Cuộc đấu ngầm ở Bắc Cực: Nga không bắt tay Trung Quốc

Việc Trung Quốc có những động thái mới thể hiện tham vọng tại Bắc Cực đang khiến không chỉ Mỹ mà Nga lo ngại.

Mỹ lo ngại

Hôm 3/11, Ủy ban Cố vấn An ninh Quốc tế (ISAB) thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ đã hối thúc chính phủ Mỹ chú ý nhiều hơn đến ảnh hưởng từ các động thái gia tăng hoạt động tại Bắc Cực của Trung Quốc đối với an ninh khu vực.

Trong bản tài liệu "Báo cáo về chính sách Bắc Cực", các nhà khoa học lưu ý rằng hiện tượng băng tan do biến đổi khí hậu khiến nhiều nước muốn tìm kiếm vai trò nhiều hơn trong việc phát triển Bắc Cực, nhằm tiếp cận với các mỏ dầu khí trong khu vực.

ISAB khẳng định, Trung Quốc vốn cách xa Bắc Cực về mặt địa lý nhưng nước này đang tuyên bố là một quốc gia cận Bắc Cực "để phù hợp với mục tiêu chiến lược dài hạn, đó là theo đuổi phát triển kinh tế và tăng trưởng ở khu vực này".

Nhưng nghiên cứu của ISAB cho thấy việc Trung Quốc theo đuổi các nguồn năng lượng xung đột với nỗ lực của nhiều quốc gia nhằm bảo vệ môi trường và hạn chế ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu.

Hải quân Trung Quốc thăm Thụy Điển.

ISAB nhấn mạnh: "Biến đổi khí hậu ở Bắc Cức ảnh hưởng tới các điều kiện khí hậu ở Trung Quốc, gây ra tình trạng thời tiết khắc nghiệt, trong đó có các đe dọa lũ lụt tới các thành phố ven biển của Trung Quốc…".

Theo nghiên cứu của ISAB, các hoạt động của con người tại Bắc Cực tăng gần 400% trong thập niên qua trong các lĩnh vực vận chuyển, khai thác, thăm dò năng lượng, đánh bắt và du lịch.

Báo cáo nêu rõ các cơ hội kinh tế ở Bắc Cực rất quan trọng với Trung Quốc trong ngắn hạn, chẳng hạn như các tuyến đường biển và hàng không sẽ cho phép nước này mở rộng hoạt động vận chuyển tới các thị trường ở châu Âu và Bắc Phi.

Về dài hạn, Trung Quốc có thể tìm kiếm lợi ích từ việc tiếp cận các nguồn tài nguyên như dầu mỏ, các hydrocarbon khác, khoáng sản và cả nguồn thủy hải sản, cũng như mở rộng du lịch và các công nghiệp khác tới khu vực.

Từ kết quả nghiên cứu này, ISAB cho rằng Trung Quốc sẽ gia tăng các hoạt động tại Bắc Cực nhằm đạt được mục đích của mình, trong đó không loại trừ khả năng xảy ra tranh chấp.

Không thỏa hiệp

Việc Mỹ lo ngại do hoạt động của Trung Quốc là hoàn toàn có cơ sở bởi sau những bước đi mới thể hiện tham vọng của Bắc Kinh tại cực Bắc của Trái đất này. Đặc biệt là việc đội tàu chiến của Hải quân nước này lần đầu thực hiện chuyến thăm tới Bắc Âu.

Thông tin về chuyến thăm được trang Học giả ngoại giao của Nhật Bản cho biết. Theo nguồn tin này, sau khi kết thúc hộ tống ở vịnh Aden, biên đội Hải quân Trung Quốc bắt đầu tiến hành thăm toàn cầu, biên đội này bao gồm tàu khu trục tên lửa Tế Nam, tàu hộ vệ tên lửa Ích Dương và tàu tiếp tế tổng hợp Thiên Đảo Hồ.

Những mỏ dầu ở Bắc Cực đang là mục tiêu của nhiều quốc gia.

Khu trục hạm Tế Nam và tàu chiến Ích Dương thuộc các tàu chiến hiện đại nhất của Hải quân Trung Quốc, còn tàu tiếp tế Thiên Đảo Hồ được đưa vào hoạt động khoảng 10 năm trước.

Bài viết nhận định, cùng với việc lớp băng ở Bắc Cực tan ra, tài nguyên của khu vực này bắt đầu dễ khai thác, đây chính là mục đích của Trung Quốc khi tăng cường quan hệ với các nước Bắc Cực để có thể thuận lợi hơn trong việc khai thái nguồn tài nguyên phong phú tại lục địa băng giá này.

Theo dự đoán của các chuyên gia, quốc gia nào sở hữu Bắc Cực thì người đó sẽ sở hữu thị trường dầu mỏ và khí đốt. Ước tính, nguồn tài nguyên tiềm năng ở khu vực này trị giá khoảng 30.000tỉ USD.

Việc phát hiện ra một lượng lớn mỏ hydrocarbon ở Bắc Cực càng làm bùng lên những sự cạnh tranh quốc tế về tài nguyên của khu vực này. Sự giàu có của Bắc Cực khiến nhiều nước bộc lộ tham vọng thống trị khu vực này, trong đó có Trung Quốc.

Báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Khoa học chính sách quốc phòng thuộc Viện Hàn Lâm Khoa học quân sự Trung Quốc khẳng định, nguồn dự trữ dầu khí ở khu vực Bắc Cực là yếu tố quan trọng đối với sự tăng trưởng kinh tế bền vững của Trung Quốc.

Theo đó, Trung Quốc phải tích cực tìm kiếm các phương cách phát triển lĩnh vực này. Thậm chí các chuyên gia nước này còn khẳng định Trung Quốc có quyền đối với một phần tài nguyên ở Bắc Cực. Hồi tháng 5/2013, Trung Quốc được Hội đồng Bắc Cực đồng ý công nhận là quan sát viên trong khu vực Bắc Cực và hiện nay Trung Quốc đang tích cực tham gia vào các cuộc nghiên cứu vùng cực.

Ngoài ra, ngày 11/7/2014, tàu phá băng Tuyết Long chở theo 65 nhà khoa học Trung Quốc dấn thân vào cuộc hành trình thứ 6 tới Bắc Cực. Một tàu phá băng mới trị giá 210 triệu USD cũng đang được Bắc Kinh chế tạo. Trước đó, cuối tháng 12/2013, Viện nghiên cứu Trung Quốc-Bắc Âu được đưa vào hoạt động tại thành phố Thượng Hải.

Tuy nhiên, muốn tiếp cận Bắc Cực, Trung Quốc gặp phải rào cản lớn là Nga. Hiện Trung Quốc là một trong những nhà đầu tư lớn nhất trong lĩnh vực khai khoáng ở Greenland, nhưng các nguồn tài nguyên dưới đáy biển ở Bắc Cực phần lớn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia ven Bắc Cực (đặc biệt là Nga). Do đó, nếu Trung Quốc muốn năng lượng thì phải khai thác chung.

Nhưng, bản thân nước Nga đang đẩy mạnh công việc khai thác ở Bắc Cực và coi đây là một trong những ưu tiên hàng đầu, đầu tầu phát triển kinh tế. Quốc gia này đang có ý định chuyển các hoạt động khai thác dầu và khí đốt đến đây trong tương lai, cũng là để bảo vệ lãnh thổ của mình.

Như vậy, để bảo vệ lợi ích quốc gia, Nga sẽ chẳng dại gì mà thỏa hiệp với Trung Quốc tại Bắc Cực và nếu Trung Quốc muốn có phần ở khu vực giàu tài nguyên này thì ắt phải tính đến phương án tranh chấp với Nga, báo Nhật nhận định.

Mỹ Đức

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/cuoc-dau-ngam-o-bac-cuc-nga-khong-bat-tay-trung-quoc-3322395/