Cùng hành động vì quyền và sự lựa chọn của phụ nữ và trẻ em gái

Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai - Hãy cùng hành động vì quyền lựa chọn của phụ nữ và trẻ em gái. Ảnh: KIM CHI

Đó là chủ đề của Ngày Dân số thế giới (11/7) năm nay do Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) xác định. Qua đó kêu gọi mọi tầng lớp hành động để xóa bỏ những khoảng cách nhằm bảo vệ sức khỏe của phụ nữ và trẻ em gái, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang hoành hành.

Theo UNFPA, đại dịch COVID-19 có thể có những tác động lâu dài đối với vấn đề dân số, đối với mức sinh.

Khó khăn trong công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản

Trong năm COVID thứ hai, đại dịch đã làm tê liệt hệ thống chăm sóc sức khỏe, đặc biệt trong lĩnh vực sức khỏe sinh sản/sức khỏe tình dục (SKSS/SKTD). Một mặt, những người có khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc SKSS/SKTD trì hoãn việc sinh con trong thời điểm bất ổn về tài chính và khủng hoảng. Mặt khác, gián đoạn trong việc cung cấp các phương tiện tránh thai cộng với lệnh phong tỏa, cách ly dự kiến sẽ làm gia tăng mạnh mẽ số ca mang thai ngoài ý muốn của nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất. Theo một nghiên cứu của UNFPA thực hiện vào hồi tháng 3 năm nay, ước tính 12 triệu phụ nữ đã gặp gián đoạn trong tiếp cận dịch vụ KHHGĐ.

Đại dịch COVID cũng đã làm lộ rõ và trầm trọng hơn tình trạng bất bình đẳng giới. Cụ thể, bạo lực giới tăng cao trong giai đoạn phong tỏa; nguy cơ diễn ra nạn tảo hôn; một số lượng lớn phụ nữ đã phải rời bỏ lực lượng lao động vì những công việc trả lương thấp mà họ thường làm đã bị cắt giảm, kèm theo sự gia tăng trách nhiệm chăm sóc con cái khi trẻ em phải học tập từ xa cũng như chăm sóc người cao tuổi mất khả năng đi lại.

Chị Hoàng Lê Minh Châu ở thôn Phú Sen, xã Hòa Định Tây, huyện Phú Hòa, cho hay: Hàng ngày, vợ chồng tôi làm thợ hồ ở TP Tuy Hòa. Bây giờ dịch bệnh, công trình tạm nghỉ; hai đứa con cũng đang vừa nghỉ hè vừa nghỉ dịch nên nhà cửa rối tung. Thu nhập hàng ngày không có, đời sống gặp nhiều khó khăn, tâm trí cũng mỏi mệt.

“UNFPA đã có tuyên bố chung về kêu gọi ưu tiên SKSS và quyền sinh sản cho mọi người thông qua việc tiếp cận thông tin và dịch vụ trước sự thay đổi về mức sinh và nhân khẩu học nhân Ngày Dân số thế giới năm nay”, ông Lê Văn Bi, Trưởng Phòng Truyền thông (Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh) cho biết. Theo UNFPA, trong đại dịch, những gián đoạn trong cung cấp dịch vụ SKTD và sinh sản lại càng trở nên trầm trọng hơn khi các dịch vụ này bị coi là không thiết yếu. Có thể dịch COVID-19 sẽ bị lợi dụng như một cái cớ để hạn chế hoặc từ chối tạo điều kiện cho việc ra quyết định, quyền tự chủ, tự do đi lại, hoặc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe của phụ nữ và trẻ em gái.

Chủ động tuyên truyền về các vấn đề dân số

Bác sĩ Nguyễn Hữu Hương, Phó Giám đốc phụ trách Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, cho biết: Mặc dù chưa có được một bức tranh tổng thể về tác động của COVID-19 đối với mức sinh, nhưng xu hướng này đã trở thành mối quan ngại về khả năng bùng nổ dân số hay sụt giảm tỉ suất sinh. Nhân Ngày Dân số thế giới 11/7, chi cục đã có văn bản hướng dẫn trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố tổ chức, triển khai các hoạt động truyền thông hưởng ứng, thực hiện theo chủ đề đã được UNFPA xác định, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể và toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của công tác dân số và phát triển đối với sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước theo định hướng Nghị quyết 21 về công tác dân số trong tình hình mới.

Cũng theo bác sĩ Hương, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, các địa phương cần hạn chế tổ chức các sự kiện tập trung đông người để đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống dịch; ưu tiên các kênh thông tin đại chúng để tuyên truyền về các hoạt động nhân Ngày Dân số thế giới 11/7. Trong đó tập trung tuyên truyền về các vấn đề đang đặt ra đối với công tác dân số và phát triển. Trung tâm y tế các địa phương phối hợp với các ban ngành, đoàn thể chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết; hướng dẫn cơ sở tổ chức triển khai và báo cáo kết quả các hoạt động hưởng ứng kỷ niệm Ngày Dân số thế giới 11/7 đảm bảo an toàn, hiệu quả.

“Một xã hội lành mạnh và hiệu quả là một xã hội mà ở đó phụ nữ có đầy đủ thông tin để đưa ra lựa chọn của mình liên quan đến SKSS/SKTD và khi họ được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ cho các lựa chọn của mình. Một người phụ nữ khi làm chủ được cơ thể của mình thì đồng thời cũng sẽ đạt được tiến bộ trong học tập, sức khỏe và nhiều cơ hội để phát triển”, bác sĩ Hương nhấn mạnh.

Tuy nhiên, do tác động của dịch COVID-19, theo các chuyên gia về dân số, rất đáng quan tâm, lo ngại về khả năng bùng nổ dân số hay sụt giảm tỉ suất sinh. Và điều đáng lo ngại hơn là khi phụ nữ không thể thực hiện được quyền liên quan đến SKSS và SKTD. Nguyên nhân có thể là do gián đoạn các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hoặc do phân biệt đối xử về giới đã ngăn cản họ trong tiếp cận các dịch vụ này, sử dụng các biện pháp tránh thai hoặc quyết định có quan hệ với bạn tình hay không. Vì vậy, nhân Ngày Dân số thế giới, UNFPA kêu gọi mọi người hãy hành động để xóa bỏ những khoảng cách này vì các dịch vụ chăm sóc SKSS/SKTD là hết sức thiết yếu. Thậm chí nếu hệ thống chăm sóc sức khỏe có gặp khó khăn tới đâu thì những dịch vụ này cũng không thể bị coi nhẹ. Bất cứ sự trì hoãn nào cũng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống của phụ nữ và trẻ em gái.

Hãy cùng hành động để bảo vệ quyền được quyết định sinh con và thời điểm sinh. Hãy cùng hành động vì quyền và sự lựa chọn của phụ nữ và trẻ em gái. Đó là những thông điệp của UNFPA nhân Ngày Dân số thế giới năm nay.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, các địa phương hạn chế tổ chức các sự kiện tập trung đông người để đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống dịch, ưu tiên các kênh thông tin đại chúng để tuyên truyền về các hoạt động nhân Ngày Dân số thế giới 11/7.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Hương, Phó Giám đốc phụ trách Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh

KIM CHI

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/260911/cung-hanh-dong-vi-quyen-va-su-lua-chon-cua-phu-nu-va-tre-em-gai.html