người bệnh, được phục vụ như vậy vui lắm. Hôm nào khỏe là tôi đều nhắc vợ đưa mình xuống xem. Phòng tôi ai cũng xuống xem cả. Liều thuốc lớn lắm, uống thuốc này không đau mà còn được vui”, chú Vũ, một bệnh nhân ở Quảng Ngãi nói với chúng tôi khi quay sang nhìn người vợ đã theo chăm sóc mình hơn 1 tháng nay. Có lẽ chỉ có những lúc như thế này, họ mới vui vẻ như vậy trong những ngày chống chọi với bệnh tật.

Rồi chẳng dừng lại ở một chương trình chiều chủ nhật 2 tuần 1 lần, anh Toại cùng các tình nguyện viên còn đến tận phòng bệnh hát vào mỗi tối. “Nhiều người bệnh muốn nghe hát, muốn được hát lắm nhưng vì điều kiện sức khỏe không thể xuống được nên chúng tôi đến với họ. Chương trình diễn ra 4 buổi tối mỗi tuần, đều đặn như vậy để đảm bảo bất kì ai muốn hát đều được hát”, anh Toại chia sẻ.

Lại theo chân những bạn sinh viên vào một buổi tối thứ tư, chương trình được thiết kế hát với ghita. Trong khoảng sảnh nhỏ của tầng 5, những dãy ghế bệnh nhân đông dần theo từng bài hát, từng tiếng hòa ca của các cô cậu tuổi đôi mươi với giọng trầm ấm của các bác, các cô. Cả một dãy bệnh viện bỗng sáng hơn, nụ cười hiện diện nhiều hơn và ánh mắt của nhiều người cũng long lanh hơn ở chính nơi có thể là ngõ cuối cuộc đời.

Khi tiếng hát của khách mời, của người bệnh cùng cất lên, dường như bệnh tật cũng lùi xa ở đằng sau, nhường chỗ cho nụ cười và hạnh phúc. Ảnh: T.TRANG

Lan tỏa tiếng ca, lan tỏa yêu thương

“Hát cho người bệnh tôi nghe” là một trong số hoạt động của dự án “Một bức tranh – Nhiều hy vọng” được một nhóm tình nguyện viên, phối hợp cùng với hội Doanh nhân quận Hải Châu (Đà Nẵng) khởi xướng từ năm 2014.

“Ý tưởng ban đầu của những người khởi xướng là đem nghệ thuật đến bệnh viện, thay vì những bức tường trắng thì nay sẽ có những sắc màu khác, làm cuộc sống của những người bệnh mới mẻ hơn. Sau đó, dần dần chúng tôi nghĩ đến việc đem cả tiếng hát, rồi dạy học cho các em nhỏ, mở các thư viện mini cho người bệnh có thêm nguồn vui”, anh Toại chia sẻ. Hơn 3 năm hoạt động, đến nay màu áo trắng xanh của các tình nguyện viên của dự án trở thành thân quen với những bệnh nhân nơi đây vào những buổi tối hát cho nhanh nghe. Nhiều em nhỏ được theo học các lớp vẽ, lớp Toán,… trong khi điều trị.

Thế nhưng, bất ngờ lớn nhất của sự lan tỏa đó là hoạt động “Hát cho bệnh nhân tôi nghe” từ Đà Nẵng đã nhân rộng ra Huế, Hà Tĩnh và cả Hà Nội. Anh Toại cho hay: “Nhiều bạn trẻ khi có cùng ý tưởng như chúng tôi đã có cơ duyên tìm đến nhau để chia sẻ. Các bạn từ các nơi đã bỏ công vào Đà Nẵng để học tập mô hình các dự án, từ đó hoạt động “Hát cho bệnh nhân tôi nghe” được nhân rộng. Tôi rất vui vì nay không chỉ bệnh nhân Đà Nẵng, mà nhiều người khác cũng đã có được liều thuốc tinh thần kì diệu”.

Vậy là, bệnh viện, từ một nơi chỉ dành cho bệnh nhân, những dự án như “Hát cho bệnh nhân tôi nghe” đã tạo một cầu nối để ngày càng nhiều các bạn trẻ đến và chia sẻ yêu thương. Nhìn cách mà bạn Sơn sinh viên ĐH Bách khoa Đà Nẵng, người đã hơn 1 năm nay gắn bó với nhóm hát tối thứ 4 hằng tuần trò chuyện với những bệnh nhân mới thấy các bạn thật sự tâm huyết với chương trình thế nào khi dành thời gian, tâm sức đến với từng người bệnh. Bài hát nào được bệnh nhân yêu cầu, các bạn đều cố gắng hát tặng. Nhiều bệnh nhân còn ngại ngần, các bạn động viên khuyến khích để họ tự tin cất tiếng hát.

“Giáo dục cho các bạn trẻ về yêu thương và chia sẻ yêu thương cũng là 1 trong những mục đích của dự án. Thay vì đọc những cuốn sách hạt giống tâm hồn với những câu chuyện xa xôi thì các bạn cũng có thể gặp được những câu chuyện ấy ngoài đời thật, thậm chí chính các bạn có thể tự thu về cho chính mình những câu chuyện đó”, anh Toại tâm sự.

Quả thật, chẳng cần kiếm tìm đâu xa những bài học về cuộc sống. Bởi chính nơi này, mỗi bài hát, mỗi nụ cười đều trở nên quý giá. Từ dự án này, nhiều bạn đã hiểu, có những người đến khi sắp rời xa cuộc đời mới nhận món quà đầu tiên trong đời, đó là tấm thiệp do chính tay các bạn làm và điều đó khiến họ cảm động vô cùng. Cũng từ đây, nhiều người sẽ hiểu, những câu hát của các bệnh nhân sắp bước qua cửa sinh tử, thậm chí là có thể rời xa cuộc đời vào ngày mai, nó đẹp đến thế nào.

Anh Toại kể, có chú bệnh nhân tên Minh khi tham gia dự án đã vẽ 2 bức tranh mà đến nay vẫn còn treo ở tầng 3 của bệnh viện. Bức tranh có câu chữ, “Cho tôi trở lại sức khỏe ngày xưa để tôi vác cuốc ra đồng”. Ước mơ của những người bệnh rất giản dị mà nếu không có dự án này thì sẽ chẳng ai biết đến ước mơ của họ. Và vẫn còn đó những lời thổ lộ, tâm sự, lời cảm ơn gia đình, với bác sĩ của những người bệnh trong mỗi chương trình “Hát cho bệnh nhân tôi nghe”, khiến không ít lần nhiều khán giả rơi nước mắt.

3 năm hoạt động, những người gắn bó với dự án như anh Toại, như Sơn đã không ít lần chia tay với những người bệnh, những người ca sĩ vô cùng đặc biệt. Thế nhưng, nụ cười của họ, ánh mắt lấp lánh niềm vui hiếm hoi trong những ngày dài chống chọi với bệnh tật sẽ còn mãi trong lòng những người bạn trẻ. Sân khấu của những chương trình có thể thiếu đi vài khuôn mặt, có thêm vài khuôn mặt mới nhưng “Hát cho bệnh nhân tôi nghe” sẽ còn vang lên mỗi chiều chủ nhật, mỗi tối hằng tuần vì còn 1 ngày sống là còn có thể mỉm cười, là còn yêu thương nhau.

Thùy Trang

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/doi-song-xa-hoi/cuoc-doi-dep-tu-nhung-cau-hat-cho-benh-nhan-toi-nghe-655913.bld