Cty SONA thu phí trái quy định của pháp luật?

Nhiều khúc mắc giữa Cty CP Cung ứng nhân lực quốc tế và Thương mại (Cty SONA) với thực tập sinh chưa được giải quyết và những khoản phí bất thường cần được các cơ quan chức năng làm rõ trong quá trình Cty này ký hợp đồng đưa thực tập sinh đi Nhật Bản.

Theo trình bày của anh Đỗ Văn Vinh (thôn Tầm Hạ, xã Quang Lãng, huyện Phú Xuyên, Hà Nội): Anh Vinh và Cty SONA đã ký hợp đồng thực tập sinh đi thực tập tại Nhật Bản có thời hạn 3 năm và xuất cảnh vào ngày 4/3/2015.

Sau 2 năm làm việc tại Nhật, ngày 10/3/2017, anh Vinh cùng hai thực tập sinh khác là anh Lê Anh Hà (thôn Tầm Hạ, xã Quang Lãng, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) và anh Trần Quốc Đại (Lang Xá, Mỹ Tiến, Mỹ Lộc, Nam Định) về nước trước hạn. Khi về nước, anh Vinh đã gửi đơn xin thanh lý hợp đồng.

Các thực tập sinh Đỗ Văn Vinh, Lê Anh Hà, Trần Quốc Đại cho rằng Cty SONA thu các khoản phí trái quy định của pháp luật

Trong quá trình chờ thanh lý hợp đồng, anh Vinh đã nghiên cứu tài liệu và phát hiện nhiều điều bất thường. Trong Công văn số 4732 ngày 18/11/2015 với nội dung “Chấn chỉnh hoạt động đưa thực tập sinh Việt Nam sang Nhật Bản”, Bộ LĐTB&XH yêu cầu doanh nghiệp được phép thu của thực tập sinh các khoản phí không quá 3.600 USD/người/hợp đồng 3 năm; không quá 1.200 USD/người/hợp đồng 1 năm;… Tuy nhiên, trước khi xuất cảnh, anh Vinh và gia đình đã phải nộp cho Cty SONA tổng số tiền 170.610.000 đồng (tương đương 7.950 USD), trong đó, có 84.000.000 đồng tiền ký quỹ, 72.100.000 đồng và 14.510.000 đồng tiền chi phí xuất cảnh. Theo anh Vinh, thu như vậy là trái quy định của pháp luật.

Không những thế, khi nộp tiền, cùng một khoản thu có nội dung là nộp tiền chi phí xuất cảnh đi thực tập sinh tại Nhật Bản nhưng lại được ghi vào 2 phiếu thu khác nhau 72.100.000 đồng và 14.510.000 đồng trong cùng ngày 25/2/2015.

Phiếu thu số tiền bị cho là trái quy định của pháp luật

Ngoài ra, trong thời gian thực hành kỹ năng tại Nhật Bản, anh Vinh được Nghiệp đoàn Eco. Lead Cooperatives Nhật Bản (Nghiệp đoàn) thông báo rằng chi phí về đào tạo, tiền vé máy bay đã được Nghiệp đoàn đài thọ và do đây là chương trình tiếp nhận thực tập sinh nên Nghiệp đoàn không thu phí môi giới từ thực tập sinh.

Từ những điều bất thường trên, anh Vinh đã gửi đơn đến Bộ LĐTB&XH cùng các cơ quan chức năng khác, đề nghị làm rõ những dấu hiệu bất thường trong việc đưa thực tập sinh đi Nhật Bản của Cty SONA.

Mới đây, trao đổi với báo điện tử Congluan.vn, bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Phó TGĐ Cty SONA cho biết, Cty đang trong quá trình thực hiện thanh lý hợp đồng theo đơn của anh Đỗ Văn Vinh cũng như các thực tập sinh khác.

Về nội dung anh Vinh phản ánh Cty SONA có thu các khoản phí cao hơn so với quy định, bà Nga lý giải, ngoài tiền ký quỹ, Cty thu hai khoản tiền khác nhau; trong đó, 72.100.000 đồng là bao gồm phí dịch vụ xuất khẩu lao động, Visa, phí môi giới, quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước theo quy định.

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga – Phó TGĐ Cty SONA.

Giải thích về khoản tiền 14.510.000 đồng ngoài quy định, bà Nga cho biết khoản tiền đó bao gồm: phí dịch thuật hồ sơ giấy tờ, bằng cấp; phí làm phiếu phái cử. “Các phí dịch thuật hồ sơ này đúng ra người lao động phải tự thực hiện các việc đấy, còn nếu như họ nhờ phòng nghiệp vụ tác nghiệp thì họ sẽ phải trả phí dịch vụ” – bà Nga giải thích.

Cũng theo bà Nga, hiện nay, Cty SONA đã đưa gần 200 thực tập sinh đi Nhật Bản tương tự như trường hợp của anh Đỗ Văn Vinh. Trong số đó, có người mất phí, có người không mất phí. Số tiền phí dịch thuật, phí làm phiếu phái cử dao động từ 14 đến 17 triệu đồng mỗi người.

Như vậy, số tiền Cty SONA thu từ việc làm phí dịch thuật, phí làm phiếu phái cử cho thực tập sinh cũng không hề nhỏ. Việc này rất cần được các cơ quan có thẩm quyền của Bộ LĐTB&XH làm rõ.

Congluan.vn sẽ tiếp tục thông tin./.

Nam Biên

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/cty-sona-thu-phi-trai-quy-dinh-cua-phap-luat/