Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong Quân đội: Lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật

Với sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của cấp ủy, chỉ huy các cấp cùng tinh thần trách nhiệm của cán bộ, nhân viên, chiến sĩ, 10 năm qua, toàn quân đã thực hiện hiệu quả Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) và Đề án 1371 về phát huy vai trò của lực lượng Quân đội tham gia công tác PBGDPL, vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở giai đoạn 2021-2027, lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật đến bộ đội và các tầng lớp nhân dân.

Nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả

Những năm qua, hội thi tìm hiểu pháp luật của Trung đoàn 141 (Sư đoàn 312, Quân đoàn 1) bằng hình thức sân khấu hóa đã trở thành hoạt động thường xuyên. Tại sân chơi này, cán bộ, chiến sĩ không chỉ được trau dồi kiến thức về pháp luật mà còn được thực hành các tình huống liên quan đến pháp luật, kỷ luật trong đời sống hằng ngày. Hội thi đã tạo hiệu ứng tích cực đối với bộ đội trong công tác tuyên truyền, PBGDPL tại đơn vị, giúp Trung đoàn 141 nâng cao chất lượng xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện "mẫu mực, tiêu biểu", hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Theo Trung tá Đỗ Văn Quản, Chính ủy Trung đoàn 141, hội thi tìm hiểu pháp luật là hoạt động trực quan sinh động để tuyên truyền, giáo dục pháp luật hiệu quả cho cán bộ, chiến sĩ. Qua hội thi, cấp ủy, chỉ huy đơn vị đánh giá kết quả học tập, PBGDPL, từ đó xác định các chủ trương, giải pháp nâng cao chất lượng nội dung quan trọng này trong thời gian tiếp theo. Quá trình chuẩn bị, lựa chọn, bồi dưỡng các đội tuyển là truyền thụ kiến thức pháp luật cho bộ đội, tạo ra phong trào thi đua tìm hiểu pháp luật sâu rộng trong đơn vị.

Nhận thức rõ vai trò của công tác tuyên truyền PBGDPL, 10 năm qua, Trung đoàn 141 đã triển khai nhiều mô hình hiệu quả, như: “Ngày pháp luật”; “Mỗi tuần một điều luật”, “Mỗi ngày một câu hỏi pháp luật”... Qua đó, việc học tập, tìm hiểu pháp luật đã trở thành nhu cầu thiết thân, gắn liền với đời sống, sinh hoạt và quá trình công tác, huấn luyện của cán bộ, chiến sĩ.

Chương trình tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật bằng hình thức sân khấu hóa của Trung đoàn 141, Sư đoàn 312 (Quân đoàn 1).

Không chỉ riêng Trung đoàn 141, qua 10 năm triển khai thực hiện Luật PBGDPL và hơn một năm thực hiện Đề án 1371, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân luôn chú trọng đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả, đa dạng hóa hình thức PBGDPL phù hợp với tình hình thực tiễn, đặc điểm tâm lý của cán bộ, chiến sĩ. Công tác PBGDPL được kết hợp, lồng ghép với học tập chính trị, quân sự và tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng; qua các mô hình “Tủ sách pháp luật” hay bằng hình thức sân khấu hóa, lồng ghép với biểu diễn văn nghệ... Qua đó, tình hình tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ luôn ổn định, ý thức chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng nâng cao sức mạnh tổng hợp, khả năng chiến đấu của Quân đội.

Với Đề án 1371, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân cũng luôn phát huy tinh thần chủ động, trách nhiệm, huy động tối đa nguồn lực, hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, xây dựng tinh thần thượng tôn pháp luật, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, nhất là ở địa bàn trọng yếu, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc.

Nói về Quân đội với công tác PBGDPL, ông Nguyễn Thanh Tịnh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Phó chủ tịch Hội đồng PBGDPL Trung ương đánh giá: "Có thể khẳng định, công tác PBGDPL trong Quân đội 10 năm qua được thực hiện nghiêm túc, đa dạng, hiệu quả; cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị chú trọng đổi mới nội dung, phương thức, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Từ nhận thức đúng đắn, tinh thần thượng tôn pháp luật được lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, nhân viên, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân".

Tiếp tục đẩy mạnh PBGDPL trong Quân đội

Tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật PBGDPL mới đây, Thượng tướng Võ Minh Lương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng yêu cầu các cơ quan, đơn vị tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, gắn công tác PBGDPL với tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị và nhiều phong trào thi đua của các cấp, các ngành; phát huy vai trò của những phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội trong tuyên truyền, không ngừng bồi đắp nâng cao nhận thức, ý thức thượng tôn pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Vụ Pháp chế, Bộ Quốc phòng, qua 10 năm thực hiện Luật PBGDPL và hơn một năm thực hiện Đề án 1371 vẫn còn những tồn tại, bất cập, như: Một số cơ quan, đơn vị nhận thức chưa đầy đủ về vị trí, tầm quan trọng của công tác PBGDPL; kinh phí còn hạn chế. Tại một số ít đơn vị, công tác tuyên truyền PBGDPL mang tính khô cứng, hiệu quả chưa cao, chưa phát huy được vai trò của các tổ chức, các lực lượng trong công tác PBGDPL.

Theo Thiếu tướng Trần Vinh Ngọc, Phó chính ủy Quân khu 7, các cơ quan, đơn vị phải quán triệt sâu sắc tư tưởng, quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác PBGDPL, tạo chuyển biến từ nhận thức đến hành động của cấp ủy, chỉ huy và cán bộ, nhân viên, chiến sĩ, người lao động. Kinh nghiệm từ Quân khu 7 là phải phát huy được tính chủ động, sáng tạo và tiên phong của đội ngũ cán bộ, đảng viên, chiến sĩ trong PBGDPL, coi trọng công tác bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ tuyên truyền viên, báo cáo viên pháp luật, thúc đẩy nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền PBGDPL.

Đề xuất một số giải pháp đẩy mạnh công tác PBGDPL trong Quân đội, Thiếu tướng Đỗ Thanh Phong, Phó cục trưởng Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam) cho rằng, cần phát huy tốt vai trò của các cơ quan thông tấn, báo chí Quân đội trong tuyên truyền, PBGDPL đến cán bộ, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân. Để làm tốt công tác này, các cơ quan báo chí Quân đội cần tăng cường thời lượng, đổi mới nội dung chuyên mục, có các chương trình chuyên đề về PBGDPL; tăng cường ứng dụng khoa học-công nghệ, tích cực chuyển đổi số, đa dạng hóa hình thức PBGDPL trên các loại hình báo chí, đẩy mạnh ứng dụng mạng xã hội để tiếp cận các đối tượng cần tuyên truyền, giáo dục...

Từ những kết quả mà Quân đội đã đạt được trong công tác PBGDPL, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh tin tưởng cán bộ, chiến sĩ toàn quân sẽ tiếp tục lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật đến bộ đội và nhân dân trên địa bàn đóng quân; tiếp tục đổi mới nội dung, đa dạng hóa các hình thức, cách thức triển khai, xác định rõ trọng tâm, trọng điểm trong tuyên truyền, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong công tác PBGDPL; bám sát các vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội, hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc công tác PBGDPL cho bộ đội và nhân dân.

10 năm qua, toàn quân duy trì hiệu quả gần 5.000 "tủ sách pháp luật"; in, ấn phát hành hơn 100.000 cuốn tài liệu tuyên truyền pháp luật bằng các tiếng dân tộc Mông, Nùng, Tày, Thái, Khmer...; thành lập hơn 1.500 tổ tuyên truyền pháp luật ở cơ sở; tổ chức hơn 14.300 buổi tư vấn pháp luật cho hơn 600.000 lượt quần chúng nhân dân trên địa bàn đóng quân khu vực biên giới, miền núi, vùng sâu, vùng xa...

Bài và ảnh: TRẦN ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phap-luat/cac-van-de/cong-tac-pho-bien-giao-duc-phap-luat-trong-quan-doi-lan-toa-tinh-than-thuong-ton-phap-luat-723104