'Cụ Mết' gặp Bác Hồ

Bây giờ thì nhiều người đã biết nhân vật 'cụ Mết' trong tác phẩm 'Rừng xà nu' của nhà văn Nguyên Ngọc vốn được xây dựng từ một nguyên mẫu có thật, đó là ông A Mét. Ông tên thật là Đinh Môn, quê ở làng Xốp Nghét, xã Đak Choong (nay là xã Xốp, huyện Đak Glei, tỉnh Kon Tum). Cuộc đời ông là bản hùng ca tiêu biểu của con người Tây Nguyên bất khuất. Năm 1954, ông cùng vợ, con trai Đinh Rươn tập kết ra Bắc và được gặp Bác Hồ.

Điều đặc biệt của cuộc gặp ấy là bên cạnh tình thương yêu dành cho những người con miền Nam, ông đã được nhận từ Bác lời dạy bảo thật giản dị mà sâu sắc như chân lý. Lời dạy đó đã trở thành phương châm hành động trọn cuộc đời ông. Chuyện về cuộc gặp gỡ thiêng liêng đó tôi đã được ông kể cho nghe đúng vào ngày sinh của Bác, cách nay đã hơn 30 năm.

Tập kết ra Bắc, cũng như nhiều cán bộ Tây Nguyên thời ấy, Đinh Môn chưa biết chữ (sau này trong lý lịch ghi là trình độ văn hóa lớp 1 nhưng thực ra ông chỉ biết viết mỗi chữ “A Mét”). Tuy nhiên, ông vẫn được giao làm Hội trưởng Hội đồng Dân tộc Xê Đăng-Giẻ-Triêng. Dù 4 năm đã trôi qua trên đất thủ đô nhưng ông vẫn không thể quen được sự ồn ã, chật chội của cuộc sống phố phường. Trong lúc đó thì qua đài, báo, ông biết đồng bào đang bị Mỹ-Diệm “tố Cộng” khốc liệt, giết hại dã man. Lòng như lửa đốt, tháng 4-1959, ông nằng nặc xin về quê chiến đấu. Tổ chức không đồng ý vì đang chuẩn bị cho ông đi học; hơn nữa vợ ông, bà Y Roan mới mất, con lại còn nhỏ. Vậy là ông quyết định lên Phủ Chủ tịch xin gặp Bác để “khiếu nại”.

Hôm đó, ông được Bác mời cơm, cùng dự còn có Anh hùng Núp. Mở đầu câu chuyện, Bác hỏi: “Chắc chú nhớ quê hương lắm phải không?”. Ông “dạ”. Bác nhìn ông và Anh hùng Núp, đôi mắt chợt xa xăm: “Bác cũng rất nhớ miền Nam!”.

Chân dung ông A Mét. Ảnh: N.T

Bác gắp thức ăn vào bát cho 2 người. Cử chỉ đó khiến ông cảm động, cứ bưng mãi bát cơm trong tay. Thấy vậy, Bác cười: “Chú xin về quê đánh Mỹ thì phải ăn khỏe vào mới có sức vượt Trường Sơn được chứ”. Rồi Bác hỏi tình hình dân làng lúc ông đi tập kết sống ra sao, làm rẫy có đủ lúa ăn không, tình cảm của bà con đối với cách mạng thế nào… Bấy giờ, Đinh Môn nói tiếng phổ thông chưa thạo, Bác phải lắng nghe chăm chú mới hiểu được. Có chỗ Bác phải hỏi lại ông Núp rồi xen vào một câu đùa hóm hỉnh khiến ông cũng bật cười. Không khí đầm ấm thoải mái, ông mạnh dạn bày tỏ nỗi lòng với Bác: “Thưa Bác, cháu cũng như bà con dân làng đều tin tưởng Bác, tin tưởng cách mạng, gian khổ, hy sinh mấy cũng không sợ. Nhưng bây giờ Mỹ-ngụy không như Pháp. Chúng nhiều súng đạn, lại có cả máy bay, xe tăng mà ta thì chỉ có súng trường, lại ít thôi, không biết có đánh thắng được nó không?”.

Bác nhìn ông mỉm cười. Người lấy chiếc bát ăn cơm đậy chiếc đĩa lên, chụm mấy chiếc đũa xung quanh, nói: “Đây, Bác nói thế này để chú dễ hiểu: Hiện giờ, đồng bào miền Nam ta ví như chiếc bát đựng nước này. Đế quốc Mỹ hiện giờ như chiếc đĩa. Các chú là cán bộ ví như thanh củi. Củi cháy thì nước sôi, chiếc đĩa tất sẽ bị lật nhào… Muốn nước sôi mau, củi phải tốt, phải cháy hết mình. Đúng không nào?”. Lời Bác giản dị mà mở ra trong đầu ông một khoảng sáng. Ông đứng lên rắn rỏi: “Thưa Bác, được trở lại quê hương chiến đấu, cháu hứa sẽ làm một thanh củi cháy hết mình để nồi nước cách mạng mau sôi!”.

Đi bộ ròng rã 3 tháng dọc Trường Sơn, ông mới tới được Đak Glei. Cơ sở cách mạng bị địch phá vỡ hết, ông phải gây dựng lại từ đầu. Để giữ bí mật, ông đổi tên là A Mét. Làm Bí thư xã Xốp gây dựng lại phong trào, 1 năm sau, ông được rút lên làm Huyện đội trưởng H30. Mở đầu chiến công chống Mỹ của ông là trận đánh đồn Đak Pét thắng lớn, bắt sống 50 tên địch, thu hơn 50 khẩu súng. Năm 1968, A Mét được giao làm Chủ tịch huyện 30. Ông lẫn vào phong trào quần chúng. Hình ảnh A Mét được lưu giữ trong thời kỳ này là một ông Chủ tịch huyện cũng tham gia làm rẫy ban đêm, cũng ăn bắp, củ mì để dành gạo nuôi bộ đội và đặc biệt là cũng… không biết chữ như bao người dân thời ấy. Vận động dân chẳng lý luận to tát cao siêu gì, vậy mà mỗi lời ông là một mệnh lệnh vô điều kiện trong lòng họ.

Về hưu, cả quãng thời gian cuối đời gần 20 năm, A Mét sống với vợ chồng con trai cả Đinh Rươn. Đak Glei cho đến năm 1984 hãy còn heo hút lắm. Cả thị trấn chỉ loi thoi vài chục nếp nhà tranh, chủ yếu là giáo viên với cán bộ, công chức. Vợ chồng Đinh Rươn lúc ấy cũng rất nghèo. Một căn nhà gỗ lợp tôn fibro xi măng nhỏ xíu chênh vênh bên sườn đồi. Mảnh sân nhỏ xíu lổn nhổn sỏi đá. Ngày ngày, A Mét vẫn xuống suối cõng nước, gùi củi giúp con, lặng lẽ, khiêm nhường như chưa từng là một ông Chủ tịch huyện. Mãi sau này được hướng dẫn làm hồ sơ để đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, đợi chờ suốt mấy năm mà chẳng có tin tức gì, ông cũng chẳng bao giờ tỏ chút phàn nàn. Cho đến năm 2013, khi A Mét đã là người thiên cổ thì mới có quyết định của Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Dù vậy, ông cũng đã giữ trọn lời hứa với Bác: “Làm một thanh củi cháy hết mình cho nồi nước cách mạng mau sôi!”.

NGỌC TẤN

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/742/202005/cu-met-gap-bac-ho-5683491/