'Cú huých' đào tạo giáo viên mầm non

Bà Nguyễn Hồng Nhung, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau, thông tin, Nghị định số 116/2020/NÐ-CP (Nghị định 116) quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm thật sự có ý nghĩa to lớn, thể hiện sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước đối với giáo dục và đào tạo; đồng thời, giải quyết được rất nhiều vấn đề cho những sinh viên hoàn cảnh khó khăn có nguyện vọng theo học ngành sư phạm.

“Từ sự quan tâm, cũng như giá trị mang lại của Nghị định 116, đã kéo theo chất lượng đào tạo giáo viên được đẩy mạnh và nâng lên rõ rệt, từ khâu tuyển sinh đầu vào đến việc cải tiến chương trình đào tạo và chất lượng chuẩn đầu ra... Ðến thời điểm này, tất cả sinh viên ngành giáo dục mầm non (GDMN) đang học tập tại trường đã được hưởng đầy đủ chế độ chính sách theo Nghị định 116", bà Nguyễn Hồng Nhung khẳng định.

Nghị định 116 đã tạo cú huých cho các trường đào tạo giáo viên, đặc biệt là nâng cao chất lượng nguồn tuyển. (Ảnh chụp tại Trường Mẫu giáo Ðông Thới, huyện Cái Nước). Ảnh: LÊ TUẤN

Cụ thể, sinh viên theo học ngành GDMN tại trường được Nhà nước hỗ trợ tiền học phí và hỗ trợ tiền sinh hoạt 3.630.000 đồng/tháng/sinh viên (mỗi năm học chi trả không quá 10 tháng). Trên cơ sở nhiệm vụ được giao, nhà trường đã tổ chức tuyển sinh, đào tạo GVMN theo quy chế, quy định của Bộ Giáo dục và Ðào tạo. Hiện tại, số lượng sinh viên thực học đang được thụ hưởng chế độ chính sách theo Nghị định 116 tại trường là: 174 sinh viên (khóa 2021-2024: 106 sinh viên; khóa 2022-2025: 68 sinh viên), trong đó có 3 sinh viên có đơn đề nghị không hưởng hỗ trợ tiền chi phí sinh hoạt (có ý kiến của phụ huynh), lý do dự định của gia đình có thay đổi, có thể không tham gia trực tiếp giảng dạy tại địa phương sau khi tốt nghiệp.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Hồng Nhung, do Nghị định 116 mới triển khai nên lúc đầu gặp rất nhiều khó khăn, không chỉ riêng ở tỉnh Cà Mau mà hầu hết các trường cao đẳng, đại học đào tạo sư phạm trong cả nước.

“Trường chỉ là cơ sở đào tạo, thực hiện chế độ của Nhà nước với sinh viên, như làm các thủ tục cho sinh viên được hưởng chế độ và các cam kết bồi hoàn; một số khâu khác thực hiện Nghị định 116 trường không thể chủ động được. Ðặc biệt, một số quy định trong nghị định chưa cụ thể, còn nhiều tranh luận khi đưa ra hội nghị với các trường trong cả nước. Công tác phối hợp thực hiện giữa nhà trường và các sở, ngành có liên quan rất khó khăn, lúng túng, như quy định về bồi hoàn kinh phí hỗ trợ đối với sinh viên nghỉ học, bỏ học, chuyển ngành... Cơ quan nào có trách nhiệm thu hồi kinh phí hỗ trợ sinh viên, trường hợp không thực hiện nghĩa vụ bồi hoàn thì sao...”, bà Nguyễn Hồng Nhung lý giải.

Thực hiện Nghị định 116, chất lượng đào tạo giáo viên được nâng lên rõ rệt, từ khâu tuyển sinh đầu vào đến việc cải tiến chương trình đào tạo và chất lượng chuẩn đầu ra... (Ảnh chụp tại Trường Mầm non Hữu nghị Việt Ðức, xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước). Ảnh: QUỲNH ANH

Ðây cũng chính là nỗi niềm đối với những người trong cuộc. Một sinh viên Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau đang được thụ hưởng chính sách này bày tỏ: “Khi lựa chọn ngành học này và được hỗ trợ theo Nghị định 116, tôi rất phấn khởi; sắp tới, tôi đi thực tập và khoảng tháng 5/2024 sẽ tốt nghiệp. Tuy nhiên, tôi rất lo lắng về việc buộc phải làm ở môi trường công lập tại địa phương mình cư trú hay có thể làm ở môi trường tư thục tại TP Cà Mau hay không. Hiện có rất nhiều trường tư thục đăng thông tin tuyển dụng, nếu tôi làm ở trường tư thục có phải bồi hoàn kinh phí hay không, vì khoản bồi hoàn cũng sẽ trở thành gánh nặng. Sở dĩ tôi không lựa chọn về địa phương công tác là vì sợ phải thi tuyển viên chức giáo viên, nếu không đỗ, hoặc bị cắt hợp đồng, hay địa phương không có nhu cầu tuyển dụng giáo viên thì liệu có bắt bồi hoàn kinh phí?...".

Liên quan đến vấn đề này, đại diện một trường mầm non tư thục tại TP Cà Mau cho rằng, việc sinh viên tốt nghiệp GDMN làm ở môi trường công lập hay tư thục cũng là làm trong ngành giáo dục. Thực tế, nhu cầu tuyển dụng tại các trường tư thục trên địa bàn TP Cà Mau rất nhiều, mở ra cơ hội việc làm cho sinh viên GDMN và các trường kỳ vọng nguồn nhân lực từ khóa học của Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau sắp tốt nghiệp. Do đó, mong rằng tỉnh sẽ sớm tháo gỡ điểm nghẽn để sinh viên sau tốt nghiệp có được việc làm phù hợp, không còn canh cánh nỗi lo bồi hoàn kinh phí đào tạo.

"Sắp tới, nhà trường có báo cáo cụ thể về tình hình, kết quả đào tạo của những sinh viên đang thụ hưởng chế độ chính sách theo Nghị định 116 về UBND tỉnh. Trường sẽ phối hợp với các sở, ngành để có phương án phân bổ lực lượng phù hợp và hiệu quả nhất”, bà Nguyễn Hồng Nhung cho biết thêm./.

Băng Thanh

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/-cu-huych-dao-tao-giao-vien-mam-non-a31529.html