Cử tri TP.HCM: Một số vụ án tham nhũng lớn xử lý chưa triệt để

Tại buổi tiếp xúc cử tri Quận 3 trước kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV của Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM- đơn vị 2, diễn ra sáng nay (3/10), cử tri có nhiều lượt ý kiến về công tác phòng chống tham nhũng, công tác cán bộ…

Cử tri Lâm Ngọc Mạnh nêu ý kiến

Một số vụ án lớn còn xử lý chậm, chưa triệt để

Cử tri cho rằng, hiện nay công tác phòng chống tham nhũng đã và đang được Đảng, Nhà nước làm rất quyết liệt, hiệu quả. Cử tri mong muốn cần xử lý mạnh mẽ hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, triệt để, dứt điểm và xử lý các nhóm lợi ích.

Cử tri Lâm Ngọc Mạnh băn khoăn khi hiện nay một số vụ án lớn xử lý còn chưa triệt để, kéo dài: "Để giải quyết dứt điểm thì theo tôi cần phải xử lý mối quan hệ, nguyên nhân gây ra tham nhũng và tiêu cực với phương châm là giám sát chặt chẽ việc thực hiện pháp luật có đúng thực chất không. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không nhẹ trên nặng dưới, xử lý có đúng người đúng tội chưa?"

Cử tri Nguyễn Hữu Châu (phải) trao đổi với bà Trần Kim Yến và Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức

Cử tri Nguyễn Hữu Châu thì quan tâm đến công tác tổ chức, quản lý cán bộ khi hiện nay vẫn còn một bộ phận cán bộ “không thuộc bài, không đúng vai”, nhiều cán bộ sợ sai.

Chấn chỉnh tình trạng cán bộ “không đúng vai, không thuộc bài”

Đồng tình với ý kiến của cử tri Lâm Ngọc Mạnh, Đại biểu Quốc hội Trần Kim Yến, Chủ tịch UB MTTQ Việt Nam TP.HCM cho biết, trong những năm gần đây, việc xử lý các vụ án tham nhũng hiện đang được các cấp làm rất quyết liệt. Các vụ án rất lớn được đưa vào diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo dõi và xử lý.

TP.HCM cũng thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng tiêu cực để theo dõi, phân loại theo quy mô thẩm quyền giải quyết. Bà Trần Kim Yến khẳng định, việc xử lý các vụ án tham nhũng nghiêm minh đã ảnh hưởng tích cực đến dư luận xã hội, giúp đội ngũ cán bộ nghiêm túc thực thi chức trách, nhiệm vụ của mình.

ĐBQH Trần Kim Yến

Theo bà Trần Kim Yến, Bộ Chính trị cũng nhìn thấy được điều này và đã ban hành Kết luận 14 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung để cán bộ an tâm xử lý những vấn đề luật chưa có hoặc đã có mà chưa phù hợp: "Cũng có dư luận cho rằng, việc xử lý nghiêm như vậy làm cán bộ chùn tay, không làm hết chức trách nhiệm vụ của mình. Trên thực tế cũng có một bộ phận nhỏ cán bộ thấy xử lý quá nghiêm khắc làm họ không dám thực hiện. Tuy nhiên chỉ không dám với những đồng chí nào có tư tưởng làm sai thôi".

ĐBQH Đỗ Đức Hiển

Đại biểu Đỗ Đức Hiển, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng cho rằng, đúng là hiện nay có tình trạng một bộ phận cán bộ chưa "đúng vai, thuộc bài", e sợ, đùn đẩy. Theo ông Hiển, việc xác định nguyên nhân của vấn đề này là rất quan trọng và cần nhận diện rõ. Trung ương cũng chỉ đạo xây dựng đề án chấn chỉnh tình trạng này, rà soát các quy định pháp luật, xem lĩnh vực nào nhiều, nguyên nhân do đâu…Qua rà soát sơ bộ, đúng là có những sơ hở, chồng chéo, bất cập, vướng mắc dẫn đến cán bộ sợ sai, không dám làm. Ngoài ra còn có tình trạng hiểu pháp luật chưa đúng, áp dụng không chuẩn và cả trường hợp cố ý làm sai.

Đại biểu QH TP.HCM tiếp xúc cử tri

Liên quan đến việc thể chế hóa Kết luận 14 của Bộ Chính trị, đại biểu Đỗ Đức Hiển cho rằng, chính phủ đã ban hành Nghị định 73 theo đó đã cụ thể hóa một phần, một bước những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ liên quan đến làm sao để khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm tinh thần. Nghị định 73 vừa ban hành thể chế một bước rồi trong thời gian tới những vấn đề gì thuộc thẩm quyền của Quốc hội thẩm quyền của Ủy ban thường vụ Quốc hội nghiên cứu thì có thể chế hóa làm sao để có thể chế đồng bộ cả, xử lý nghiêm khắc nhưng cũng phải có để làm sao để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm.

Hà Khánh/VOV-TPHCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/cu-tri-tphcm-mot-so-vu-an-tham-nhung-lon-xu-ly-chua-triet-de-post1050078.vov