Cung nhân và hoạn quan - những kẻ đáng thương nơi cung cấm

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Toan Ánh, cung nhân và hoạn quan dưới các triều vua trước là những kẻ đáng thương.

Có âm dương, có vợ chồng nên con người ta sinh ra ở đời đã mấy - ai thoát khỏi vòng phu thê ngoại trừ các vị nam nữ tu sĩ của một số tôn giáo. Ấy vậy mà có hạng người mang tiếng lấy chồng mà mười hôm nấp bóng phòng không cả mười và cũng lại có hạng người muốn kết duyên đôi bạn cũng không được! Thật đáng thương! Những người đáng thương đó chính là cung nhân và hoạn quan dưới các triều vua trước.

Tại sao lại có những hạng người này và họ là ai? Nước Việt Nam ta theo Khổng học mà quan niệm luân lý đạo Khổng là nam nữ thụ thụ bất thân. Để duy trì thuần phong mỹ tục trong dân gian ta cần phải theo cho đúng bốn chữ “thụ thụ bất thân” trên, tuy đôi khi cũng có đôi sự vi phạm được tha thứ.

Tại triều đình luật lệ nghiêm ngặt hơn và sự bất đụng chạm giữa nam nữ đã là một luật định hết sức khắt khe, dù sự đụng chạm đây chỉ là sự gặp gỡ giữa cha mẹ anh em với nhau.

Cung nhân là những mỹ nhân được tuyển vào cung để hầu hạ nhà vua, hoàng hậu, các bà phi và các vị công chúa. Cùng với các cung nhân để hầu hạ nơi cung cấm có các hoạn quan. Hoạn quan tuyển trong những người ái nam ái nữ hoặc trong những chàng trai mà bộ phận sinh dục đã bị hy sinh thiến bỏ đi. Dùng kẻ hầu là cung nữ và hoạn quan tránh được sự vi phạm luật định nam nữ thụ thụ bất thân.

Những cung nhân được kén vào cung nếu may mắn được vua vời tới có thể trở thành bà phi, nhưng giữa cung phi và nhà vua phải có các hoạn quan môi giới. Người con gái được kén làm cung nhân được kể như đi lấy chồng từ ngày từ giã cha mẹ, và cũng từ ngày đó cha mẹ anh em cô gái thật khó thấy được mặt nàng nữa.

Đi lấy chồng, người con đi vào một cuộc sống mới, còn đi vào cửa khuyết làm cung phi, một mỹ nữ có thể như đã đi vào cõi chết, vì đã mấy cung phi được nhà vua ngự tới! Đã biết bao nhiêu cô gái đẹp xưa nay phải chôn vùi nhan sắc trong cung cấm. Nàng Tiết Linh Vân đời nhà Tùy khi bị tuyển vào cung đã khóc lóc thảm thiết mấy ngày đến nỗi nước mắt nhỏ thành máu. Vào cung, mấy khi được hầu vua; đó đâu phải là chuyện dễ.

Ngay đến Hoàng hậu không có lệnh vời cũng không dám tự tiện đến hầu. Chính ra, các cung phi là nạn nhân của lòng hiếu sắc vô độ và tính đa nghi quá đáng của các vị quân vương chuyên chế. Các vị này muốn tuyển nhiều cung phi lại sợ các cung phi tư tình cùng kẻ khác. Tần Thủy Hoàng đã vô tình chôn sống 3.000 mỹ nữ trong cung A Phòng lộng lẫy! Tấn Vũ Đế đã tuyển đến một vạn thể nữ cung nga! Thật là ai oán!

Hình ảnh các cung quan và thái giám triều Nguyễn xưa. Ảnh: TL.

Như trên đã nói, các cung phi muốn gặp gỡ quân vương phải do hoạn quan, còn gọi là quan thị môi giới. Phải dùng quan thị ở đây vì có lắm điều sượng sùng, bí mật, e ngại không nên giao phó cho đàn ông hoặc đàn bà sợ phạm đến đức độ của chốn thâm nghiêm. Tục dùng quan thị tại Á đông có từ lâu.

Tại Trung Hoa, quan thị có từ đời nhà Chu và được gọi là Tử nhân hay Yêm doãn. Nhà Hán gọi là Thường thị, nhà Đường đổi là Trung quan. [...] các nhà vua Việt Nam cũng có hoạn quan từ đời nhà Lý và gọi là Hoạn môn chi hầu; đến đời nhà Trần đổi là Nội thị; đời Lê gọi là Tả, hữu Thái giám.

Đời Nguyễn, ngạch Hoạn quan chia làm 5 trật: 1. Quan vụ Thái giám hay Điện sư Thái giám đầu tử phẩm. 2. Kiêm sự Thái giám hay Phụng nghi Thái giám. 3. Thừa vụ Thái giám. 4. Cung phụng Thái giám. 5. Thừa biên Thái giám.

Việc kén chọn hoạn quan rất được triều đình chú trọng và khuyến khích. Một người dân nào sinh được một trẻ ái nam ái nữ, quan sở tại tới khám xét rồi làm sớ trình. Cha mẹ nuôi đứa bé đến năm 13 tuổi.

Bộ Lễ sẽ chọn ngày tốt tiến cử đứa bé vào cung tập sự hoạn quan. Làng nào có hoạn quan tiến cử được miễn cho trai tráng việc binh lính, phu phen tạp và cả sưu thuế nữa. Trong những trường hợp thiếu trẻ ái nam ái nữ các thanh niên được kén chọn sung vào làm hoạn quan sau khi bị hy sinh thiến đi bộ phận sinh dục.

Chế độ quân chủ đã cáo chung, cái tệ cung nhân và hoạn quan không còn nửa. Các mỹ nữ ngày nay không lo bị tiến cung sống trong cảnh “cái én ba nghìn, một cây cù mộc biết chen cành nào!”.

Toan Ánh / NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cung-nhan-va-hoan-quan-nhung-ke-dang-thuong-noi-cung-cam-post1428101.html