Công tác phối hợp chống buôn lậu tại biên giới cần được chặt chẽ hơn

Vụ việc cán bộ quản lý thị trường Nguyễn Kim Danh bị bọn buôn lậu đánh tử vong để cướp lại thuốc lá lậu tại Long An một lần nữa cho thấy cuộc chiến chống buôn lậu tại biên giới vô cùng cam go mà ở đó mỗi cán bộ, chiến sỹ luôn phải đối mặt với hiểm nguy, đánh đổi bằng mồ hôi, xương máu của mình.

Công an và Hải quan Đồng Tháp tuần tra kiểm soát chung tại thị xã Hồng Ngự- tỉnh Đồng Tháp

Thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu, đầu nậu, chủ hàng thường gắn chặt tiền công, tiền vay mua hàng với các cửu vạn nên bằng mọi giá, họ phải bảo vệ “nồi cơm” của mình, kể cả việc tấn công người thi hành công vụ như vụ việc vừa qua. Thật ra, việc tấn công lực lượng chống buôn lậu thời gian qua có lúc, có nơi lắng xuống, có khi tăng lên tùy theo “sức nóng” của hàng lậu nhưng luôn tiềm ẩn sự rủi ro đối với lực lượng chức năng.

Hiện nay, hầu hết các lực lượng chức năng như Công an, Hải quan, Biên phòng, Quản lý thị trường… tại các tỉnh đều có ký kết quy chế phối hợp trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Việc ký quy chế phối hợp đã phát huy sức mạnh tổng hợp trong công tác chống buôn lậu. Mỗi lực lượng đều có thế mạnh, điểm yếu riêng, nếu biết kết hợp thì kết quả chống buôn lậu sẽ hiệu quả hơn, hạn chế được tình trạng chống người thi hành công vụ.

Như vụ việc bắt giữ hàng lậu vừa qua tại khu vực biên giới Vĩnh Hội Đông do Chi cục Hải quan cửa khẩu Vĩnh Hội Đông - Cục Hải quan An Giang kết hợp với lực lượng Công an tiến hành tuần tra kiểm soát khu vực vành đai biên giới Campuchia - Việt Nam và phát hiện một chiếc ghe máy chở lượng lớn hàng nhập lậu. Sau khi kiểm tra có dấu hiệu hàng lậu, tổ công tác yêu cầu người lái ghe điều khiển phương tiện về trụ sở Chi cục Hải quan cửa khẩu Vĩnh Hội Đông để làm rõ vụ việc nhưng đối tượng này đã không chấp hành, tiếp tục điều khiển ghe chạy về hướng Châu Đốc. Đến gần một sà lan chở cát đang đậu ven bờ, đối tượng đã cho ghe áp sát vào sà lan, buộc dây vào sà lan, tắt máy rút chìa khóa và phóng lên bờ bỏ trốn. Khoảng 10 phút sau, hơn 10 người đi vỏ lãi đến và phóng lên ghe tang vật, lăm le giựt lại hàng. Một số đối tượng có dấu hiệu kích động, chửi bới. Thấy có biểu hiện chống người thi hành công vụ, tổ kiểm soát đề nghị tăng cường thêm các lực lượng khác phối kết hợp. Hơn 20 phút sau các lực lượng Biên phòng, Công an huyện An Phú, Công an xã Vĩnh Hội Đông, Đội Kiểm soát Hải quan- Cục Hải quan An Giang đã có mặt và kịp thời triển khai phối hợp cùng Tổ kiểm soát nên nhóm người chống đối rút lui. Nếu các lực lượng hỗ trợ không có mặt kịp thời có lẽ số hàng trên đã bị giựt lại và tẩu tán.

Cũng tại địa bàn biên giới An Giang, Phòng phòng chống ma túy và tội phạm- Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang phối hợp Đồn Biên phòng Nhơn Hưng bắt một vụ vận chuyển trái phép thuốc lá qua biên giới. Trên đường đưa tang vật gồm 4 bao tải chứa 2.000 gói thuốc lá về đồn thì bất ngờ có khoảng 20 đối tượng dùng hung khí tấn công các chiến sỹ Biên phòng và cướp lại 1 bao tải chứa 500 gói thuốc lá. Tình thế cấp bách buộc tổ công tác phải bắn đạn cao su cảnh cáo để bảo vệ tang vật, bảo vệ lực lượng. Còn tại biên giới Long An đã từng xảy ra nhiều vụ các cửu vạn cướp hàng ngàn bao thuốc lá lậu sau khi kích động cư dân la hét uy hiếp lực lượng không xong, bọn chúng bỏ đi tìm các cửu vạn khác và quay lại tấn công, cướp giật thuốc lá lậu. Theo các lực lượng chức năng, khi bị phát hiện, bắt giữ hàng lậu các đối tượng thường kích động người dân la hét, uy hiếp tinh thần lực lượng chống buôn lậu để giành giật tang vật và tìm “lực lượng hỗ trợ” để hành hung, giành tang vật.

Ông Nguyễn Tấn Bửu, Phó Cục trưởng Cục Hải quan An Giang cho biết: “ Căn cứ theo quy chế phối hợp, Cục Hải quan An Giang đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc luôn lưu ý công tác phối hợp với các lực lượng chức năng như Công an, Biên phòng khi làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát bắt giữ hàng lậu. Đối với các vụ việc ngoài địa bàn hoặc phát sinh việc truy đuổi liên tục từ địa bàn hoạt động hải quan ra ngoài địa bàn phải nhanh chóng kết hợp với các lực lượng khác vừa kịp thời bắt giữ, vừa ngăn chặn tình trạng chống người thi hành công vụ”.

Hiệu quả trong công tác phối hợp chống buôn lậu thì đã rõ, nhất là các lực lượng như Công an, Biên phòng có quân số đông, được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ nhiều hơn sẽ hỗ trợ tốt cho lực lượng Hải quan, Quản lý thị trường... trong công tác chống buôn lậu, hạn chế việc tấn công để cướp giật tang vật. Tuy nhiên, theo đánh giá của các lực lượng chức năng, việc phối hợp tại khu vực biên giới có lúc vẫn còn chưa chặt chẽ, chủ yếu tập trung theo kế hoạch tuần tra chung, tuần tra định kỳ. Những việc phát sinh đột xuất hầu như “chứng kiến” là chính chứ chưa thật sự phối hợp. Nguyên nhân đầu tiên là các lực lượng chưa thật sự tin tưởng nhau, sợ lộ bí mật vì mỗi lực lượng đều dùng cơ sở bí mật hoặc cộng tác viên của riêng mình. Mặt khác, mỗi lực lượng đều có những nhiệm vụ riêng nên việc phối hợp đột xuất nhất là khi buôn lậu tấn công thường mất một khoảng thời gian nhất định các lực lượng chức năng hỗ trợ mới có mặt do việc duy trì liên hệ thường xuyên chưa được tốt.

Tất cả các lực lượng chức năng tham gia chống buôn lậu đều có quy chế phối hợp từ cấp cao như Tổng cục đến cấp cục, địa phương, quận huyện đến đồn, trạm cửa khẩu, nên việc phối hợp cần đi vào thực chất hơn, chặt chẽ hơn để phát huy sức mạnh tổng hợp trong công tác chống buôn lậu, bảo vệ lực lượng, hạn chế thấp nhất tình trạng chống người thi hành công vụ dẫn đến thương vong, mất tang vật. Mặt khác, việc duy trì thường xuyên mối quan hệ giữa các lực lượng tại biên giới cũng cần đi vào thực chất hơn và hơn hết mỗi đơn vị, mỗi cán bộ chiến sỹ thật sự tin tưởng nhau, cùng một mục đích chung là hạn chế thấp nhất tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Đăng Nguyên

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/cong-tac-phoi-hop-chong-buon-lau-tai-bien-gioi-can-duoc-chat-che-hon.aspx