Cụ thể hóa hơn nữa việc thu hồi đất, đền bù và tái định cư

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cho rằng, về nguyên tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất phải cụ thể hóa được yêu cầu của Nghị quyết 18 là phải có quy định cụ thể về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để sau khi thu hồi đất thì người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.

Cụ thể hơn quyền của người sử dụng đất

Sáng 15/1, sau phiên khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội đã họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 16 chương và 260 điều (bỏ 5 điều, chỉnh lý 250 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6).

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Lê Thanh Hoàn (Đoàn Thanh Hóa) cho biết, về cơ bản ông tán thành với nhiều nội dung của dự thảo Luật Đất đai đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo tiếp thu, chỉnh lý.

Theo đại biểu, dự thảo Luật đã quy định về quyền chung của chủ sử dụng đất cho đến những quyền riêng biệt cụ thể trong những trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, quyền của chủ sử dụng đất có giới hạn như thế nào thì chưa thực sự được làm rõ.

Đại biểu Lê Thanh Hoàn phát biểu tại nghị trường. Ảnh: Quốc hội

“Bởi theo Điều 3 thì thửa đất là phần diện tích đất được giới hạn bởi ranh giới mô tả trên hồ sơ địa chính hoặc được xác định trên thực địa. Vậy ranh giới này là gì? Theo chiều ngang hay chiều dọc? Không gian hai chiều hay ba chiều thì cần phải tiếp tục được hoàn thiện.

Trong thực tế thì hầu hết chỉ xác định ranh giới theo chiều ngang, còn ranh giới theo chiều dọc thực ra chỉ tồn tại dưới dạng đường kẻ trên giấy và hầu hết không được đánh dấu trên thực địa. Trong khi tại Điều 175 Bộ luật Dân sự có quy định: Người sử dụng đất được sử dụng không gian và lòng đất theo chiều thẳng đứng từ ranh giới của thửa đất phù hợp với quy định của pháp luật”, đại biểu đoàn Thanh Hóa phân tích.

Vì vậy, đại biểu Lê Thanh Hoàn cho rằng, sửa đổi Luật lần này là cơ hội để chúng ta quy định rõ hơn về quyền chứ không phải nhấn về nghĩa vụ của người sử dụng đất đối với không gian phía trên và lòng đất; để khi thực hiện các công trình ngầm ngoài phạm vi quyển của chủ sử dụng đất thì không phải thực hiện thu hồi đất, lúc này chỉ áp dụng theo nguyên tắc trách nhiệm bồi thường ngoài hợp đồng nếu có thiệt hại xảy ra.

Để tạo cơ sở pháp lý rõ ràng về quyền của chủ sử dụng đất, đại biểu đề nghị tại Điều 26 dự thảo Luật bổ sung 1 khoản về quyền của người sử dụng đất như sau: Người sử dụng đất có quyền sử dụng vùng trời phía trên bề mặt đất và vùng đất bên dưới bề mặt đó một cách hợp lý cho việc sử dụng hợp pháp của mình theo quy định của Chính phủ.

Bên cạnh đó, đại biểu Lê Thanh Hoàn cũng góp ý về thu hồi đất tại Khoản 3 Điều 81 và loại trừ không thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp tại khoản 4 Điều 152. Đại biểu đề nghị cân nhắc quy định này, dù đây là nội dung kế thừa một phần từ Điều 106 Luật đất đai hiện hành.

Bởi quy định này trên thực tế đã gây ra nhiều khó khăn trong xử lý vi phạm trong trường hợp đất được cấp không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng, không đúng thời hạn sử dụng đất… khi người sử dụng đất đã chuyển quyền sử dụng đất cho người khác.

Theo cử tri phản ánh thì đây chính là quy định hợp thức hóa sai phạm cho hành vi vi phạm của cơ quan, người có thẩm quyền trong việc giao đất, cho thuê đất; dẫn đến việc người có quyền sử dụng đất nếu muốn lách luật sẽ chuyển nhượng ngay cho bên thứ ba, điều này tránh cho họ bị xử lý thu hồi đất về sau.

Toàn cảnh Kỳ họp. Ảnh: Quốc hội

Do đó, đại biểu Lê Thanh Hoàn đề nghị bỏ quy định loại trừ tại khoản 4 Điều 152 và chỉ áp dụng điểm d khoản 2 Điều 152 và khoản 3 Điều 81 để thu hồi giấy chứng nhận, thu hồi đất trong trường hợp cấp, giao đất không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng.

Qui định rất cụ thể về tiêu chuẩn hạ tầng kỹ thuật của khu tái định cư

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) đánh giá cao nỗ lực các cơ quan soạn thảo và thẩm tra, chỉ trong một thời gian ngắn từ sau Kỳ hợp thứ 6 đến nay đã tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội để chỉnh sửa và hoàn thiện dự thảo Luật kèm theo bản giải trình khá rõ ràng, đầy đủ về các vấn đề đã chỉnh sửa. Về cơ bản, nội dung dự thảo Luật đã khá hoàn chỉnh, có thể thông qua tại kỳ hợp này.

Theo đại biểu, về nguyên tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất phải cụ thể hóa được yêu cầu của Nghị quyết 18 là phải có quy định cụ thể về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để sau khi thu hồi đất thì người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.

Đại biểu Hoàng Văn Cường đồng tình qui định rất cụ thể về tiêu chuẩn hạ tầng kỹ thuật của khu tái định cư. Ảnh: Quốc hội

Đồng tình với qui định rất cụ thể về tiêu chuẩn hạ tầng kỹ thuật của khu tái định cư tại Điểm a, Khoản 2, Điều 110 là hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư đạt tiêu chuẩn nông thôn mới đối với khu vực nông thôn, đạt tiêu chuẩn đô thị đối với khu vực đô thị. “Tôi đề nghị, đây là tiêu chuẩn tối thiểu đối với khu tái định cư. Nếu nơi nào có điều kiện có thể xây dựng khu tái định cư khu vực nông thôn nhưng đạt chuẩn của khu đô thị mới thì càng khuyến khích chứ không giới hạn. Do vậy, tại điểm này tôi đề nghị thêm là hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư không thấp hơn tiêu chuẩn nông thôn mới đối với khu vực nông thôn, không thấp hơn tiêu chuẩn khu đô thị mới đối với khu vực đô thị”, đại biểu đoàn Hà Nội nói.

Đại biểu Hoàng Văn Cường cũng đồng tình với qui định về ưu tiên lựa chọn địa điểm của khu tái định cư tại Điểm Khoản 3. Điều 110, đồng thời đề nghị bổ sung thêm một điểm là: “Ưu tiện khu đất được quy hoạch đất ở có vị trí thuận lợi nhất ở địa bàn được lựa chọn làm khu tái định cư”, nhằm tránh tình trạng, có địa phương dành quĩ đất được qui hoạch đất ở có vị trí thuận lợi nhất cho đấu giá để thu tiền, còn khu xa, khó khăn không ai muốn mua thì bố trí khu tái định cư.

Đại biểu cũng dẫn chứng bài học thực tế là các dự án tái định cư đường Vành đai 4 Hà Nội đang thực hiện danh vị trí thuận lợi nhất cho tái định cư và xây dựng hạ tầng khu tái định cư ở nông thôn ngoại thành nhưng như tiêu chuẩn khu đô thị mới, nên người dân phải di dời chỗ ở rất đồng tình ủng hộ.

Đại biểu Hoàng Văn Cường cũng đánh giá cao qui định tài Khoản 4, Điều 91 thể hiện rất rõ trách nhiệm của Nhà nước đối với người có đất bị thu hồi là: Nhà nước có trách nhiệm hỗ trợ cho người có đất thu hồi, chủ sở hữu tài sản để tạo điều kiện cho người có đất thu hồi, chủ sở hữu tài sản có việc làm, có thu nhập, ổn định đời sống, sản xuất. Đồng thời, đại biểu đề nghị bổ sung thêm vào Khoản 21 điều 79 thêm một nội dung là, thu hồi đất tạo mặt bằng sản xuất kinh doanh cho người có đất bị thu hồi.

Phương Thảo

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/cu-the-hoa-hon-nua-viec-thu-hoi-dat-den-bu-va-tai-dinh-cu-165019.html