Cuộc đời của vị hoàng nữ lưu lạc

Là hoàng nữ thứ ba của Hoàng tử Vĩnh Giu, song bà Công Tôn Nguyễn Phước Thanh Cát lại cả đời phải sống cảnh cơ cực. Ký ức về những ngày tháng bần hàn của cha luôn được bà lưu giữ mãi như một động lực

Ký ức về những ngày tháng bần hàn của cha luôn được bà lưu giữ mãi, như một động lực để răn dạy con cháu vươn lên.

Cuộc sống cơ cực của vị hoàng nữ thứ ba

Bà Công Tôn Nguyễn Phúc Thanh Cát (cháu nội vua Thành Thái) sống trong con hẻm 166, Phan Đình Phùng, Cần Thơ. Bà có một tuổi thơ vất vả bên người cha của mình là hoàng tử Vĩnh Giu, dù lúc nhỏ bà chưa bao giờ nghe cha nhắc về thân thế thực sự của mình.

Bà Thanh Cát kể chuyện về cha mình.

Ngày nhỏ, vì quá khó khăn nên ngoài việc học hành, bà cùng các anh đã phải phụ giúp cha nhiều việc để lo cho các em. Khi đó, công việc ở Ty giao thông của hoàng tử Vĩnh Giu dù đã dè xẻn hết mức có thể nhưng vẫn không đủ để gia đình chín miệng ăn chi tiêu.

Vốn là một người mê âm nhạc, ngay từ khi còn ở đảo Reunion, hoàng tử Vĩnh Giu đã chơi được khá nhiều nhạc cụ. Vậy là mỗi tối ông lại tới các quán Bar trong thành phố xin làm nhạc công, nhờ đó cuộc sống của cả nhà dễ thở hơn phần nào.

Nhắc về dòng dõi tôn quý, bà Thanh Cát cho biết, quá khứ đã qua quá lâu, hiện tại mình chỉ có mỗi ước mơ là con cháu được học hành đầy đủ, có được công việc tốt và ổn định cuộc sống. Bà chỉ ước ao con cháu được học hành đến nơi đến chốn. Không giống như bà ngày xưa khi đi học bị bạn bè kỳ thị mà không hiểu nguyên nhân là gì. Bởi ngày trước, để tránh tai mắt của Pháp, muốn con cháu có cuộc sống bình yên mà cha bà đã phải mấy lần thay tên đổi họ, rồi giấu biệt tung tích thân thế, bà luôn đến trường trong tâm thế bị chê cười, kỳ thị.

Đó là những vất vả của gần năm mươi năm về trước, khi cuộc sống gia đình bà bị kìm kẹp đủ thứ và việc học thực là một chuyện xa xỉ. Những ngày tháng tuổi thơ cơ cực ấy đã giúp bà Thanh Cát hiểu hơn về người cha là hoàng tử của mình. Khi bà còn nhỏ, cha mẹ bà luôn cố gắng để tất cả anh em bà được học hành đầy đủ, song cuộc sống vẫn khó khăn, khốn đốn trăm bề.

Bà Cát học được giữa chừng thì phải bỏ ngang để cùng cha đi làm phụ giúp gia đình. Theo lời bà thì hoàng tử Vĩnh Giu nói rất thành thạo tiếng Tây, những ngày còn sống ông vẫn thường xuyên ăn mặc lịch sự theo phong cách Tây, nói tiếng Tây và ngồi quán cà phê nhiều người nước ngoài hay lui tới để được trò chuyện.

Ngày ấy cuộc sống khó khăn, mọi hoạt động luôn bị kìm kẹp nên hoàng tử Vĩnh Giu phải đốt hết sách, giấu hết các vật dụng để che giấu thân phận của mình. Cũng chính vì vậy mà hơn mấy chục năm sống bên cha mà bảy người con của ông không một ai hay biết về thân thế hoàng tộc của mình.

Sau khi lập gia đình, bà Thanh Cát cùng chồng sinh sống trong một căn nhà nhỏ tại hẻm 166, ngay gần căn nhà của cha. Số phận vị hoàng nữ lưu lạc này không khá hơn mấy so với các anh, chị em của mình. Do không có công việc ổn định, cuộc sống của gia đình bà khó khăn chất chồng khó khăn. Khi đứa con gái chào đời, cuộc sống túng quẫn vây lấy gia đình bà. Hai vợ chồng bà phải xoay sở đủ nghề mà ba miệng ăn cũng chỉ đủ bữa đói bữa no.

Dù là một người con gái hoàng tộc, nhưng bà Thanh Cát cùng chồng cũng phải chạy vạy đủ mọi việc hòng kiếm đủ ngày ba bữa ăn và lo cho con gái. Trời không phụ lòng người, bằng sức lao động chân chính, bà Thanh Cát cũng nuôi dạy cô con gái trưởng thành, có việc làm như ý.

Những tấm bằng khen mà gia đình bà Cát lưu giữ.

Dẫu phần đời còn lại không còn được bước tiếp cùng người chồng đồng hành suốt hơn 20 năm, song bà cho biết, cô con gái thành đạt chính là minh chứng cho hạnh phúc của vợ chồng bà. Hiện tại, ở tuổi xế chiều, vị hoàng nữ của triều Nguyễn vẫn nhận làm công việc phụ rửa ly, tách cho một quán cà phê ngay gần nhà. Những khi con gái bận bà lại chăm sóc cháu ngoại. Bà bảo, được làm việc nghĩa là mình còn có ích.

Vẫn giữ tinh thần của một hoàng tộc yêu nước

Khi còn sống, hoàng tử Vĩnh Giu đã quyết định sẽ mãi im lặng về thân thế hoàng tộc của mình, nên có lẽ các anh chị em bà Thanh Cát sẽ mãi sống trong bí mật đã được giấu kín của người cha. Cho đến năm 2003, khi ấy hoàng tử Vĩnh Giu đang trở bệnh nặng, cố thủ tướng Võ Văn Kiệt đã tới thăm viếng với tư cách là “một người bạn già”.

Chuyến thăm viếng đột của cố thủ tướng đã xóa nhòa mọi khoảng cách, đó cũng chính là lúc hoàng tử Vĩnh Giu chịu mở lòng, kể cho các con nghe về thân thế hoàng tộc của mình. Dẫu cuộc sống có cơ cực nhưng ông vẫn giữ được phong thái lịch lãm của một vị hoàng tử, chỉ có điều ông nguyện chôn giấu quá khứ vào tâm khảm.

Với bà Thanh Cát, khi nghe cha kể về câu chuyện tù đày của mình và về ông nội, tức vua Thành Thái, bà cũng như các anh, em của mình đã hết sức xúc động. Sống hơn 50 năm mà không một ai biết về thân thế của cha, ngay cả các con, cháu. Cho đến những năm cuối đời cha bà mới chịu kể ra. Dù không được chứng kiến cuộc sống của hoàng tử Vĩnh Giu khi bị lưu đày song qua lời kể của cha, bà Thanh cát phần nào hiểu được cuộc sống cực khổ khi “vua thất thế”.

Dẫu sống trong cảnh giam cầm ngoài đảo xa xôi, vua Thành Thái vẫn không xao nhãng chuyện học hành của con cái, ông xin cho con vào học ở một chủng viện Thiên chúa giáo, nơi dành cho người nghèo và dân bản địa. Bên cạnh đó vị vua yêu nước còn tự dạy tiếng Hán và tiếng Pháp cho con. Nhờ vậy các hoàng tử dẫu tiếp xúc với văn hóa phương Tây song không quên cội nguồn.

Về phần Hoàng phi Chí Lạc, bà vốn là người xứ Huế, rất cam chịu, đảm đang lại giỏi thơ văn. Bà đã rất kiên cường, động viên chồng trong cảnh bị cầm tù và giáo dục tốt các con. Để hướng con cái nhớ về cội nguồn dân tộc, bà dạy các con nói tiếng Việt, viết chữ Nôm, ngoài ra còn dạy múa hát, đàn ca sáo nhị. Chính những ngày tháng đó, hoàng tử Vĩnh Giu đã say mê những môn nghệ thuật mẹ dạy và vẫn giữ thói quen ngân nga đàn sáo cho đến tận những ngày cuối đời.

Dẫu chưa một ngày được sống trong cảnh nhung gấm, song với những người con của hoàng tử Vĩnh Giu, lịch sử về vương triều Nguyễn là niềm tự hào. Bà Thanh Cát cũng vậy, với bà, niềm hạnh phúc nhất là khi nhà nước công nhận các bậc ông nội, cha mình là các nhà vua yêu nước. Hàng năm, cứ mỗi khi đến ngày giỗ vua Thành Thái, những người con dòng họ Nguyễn Phước ở đất Tây Đô lại thu xếp về Huế thăm viếng. Với họ, dẫu đang sinh sống trên mảnh đất nào trên dải đất hình chữ S này, dẫu cuộc sống có đang khó khăn bủa vây, nhưng họ vẫn luôn hướng về đất cố đô, về cội nguồn.

Cuộc sống khó khăn nên mỗi năm gia đình bà Thanh Cát chỉ cử được một người ra Huế, còn những người anh em khác làm một mâm cỗ cúng. Đó cũng là ngày tụ tập được tất cả mọi người trong họ, những câu chuyện về cha, về ông nội cũng như lịch sử của dòng tộc sẽ được những người lớn tuổi kể lại cho con cháu. Đó cũng là cách những vị hoàng thân lưu lạc nhớ về cội nguồn của một hoàng tộc yêu nước, cho dù đó là lịch sử đã trôi vào dĩ vãng.

Nhóm PVMĐ/KD&PL

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhphapluat.vn/cuoc-doi-cua-vi-hoang-nu-luu-lac-p41703.html