Cột mốc hàn gắn quan trọng

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đang có chuyến thăm Nhật Bản trong hai ngày (16-17.3) với mục tiêu 'lật sang chương mới' quan hệ song phương, vốn có nhiều căng thẳng liên quan đến thời kỳ Nhật Bản đô hộ bán đảo Triều Tiên, cũng như thiết lập 'mối quan hệ hướng tới tương lai' với Tokyo trước những lo ngại của Hàn Quốc từ việc mở rộng nhanh chóng chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

Căng thẳng lịch sử

Theo Al Jazeera, mối quan hệ giữa Seoul và Tokyo trở nên căng thẳng kể từ phán quyết của Hàn Quốc về lao động cưỡng bức năm 2018, yêu cầu hai công ty Nhật Bản bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân bị ép buộc phải làm việc trong các nhà máy của họ trong Thế chiến II. Lúc đó, Chính phủ Nhật Bản bác bỏ lệnh của Tòa án Tối cao Hàn Quốc, lập luận rằng tất cả khiếu nại liên quan đến thời kỳ thuộc địa 1910-1945 - khi khoảng 780.000 người Hàn Quốc bị cưỡng bức lao động, chưa kể đến số phụ nữ Hàn Quốc bị ép buộc mua vui cho các binh sĩ Nhật thời chiến - đã được giải quyết theo hiệp ước năm 1965 về bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Theo thỏa thuận đó, Nhật Bản cung cấp cho Chính phủ Hàn Quốc lúc bấy giờ khoản tài trợ và khoản vay trị giá 800 triệu USD, đồng thời tuyên bố mọi vấn đề liên quan đến tài sản, quyền và lợi ích của hai nước và người dân hai bên được coi là “đã được giải quyết hoàn toàn”.

Tuy nhiên, hiệp ước trên đã gây ra nhiều cuộc biểu tình trên toàn quốc ở Hàn Quốc, vì những người phản đối coi thỏa thuận này là nhục nhã. Sự bất bình tiếp tục trầm trọng, và đến đầu những năm 1990, các nạn nhân lao động cưỡng bức ở Hàn Quốc bắt đầu nộp đơn yêu cầu bồi thường tại tòa án.

Nguồn: shutterstock.com

Nguồn: shutterstock.com

Trong bối cảnh làn sóng phản đối kịch liệt mới ở Hàn Quốc, Nhật Bản đưa ra lời xin lỗi về hành vi xâm chiếm bán đảo Triều Tiên làm thuộc địa thời chiến của mình, với việc cựu Thủ tướng Keizo Obuchi công khai “bày tỏ hối hận và xin lỗi chân thành” vào năm 1998 vì “sự cai trị của thực dân Nhật Bản đã gây ra những thiệt hại và nỗi đau không thể chịu đựng được cho người dân Hàn Quốc”.

Năm 2015, Nhật Bản cũng thành lập quỹ đền bù cho những “phụ nữ mua vui”. Tuy nhiên, nhiều người ở Hàn Quốc không coi sự hối hận của Nhật Bản là đủ chân thành. Căng thẳng lên đến đỉnh điểm vào năm 2018, với các phán quyết của Tòa án Tối cao Hàn Quốc về lao động cưỡng bức. Để trả đũa, Nhật Bản áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với những loại hóa chất quan trọng đối với ngành công nghiệp bán dẫn Hàn Quốc.

Tháng 8.2019, Nhật Bản loại Hàn Quốc ra khỏi danh sách các đối tác thương mại đáng tin cậy được ưu đãi về thủ tục xuất khẩu. Hàn Quốc cũng có động thái đáp trả tương tự một tháng sau đó, đồng thời đệ đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nhằm vào hành vi hạn chế xuất khẩu của Nhật Bản. Thậm chí, Seoul còn đe dọa chấm dứt hiệp ước chia sẻ thông tin tình báo với Tokyo, trước khi rút lại trước áp lực từ Mỹ.

Hy vọng tan băng

Nỗ lực hàn gắn xuất hiện khi ông Yoon Suk-yeol, người theo quan điểm bảo thủ, giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc năm 2022. Kể từ khi nhậm chức, ông luôn kiên trì tìm cách hàn gắn quan hệ với Nhật Bản, với mô tả gần đây rằng Tokyo là “đối tác chia sẻ các giá trị phổ quát với chúng tôi”. Ông nhấn mạnh, hợp tác ba bên giữa Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ “đã trở nên quan trọng hơn bao giờ hết để vượt qua các mối đe dọa hạt nhân nghiêm trọng do Triều Tiên gây ra”.

Năm ngoái, Bình Nhưỡng đã bắn thử một số lượng tên lửa đạn đạo kỷ lục và được cho là đang chuẩn bị cho vụ thử hạt nhân lần thứ 7. Mới đây nhất, Seoul cho biết Triều Tiên bắn thử một “tên lửa đạn đạo tầm xa” hôm 16.3, ngay trước cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Hàn-Nhật.

Chính phủ của Tổng thống Yoon Suk-yeol nhận thấy sự cần thiết phải hợp tác với Nhật Bản về vấn đề Triều Tiên, đã bắt đầu tham vấn với các nạn nhân lao động cưỡng bức ngay sau khi nhậm chức. Đầu tháng này, Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Park Jin tiết lộ kế hoạch đề nghị bồi thường cho các nạn nhân và gia đình của họ thông qua Quỹ Hỗ trợ các nạn nhân lao động cưỡng bức do nhà nước Hàn Quốc hậu thuẫn, với số tiền có thể được đóng góp từ các công ty trong nước được hưởng lợi từ hiệp ước bình thường hóa quan hệ năm 1965. Kế hoạch này không yêu cầu các công ty Nhật Bản liên quan đến tranh chấp lao động cưỡng bức trong phán quyết năm 2018 là Nippon Steel và Mitsubishi Heavy Industries đóng góp.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol khẳng định, đề xuất trên là kết quả nỗ lực của Chính phủ nhằm “tôn trọng quan điểm của các nạn nhân, đồng thời tìm cách phù hợp với lợi ích chung và sự phát triển trong tương lai của cả Hàn Quốc và Nhật Bản”.

Trong khi đó, Chính phủ của Thủ tướng Nhật Bản Kishida bày tỏ hoan nghênh kế hoạch của Hàn Quốc, cho biết sẵn sàng ủng hộ các tuyên bố chính thức trước đây bày tỏ hối hận về hành động xâm lược thời chiến của Nhật Bản ở châu Á. Nhật Bản cũng sẽ cho phép các công ty của mình quyên góp tự nguyện cho quỹ của Hàn Quốc.

Ngay sau đó, Hàn Quốc và Nhật Bản tuyên bố đàm phán để khôi phục quan hệ thương mại. Theo Bộ Công nghiệp Hàn Quốc, họ sẽ đình chỉ vụ kiện Nhật Bản lên WTO. Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc thông tin sẽ hợp tác với đất nước mặt trời mọc để tăng cường hợp tác an ninh, trong đó có quan hệ ba bên với Mỹ.

Tuy nhiên, kế hoạch vấp phải phản đối gay gắt từ các nạn nhân của lao động cưỡng bức, những người đang tiếp tục yêu cầu các khoản thanh toán trực tiếp và lời xin lỗi từ phía Nhật Bản. Các chính trị gia đối lập thậm chí lên án nó là “ngoại giao phục tùng”. Ông Lee Jae-myung, lãnh đạo Đảng Dân chủ đối lập chính, kêu gọi Chính phủ đương nhiệm rút lại kế hoạch, làm dấy lên suy đoán về khả năng đảo lại lập trường của Hàn Quốc nếu đảng này trở lại nắm quyền.

Cuộc thăm dò ý kiến của Gallup vào đầu tuần này cũng cho thấy, gần 60% người Hàn Quốc phản đối đề xuất của tổng thống, vì nó không yêu cầu lời xin lỗi và bồi thường mới từ Nhật Bản.

Linh Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/the-gioi-24h/cot-moc-han-gan-quan-trong-i318966/