Công tác xã hội với phụ nữ và trẻ em - Kinh nghiệm của một số quốc gia

GD&TĐ - Trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm Ngày Công tác xã hội thế giới lần thứ 19, sáng 10/11, Học viện Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ quốc gia (Nafosted) tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế về Công tác xã hội với chủ đề “Công tác xã hội với phụ nữ và trẻ em - Kinh nghiệm của một số quốc gia”.

Hội thảo có sự tham dự của bà Hasanthi Urugodawatte Dissanayake - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Sri Lanka tại Việt Nam và trên 300 đại biểu là các chuyên gia, nhà nghiên cứu và giảng dạy công tác xã hội từ các cơ quan, tổ chức thuộc các quốc gia: Nga, Vương quốc Anh, Mỹ, Úc; các đại biểu đang làm việc tại các cơ quan, tổ chức tại Việt Nam các viện nghiên cứu và các trường đại học trong và ngoài nước, Hội LHPN Việt Nam, các trung tâm đào tạo, Sở LĐ-TB&XH, các cơ sở bảo trợ xã hội, các cơ quan báo chí, truyền hình.

Ban chủ trì hội thảo có TS. Trần Quang Tiến - Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam; TS. Antonina Dashkina - Chủ tịch Hiệp hội nghề CTXH Liên bang Nga; bà Nguyễn Thị Hằng - Nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hiệp hội Dạy nghề và Nghề CTXH Việt Nam; TS. Nguyễn Hải Hữu - Chủ tịch Hiệp hội các trường đào tạo nghề CTXH Việt Nam; TS. Bùi Thị Mai Đông - Trưởng khoa CTXH, Học viện Phụ nữ Việt Nam.

Hội thảo được chia thành 3 phiên, phiên chung với các chủ đề: Luật pháp chính sách và đào tạo nguồn nhân lực công tác xã hội với phụ nữ và trẻ em; hai phiên song song về các nội dung: Công tác xã hội với phụ nữ và Công tác xã hội với trẻ em.

Tại phiên hội thảo chung, các đại biểu đã tập trung trao đổi về các vấn đề: Đào tạo ngành Công tác xã hội trong các trường đại học, cao đẳng hiện nay và những định hướng trong thời gian tới; Phương pháp “Con đường nhỏ” trong vấn đề bạo lực gia đình: Hỗ trợ cho phụ nữ và trẻ em - những người phải chịu đựng bạo lực/lạm dụng trong gia đình; Điều chỉnh pháp luật trong lĩnh vực Công tác xã hội ở Liên bang Nga và Ucraina; Sức khỏe tâm thần trẻ em và thanh thiếu niên: Chương trình đào tạo ban đầu cho các nhân viên Công tác xã hội Việt Nam.

Tại phiên hội thảo Công tác xã hội với phụ nữ, các đại biểu đã nghe tham luận và chia sẻ về các nội dung: Ứng phó với bạo lực gia đình - bài học kinh nghiệm từ Úc; Thực trạng hoạt động hỗ trợ việc làm cho phụ nữ nghèo tại Yên Bái - Tiếp cận theo hướng nâng cao năng lực; Giới trong hệ thống an sinh xã hội ở Việt Nam: Từ chính sách đến thực tiễn; Quyền của phụ nữ và công tác xã hội với việc bảo vệ quyền của phụ nữ bị mua bán.

Đối với phiên hội thảo có chủ đề: Công tác xã hội với trẻ em, những nội dung chính được đề cập là: Công tác xã hội với trẻ em - Thực trạng và giải pháp; Các mô hình hỗ trợ, chăm sóc trẻ em ở cộng đồng; Dịch vụ chăm sóc thay thế theo hình thức nhận nuôi đỡ đầu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (thực trạng, xu hướng ở VN và những quy định trong Luật trẻ em 2016); Những nguyên tắc phổ quát trong chăm sóc trẻ em ở Vương quốc Anh; Tham vấn nhóm trong CTXH đối với trẻ em có khó khăn tâm lý sống trong các cơ sở bảo trợ XH.

Với mục tiêu nhằm tăng cường học hỏi, hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm với cộng đồng quốc tế và trong nước về việc thúc đẩy, phát triển nghề Công tác xã hội chuyên nghiệp, hướng tới nâng cao chất lượng, hiệu quả trợ giúp xã hội, cung cấp dịch vụ Công tác xã hội đối với các nhóm đối tượng yếu thế, đặc biệt là nhóm phụ nữ và trẻ em, hội thảo khoa học quốc tế Công tác xã hội với phụ nữ và trẻ em - Kinh nghiệm của một số quốc gia đã diễn ra thành công tốt đẹp.

Hội thảo góp phần đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác trong đào tạo nghề Công tác xã hội giữa Học viện Phụ nữ Việt Nam với mạng lưới làm nghề và đào tạo nghề CTXH trên toàn thế giới. Việc tiếp nhận, chia sẻ, học hỏi những kinh nghiệm của các chuyên gia công tác xã hội trong nước và thế giới tại hội thảo sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành Công tác xã hội Việt Nam theo hướng chuyên nghiệp hóa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/cong-tac-xa-hoi-voi-phu-nu-va-tre-em-kinh-nghiem-cua-mot-so-quoc-gia-2542972-c.html