Cùng dạo bước qua các vùng đất của sơn mài

Triển lãm 'Dạo bước qua các vùng đất của sơn mài' mang đến một không gian vừa đủ để người yêu nghệ thuật có thể tìm hiểu về tranh sơn mài một cách nhẹ nhàng cũng như cách ta thư thả đi bộ, vừa thưởng thức và cũng vừa đủ thời gian để nhận thấy nhiều cách tiếp cận nghệ thuật sơn mài trên con đường phát triển chung của nó.

Triển lãm "Dạo bước qua các vùng đất của sơn mài” nhận được sự quan tâm của đông đảo công chúng yêu nghệ thuật.

Sơn mài là chất liệu hội họa độc đáo của Việt Nam, cùng với tranh lụa, những tác phẩm tranh sơn mài đang góp phần định hình, làm nên diện mạo của nghệ thuật hội họa Việt Nam hiện đại. Trong đó, sơn mài có một vị trí rất quan trọng, có những thời điểm, loại hình này ở vị trí gần như hàng đầu, đi trước trong nghệ thuật tạo hình ở nước ta.

Sơn mài phù hợp với tâm hồn Á Đông, vốn mạnh về diễn đạt đời sống bên trong con người nghệ sĩ. Từ những sự hỗn độn của thế giới hỗn mang tới vẻ đẹp tĩnh lặng đậm chất thiền đều có thể biểu đạt bằng chất liệu đặc biệt này.

Ngày nay, bảng màu sơn mài đã có tới hàng trăm màu sơn, dễ dàng đáp ứng nhu cầu được tự do biểu đạt của họa sĩ. Những màu sắc mới, ngôn ngữ nghệ thuật hiện đại được thể hiện bằng chất liệu sơn truyền thống đã tạo ra nét tươi mới cho nghệ thuật sơn mài.

Triển lãm được khai mạc chiều 2.8 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Triển lãm Dạo bước qua các vùng đất của sơn mài trưng bày gần 30 tác phẩm sơn mài tiêu biểu của 10 họa sĩ – những cái tên không còn xa lạ trong giới mỹ thuật: Lý Trực Sơn, Nguyễn Quang Trung, Phan Cẩm Thượng, Triệu Khắc Tiến, Vũ Văn Tịch, Nguyễn Thị Nguyệt, Nguyễn Thị Quế, Đỗ Thị Kim Đoan, Nguyễn Xuân Lục, Phạm Trà My.

Họa sĩ Phan Cẩm Thượng xuất hiện trong triển lãm như một đại diện cho việc kế thừa lối sơn thếp cổ, đưa vào trong các sáng tác nghệ thuật trên sơn mài.

Họa sĩ Phan Cẩm Thượng từng chia sẻ: “Tôi làm sơn mài theo lối người ta làm tượng Phật cổ. Lối này có các tiêu chí rõ ràng như khối phải đầy, mầu phải no, đạt đến độ đẹp vàng son, ngon mật mỡ mới chịu thôi. Sơn ta kiểu cũ thì lâu khô nhưng cho hiệu quả trong như nước. Nhưng cuối cùng thì nên hiểu rằng sơn mài là lối vẽ, chứ không phải là vật liệu, vật liệu thì không nói lên điều gì cả”.

“Quan âm thị kính” (60x220cm) tranh sơn mài trên vóc của họa sĩ Phan Cẩm Thượng.

Lý Trực Sơn – một trong những họa sĩ có ảnh hưởng lớn tới nghệ thuật sơn mài Việt Nam đương thời, ông cũng là người thành lập nhóm “Sơn ta” có sự tham gia và ủng hộ của hầu hết các họa sĩ theo đuổi sơn mài chuyên nghiệp tại miền Bắc. Có thể thấy sơn mài của Lý Trực Sơn lấy cơ sở từ gốm Lý Trần và giấy dó, lấy tinh thần và nét vẽ trên gốm, nhưng hoàn toàn theo xu hướng hiện đại.

Triệu Khắc Tiến – tiến sĩ chuyên ngành về nghệ thuật sơn mài duy nhất tại Việt Nam vào thời điểm hiện tại thì mong muốn chuẩn hóa các kỹ thuật sơn ta, nhằm tăng độ bền và mở rộng biên độ chất liệu. Ông cũng là đại diện của Việt Nam trong hầu hết các hội thảo về sơn mài quốc tế.

Dùng ngôn ngữ sơn mài thể hiện những tác phẩm với ý tưởng giản đơn, vô thường nhưng đậm tính triết học như hình ảnh hạt bụi, những vệt sáng nhòa vụt trong không gian… để trong đó, họa sĩ trẻ Nguyễn Xuân Lục thấy được bản ngã của chính mình, với đối lập bao la vô tận nơi vũ trụ và cô đơn con người, cùng sự chiêm nghiệm về nghề, về đam mê.

Công chúng tham quan triển lãm.

Giám tuyển của cuộc triển lãm Vân Vi chia sẻ: “Những nghệ sĩ này đều đang khai phá sơn mài theo những cách riêng của bản thân mình. Họ tiếp cận sơn mài theo những quan điểm nghệ thuật riêng, thậm chí hoàn toàn trái ngược, kế thừa cổ truyền hay bác bỏ, để chất liệu dẫn dắt, làm chủ hay hội thoại, phải quy chuẩn hóa về mặt kỹ thuật rồi mới khai phá, hay là cứ khai phá rồi sẽ tìm tiếp… và chúng tôi dành toàn bộ sự thưởng thức thành quả nghệ thuật của họ, cùng những sự thống nhất cũng như khác biệt cho người xem đánh giá”.

Tại khai mạc triển lãm, họa sĩ Lý Trực Sơn chia sẻ, sơn mài hiện nay có được số lượng họa sĩ tham gia rất đông, có thể nhận định là đông nhất từ trước đến nay, chúng ta cũng có nhiều bạn nghề đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc. Việc sơn mài nhận được sự quan tâm như vậy là một tín hiệu đáng mừng cho thấy sơn mài Việt Nam không còn đơn độc nhưng nó cũng đặt ra nhiều thách thức để giữ được sự độc đáo.

“Chúng ta may mắn khi được kế thừa một di sản quý giá của mỹ thuật Đông Dương, nó đã tạo nên một gương mặt riêng cho mỹ thuật Việt Nam. Mong rằng sơn mài Việt Nam trong con đường phát triển của mình, sẽ tiếp nối được tinh thần hội họa của những bậc tiền bối đi trước”, họa sĩ Lý Trực Sơn kỳ vọng.

Ngân hà (92x73cm) bộ tranh sơn mài trên vóc của họa sĩ Lý Trực Sơn.

Vườn mộng mơ (120x240cm) của họa sĩ Phạm Trà My.

Đúng như tên gọi của mình, đến với triển lãm có thể người xem sẽ không thấy hết được những chi tiết, cũng như toàn cảnh của nghệ thuật sơn mài nhưng như một chuyến đi bộ thư thái, đây sẽ là một cơ hội để công chúng có thể tìm hiểu tranh sơn mài một cách nhẹ nhàng, để thưởng thức những ngả đường phong cách sơn mài khác nhau.

Dòng chảy (42x42cm) của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Hoa sen (110cmx140cm) của họa sĩ Nguyễn Thị Quế.

Chuếnh choáng (60x80cm) của họa sĩ Nguyễn Thị Thúy Nguyệt.

Xuân núi rừng (35x53cm) của họa sĩ Triệu Khắc Tiến.

Triển lãm diễn ra từ ngày 2-8.8, tại tầng 1 nhà B - Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Bài và ảnh: Tùng Lâm

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/cung-dao-buoc-qua-cac-vung-dat-cua-son-mai-40482.html