Cuộc chạy đua của những tòa tháp cao chọc trời

Cuộc chạy đua xây dựng không gian sống trên cao đã dẫn đến 1.500 tòa tháp chọc trời mọc lên trên toàn cầu trong thập kỷ qua và khoảng 500 tòa tháp nữa sẽ được triển khai trong các năm tới.

Với chiều cao 828m, tòa tháp Burj Khalifa (164 tầng) ở thành phố Dubai, Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, đang giữ ngôi vị tòa nhà cao nhất thế giới. Ảnh: Reuters

Con người đang sống ngày cao hơn mặt đất. Các cư dân ở một trong những căn hộ nằm ở vị trí cao nhất tại tòa tháp cao nhất thế giới Burj Khalifa (164 tầng) có thể ngắm thành phố Dubai (Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất), tức cách mặt đất 400m.

Họ không phải là những cư dân duy nhất có cơ hội sống ở những tòa tháp cao như vậy. Những cư dân giàu có khác muốn sống ở những căn hộ nằm trên tầng thứ 100 có thể chọn mua căn hộ ở tháp Jeddah ở Jeddah, Saudi Arabia (đang xây dựng và dự kiến sẽ trở thành tòa nhà cao nhất thế giới với chiều cao ít nhất là 1.000m), tháp Willis cao 110 tầng ở Chicago (Mỹ), tháp Australia 108 cao 101 tầng đang được xây dựng ở Melbourne (Úc), tháp Lotte World cao 123 tầng và tháp LCT Landmark cao 101 tầng ở Hàn Quốc cũng như nhiều tòa tháp cao trên 100 tầng khác ở Trung Quốc.

Tính trên toàn cầu, có hơn 2.000 tòa nhà chung cư có chiều cao trên 150m, trong đó khoảng 1.500 được xây dựng trong thập kỷ qua. Theo dữ liệu của cổng thông tin trực tuyến về nhà chọc trời Skyscraper Center, có ít nhất 500 dự án nhà cao tầng trên 150 mét đang được lên kế hoạch xây dựng trên thế giới trong vòng ba năm tới.

Xây dựng các tòa tháp chọc trời là dấu ấn điển hình của các cơn bùng nổ bất động sản. Đô thị hóa, giá trị đất đai tăng chóng mặt và cơn khát bất động sản của giới nhà giàu quốc tế đã “hợp lực” đưa các tòa tháp chung cư lên các tầm cao mới.

Ở một số thành phố, cơn bùng nổ xây dựng đã dẫn đến tình trạng thừa mứa nguồn cung, dẫn đến sức mua kém, khiến các căn hộ ở các tòa tháp cao tầng phải bán với giá giảm cả chục triệu đô la Mỹ.

Tuy nhiên, Daniel Safarik, biên tập viên ở Hội đồng về Cao ốc và Môi trường sống đô thị, một tổ chức tư vấn đang quản lý Skyscraper Center, cho rằng cuộc chạy đua chiều cao ở các dự án tháp chọc trời được hỗ trợ bởi các xu hướng dài hạn.

“Chúng ta sống trên một hành tinh đang bị đô thị hóa. Giờ đây, chúng ta chứng kiến hơn 50% dân số thế giới đang sống ở các thành phố và tỷ lệ này dường như sẽ tăng lên. Sức mạnh kinh tế và tầm ảnh hưởng của các thành phố lâu đời và thậm chí cả những thành phố mới hình thành chưa lâu đã thu hút mọi người đổ xô đến, khiến bất động sản ngày càng đắt giá và chỉ còn rất ít quỹ đất để xây dựng dự án mới nên giải pháp thay thế là phải xây cao hơn”, Safarik nói.

Tháp Jeddah đang được xây dựng ở Jeddah, Saudi Arabia sẽ trở thành tòa nhà cao nhất thế giới với chiều cao ít nhất là 1.000m sau khi được hoàn thành vào năm 2020. Ảnh: Skyscrapers & MegaProjects

Giá đất đai đô thị tăng mạnh đã thúc đẩy các nhà phát triển bất động sản tìm cách khai thác nhiều giá trị từ các mảnh đất để bù đắp cho giá mua cao ngất ngưỡng. Đồng thời, giá các căn hộ cao cấp cũng tăng vọt sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nhờ giới nhà giàu quốc tế đổ xô săn lùng tài sản nhà ở.

“Giá đất đai và chi phí xây dựng bao gồm lao động, thuế và vật liệu bị đẩy tăng quá cao nên phương án xây dựng duy nhất là các tòa tháp cao cấp”, Andrew Gerringer, chuyên gia ở công ty tư vấn The Marketing Directors ở New York, cho biết.

Song việc xây dựng các tòa tháp cao chọc trời thường đi kèm với các thách thức kỹ thuật và chi phí cao. Safarik cho biết chi phí để xây thêm các tầng trên độ cao 200m tăng theo cấp số nhân. Các thang máy, mặt tiền và hệ thống bơm cấp nước đòi hỏi các tiêu chuẩn cực kỳ cao ở độ cao này.

Khi số lượng tòa tháp chung cư tăng lên, những tiếng nói chỉ trích càng mạnh mẽ hơn. Các tổ chức vận động phản đối các tòa tháp chọc trời có thiết kế xấu xí và đặt sai địa điểm như Skyline Campaign ở London hay Stand Against the Shadows ở New York cho rằng, các đường phố và đường chân trời đang bị che khuất bởi các cao ốc phục vụ cho lợi ích những người giàu có mà không hề quan tâm đến ý kiến của người dân địa phương.

“Có một độ chắc chắn về sự hoang tưởng tự đại ở những người sống cao hơn người khác ở một nơi rõ ràng nhuốm màu xa xỉ”, kiến trúc sư Barbara Weiss, người sáng lập tổ chức Skyline Campaign, nói.

Bà cho biết thêm nhưng người sống ở các tòa tháp chọc trời này thường không đến các cửa hiệu, nhà hàng và những nơi xung quanh chúng vì họ đã có phòng tập gym, phòng chiếu phim và các không gian cộng đồng khác gần căn hộ nên họ không cảm thấy cần phải đi ra ngoài. “Họ sinh hoạt tách biệt”, Weiss nói.

Các dự án tòa tháp chọc trời mới đang thu hút các khách hàng siêu giàu bao gồm tỉ phú Ken Griffin, nhà quản lý quỹ phòng hộ người Mỹ, người đã đặt mua một căn penthouse ở tòa cao ốc 220 Central Park South đang xây dựng ở New York với giá 238 triệu đô la Mỹ.

Song cuộc chạy đua xây dựng tháp chọc trời cũng khiến nguồn cung thừa mứa ở nhiều thị trường bất động sản cao cấp chẳng hạn như London, New York và Sydney.

Các căn hộ cao cấp ở tòa nhà chọc trời 88 tầng 432 Park Avenue ở New York đang được rao bán với giá giảm hơn 20%. Năm ngoái, một căn hộ tại đây bán với giá thấp hơn 11 triệu đô la so với giá chào bán ban đầu. Dự án tòa tháp chọc trời Spire London cao 67 tầng bao gồm 800 căn hộ cao cấp ở London cũng đã ngưng thi công vì thị trường rơi vào cảnh chợ chiều.

Safarik cho rằng có những các yếu tố phi kinh tế đứng đằng sau cơn bùng nổ tháp chọc trời. Ông nói: “Khi có ai đó xây một tòa chung cư cao nhất, bạn biết chắc rằng sẽ có ai đó tiếp theo muốn xây dựng một tòa chung cư cao hơn để giành danh hiệu cao nhất”.

Theo Financial Times

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/290728/cuoc-chay-dua-cua-nhung-toa-thap-cao-choc-troi-.html