“Cuộc chơi” dũng cảm

KTĐT - Người yêu nghệ thuật chèo của Thủ đô vừa được thưởng thức chương trình "Năm cung Chèo" (tối 27/5). Đây được coi là "cuộc chơi" dũng cảm của các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Việt Nam nhằm kéo khán giả đến gần hơn với bộ môn nghệ thuật này và kết hợp xúc tiến du lịch để quảng bá chèo ra thế giới.

Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trò chuyện với NSƯT Thanh Ngoan - Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam về con đường để đến được mục tiêu đó.
Hơn một năm nay, Nhà hát Chèo Việt Nam đã phục dựng và xây dựng 5 chương trình biểu diễn vào tối thứ Sáu hàng tuần tại rạp Kim Mã, nhằm bảo tồn, phát huy giá trị của môn nghệ thuật này. Chương trình "Năm cung Chèo" hẳn cũng không nằm ngoài mục đích đó?
- Nhân cuộc thi nhạc cụ dân tộc Việt Nam sẽ diễn ra tại Đà Lạt vào tháng 6, Nhà hát Chèo Việt Nam mạnh dạn xây dựng chương trình âm nhạc "Năm cung Chèo" để tranh tài. Nhưng quan trọng hơn, chúng tôi muốn gìn giữ, phát huy, phát triển và giới thiệu đến công chúng trong và ngoài nước âm nhạc đặc sắc của chèo. Bên cạnh đó là mục tiêu xúc tiến du lịch. Với những vở diễn trước đây, ngôn ngữ tiếng nói là rào cản với du khách nước ngoài, nhưng âm nhạc hoàn toàn có thể khỏa lấp điều đó. Chính vì thế, "Năm cung Chèo" được xây dựng dựa trên nhiều cốt truyện đặc sắc của chèo cổ như "Quan âm Thị Kính", "Lưu Bình - Dương Lễ", "Xúy Vân". Tính cách của Thị Mầu, Thị Kính, Châu Long, Lưu Bình, Xúy Vân… không phải được thể hiện bằng ngôn ngữ sân khấu, bằng tiếng nói của diễn viên hay ngôn ngữ chèo cổ mà là ngôn ngữ âm nhạc truyền thống và nghệ thuật ánh sáng. Đây được coi là "cuộc chơi" nhạc chèo chưa từng có từ trước tới nay.

Cảnh trong vở chèo “Quan Âm Thị Kính”. Ảnh: Minh Trang

Một sân khấu truyền thống "đỏ đèn" liên tục không dễ, vậy Nhà hát Chèo Việt Nam làm thế nào để chiếu chèo duy trì được đều đặn mỗi tối thứ Sáu hàng tuần?
- Khi mới gây dựng chiếu chèo truyền thống tại rạp Kim Mã, chúng tôi hạ giá vé cũng không có khán giả, nhưng nay, giá vé tăng, lượng khách lại đông hơn. Có những đêm có hơn 50 khán giả, có khi chỉ được 10 người, nhưng dù đông hay vắng, các nghệ sĩ vẫn vui vẻ biểu diễn, bởi chúng tôi trân trọng tất cả những tình cảm ấy. Để sân khấu luôn "đỏ đèn", trước khi ra mắt, chúng tôi thường tổ chức những đêm diễn mời các nghệ sĩ đã dành cả đời cống hiến vì nghệ thuật chèo đến xem và đoang góp ý kiến. Nhờ đó, các chương trình, vở diễn đều có những nét mới, nhưng không vượt quá giới hạn của chèo truyền thống. Mặt khác, âm nhạc, diễn viên được thăng hoa tạo nhiều cảm xúc cũng như dấu ấn với khán giả. Rất nhiều người phản hồi, ở Hà Nội có một chiếu chèo "đỏ đèn" hàng tuần vào tối thứ Sáu, đó là một thành công, chứng tỏ khán giả đã định hình được địa điểm biểu diễn chèo.
Chương trình "Năm cung Chèo" dài 50 phút, quy tụ tất cả nhạc công của Nhà hát. Quy mô như vậy dường như chưa phù hợp với mục tiêu xúc tiến du lịch? - Khi xây dựng kịch bản, chúng tôi đã tính đến điều này. Vì thế, cả hai dàn nhạc của Nhà hát đều biểu diễn thành thạo chương trình. Khi thực hiện các chương trình xúc tiến du lịch, chúng tôi sẽ chỉ thực hiện độ dài 25 - 30 phút với một buổi diễn. Chỉ khi nào, các công ty lữ hành, các đơn vị có yêu cầu hoặc đặt trước thì chúng tôi mới tổ chức đại nhạc hội như thế này.
Đưa nghệ thuật truyền thống đến gần hơn với công chúng, đặc biệt là khán giả quốc tế, là việc mà hầu hết các nhà hát hướng tới nhưng không dễ thành công, thưa bà?
- Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, sẽ không còn các mạnh thường quân có thể sẵn sàng bỏ ra cả trăm triệu đồng để xây dựng một vở diễn. Thế nên, muốn giữ được nghiệp chèo, chúng tôi phải sáng tạo các chương trình, vở diễn hấp dẫn nhưng không đi chệch khỏi nghệ thuật chèo truyền thống. Muốn khán giả đến với chiếu chèo thật đông, song Nhà hát Chèo Việt Nam không làm theo hướng "câu khách". Chúng tôi luôn coi khán giả là "thượng đế", nhưng cũng không ngần ngại định hướng rằng, đến đây xem chèo chứ không phải xem loại hình nghệ thuật khác. Dù cho thu nhập chưa như mong đợi nhưng tất cả các nghệ sĩ luôn sung sướng vì được làm nghề. Dẫu đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn, nhưng với hướng đi đúng đắn và nỗ lực sáng tạo không ngừng của các nghệ sĩ, tôi tin rằng chông gai nào cũng có thể vượt qua.
Xin cảm ơn bà!

Nguồn KTĐT: http://www.ktdt.vn/van-hoa/van-nghe/2014/05/81024c96/cuoc-choi-dung-cam/