Công tác hòa giải ngày càng đi vào nề nếp, có hiệu quả

Chiều 10/11, quận Tây Hồ tổ chức hội nghị Hưởng ứng Ngày pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; tổng kết 10 năm thực hiện Luật hòa giải ở cơ sở và tổng kết cuộc thi 'Hòa giải viên giỏi'; cuộc thi trực tuyến 'Tìm hiểu pháp luật về định danh điện tử và dịch vụ công trực tuyến' trên địa bàn quận năm 2023.

Nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật

Theo báo cáo của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật quận Tây Hồ, thực hiện các Kế hoạch của Trung ương, Thành phố, từ năm 2013 đến nay, hàng năm Ủy ban nhân dân (UBND) quận đều xây dựng và ban hành Kế hoạch hưởng ứng “Ngày Pháp luật” với các nội dung hoạt động cụ thể, thiết thực.

Bà Phạm Thị Thanh Hương - Phó Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật thành phố Hà Nội trao thưởng cho các tập thể có thành tích trong 10 năm thực hiện Luật hòa giải ở cơ sở.

Các hoạt động hưởng ứng được duy trì tại các cơ quan, đơn vị thông qua các hoạt động: Tìm hiểu pháp luật, triển khai các văn bản pháp luật mới, tọa đàm trao đổi những khó khăn vướng mắc trong quá trình thi hành pháp luật trong các cơ quan, đơn vị, các ngành, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hiểu biết và nắm vững quy định pháp luật trong quá trình thực hiện công vụ được giao.

UBND quận, các ngành của quận đã phối hợp với Trung tâm Chính trị quận đã tổ chức 54 lớp đào tạo, bồi dưỡng về cập nhật các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những kiến thức, kỹ năng và chuyên môn nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, kiến thức quản lý nhà nước cho cán bộ, đảng viên.

UBND các phường đã tổ chức 20 hội nghị quán triệt, phổ biến, tuyên truyền cho 2.512 lượt cán bộ, công chức, thành viên các tổ chức đoàn thể, tổ dân phố, các tổ hòa giải cơ sở về nội dung các quy định pháp luật như: Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân gia đình và một số nội dung liên quan về thừa kế và trợ giúp pháp lý, Luật Thực hiện dân chủ cơ sở, Luật Cư trú, Luật Phòng cháy chữa cháy, Luật Giao thông đường bộ, và các văn bản liên quan, an toàn thực phẩm, giáo dục kỹ năng sống cho thiếu nhi, kỹ năng hòa giải cơ sở và trợ giúp pháp lý, tuyên truyền dự thảo Luật Đất đai…

Đồng chí Nguyễn Thanh Tịnh - Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ trao thưởng cho tập thể xuất sắc trong cuộc thi "Hòa giải viên giỏi" năm 2023.

Nhằm đổi mới hình thức tuyên truyền phổ biến pháp luật, Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật quận triển khai thực hiện thí điểm mô hình “Cầu thang pháp luật” tại một số nhà chung cư trên địa bàn quận; quan tâm duy trì và nâng cao chất lượng chuyên mục “Phổ biến, giáo dục pháp luật” trên Cổng thông tin điện tử của quận.

Thông qua các hoạt động, nội dung quán triệt, phổ biến, tuyên truyền các Nghị quyết của Trung ương, các quy định của pháp luật đã góp phần quan trọng đưa pháp luật vào đời sống, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của công chức, nhân dân trên địa bàn.

Thực hiện hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở

Cùng với công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, công tác hòa giải ở cơ sở được quận thực hiện hiệu quả. Hiện nay, trên địa bàn quận Tây Hồ có 108 tổ hòa giải tại 108 tổ dân phố với 665 hòa giải viên. Trong 10 năm qua, trên địa bàn quận đã phát sinh 957 vụ việc, liên quan đến mâu thuẫn tranh chấp trong các lĩnh vực như đất đai, xây dựng, giải phóng mặt bằng, môi trường, sinh hoạt cộng đồng, các tổ hòa giải cơ sở đã tổ chức hòa giải thành 815 vụ việc, đạt 85%.

Sau 10 năm triển khai thực hiện Luật hòa giải ở cơ sở, chất lượng, tổ chức và hoạt động công tác hòa giải ngày càng đi vào nề nếp, có hiệu quả, đúng quy định của pháp luật. Công tác hòa giải trên địa bàn quận đã được quan tâm giải quyết một cách có hiệu quả.

Bà Phạm Thị Thanh Hương - Phó Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật thành phố Hà Nội trao thưởng cho các tập thể đạt giải cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về định danh điện tử và dịch vụ công trực tuyến" năm 2023.

Hoạt động hòa giải ở cơ sở đã góp phần nâng cao hiệu quả của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, góp phần hình thành trong mỗi cá nhân ý thức chấp hành pháp luật, ý thức “Sống và làm việc theo Hiến pháp và Pháp luật”; góp phần phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng địa phương ngày càng giàu mạnh, văn minh.

Năm 2023, quận Tây Hồ tổ chức cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về định danh điện tử và dịch vụ công trực tuyến”; cuộc thi “Hòa giải viên giỏi” trên địa bàn quận. Các cuộc thi nhận được sự tham gia của đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, các tuyên truyền viên pháp luật, các hòa giải viên, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, người lao động, học sinh, sinh viên và nhân dân trên địa bàn quận.

Cuộc thi đã có ý nghĩa thiết thực góp phần nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật về hòa giải và định danh điện tử, dịch vụ công trực tuyến của cán bộ, công chức, viên chức và người dân.

Đồng thời thể hiện sự sáng tạo, bứt phá, đổi mới trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật. Mở ra hướng mới trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật, xu hướng chung của phát triển khoa học công nghệ.

Phát biểu tại hội nghị, bà Phạm Thị Thanh Hương - Phó Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật thành phố Hà Nội ghi nhận, đánh giá cao những kết quả quận Tây Hồ đã đạt được.

Bà Phạm Thị Thanh Hương - Phó Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật thành phố Hà Nội phát biểu tại hội nghị.

Để tiếp tục đưa Luật phổ biến, giáo dục pháp luật đi vào cuộc sống và hoạt động Ngày Pháp luật hàng năm thực sự thiết thực, ý nghĩa, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Thành phố đề nghị quận Tây Hồ tiếp tục thực hiện hiệu quả Luật phổ biến giáo dục pháp luật, hoạt động hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam hàng năm; tiếp tục quán triệt, phổ biến, truyền thông để nâng cao nhận thức các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân trên địa bàn nhận thức về vị trí, vai trò, ý nghĩa của Hiến pháp và pháp luật. Tăng cường truyền thông chính sách pháp luật, góp phần tạo đồng thuận xã hội và đưa pháp luật vào cuộc sống.

Cùng đó, quận thường xuyên bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng phổ biến giáo dục pháp luật cho đội ngũ cán bộ làm công tác phổ biến giáo dục pháp luật, đội ngũ báo cáo, tuyên truyền viên pháp luật. Cán bộ, công chức, viên chức phải có trách nhiệm và nghĩa vụ chủ động trong tìm hiểu và gương mẫu trong thực thi pháp luật; gắn việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ với thông tin, phổ biến pháp luật tới nhân dân; đồng thời, vận động, khuyến khích công dân tìm hiểu, sử dụng, chấp hành, tuân thủ pháp luật.

Đổi mới, đa dạng nội dung hình thức, cách thức tổ chức thực hiện Ngày pháp luật với việc đổi mới công tác phổ biến giáo dục pháp luật đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tiến tới thực hiện chuyển đổi số trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật.

Để ghi nhận những thành tích của các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện Luật hòa giải ở cơ sở, tại hội nghị, 13 tập thể, 16 cá nhân được nhận khen thưởng của UBND quận Tây Hồ.

Ban tổ chức cuộc thi trao khen thưởng cho 7 tập thể đạt thành tích xuất sắc trong cuộc thi “Hòa giải viên giỏi” và 19 tập thể, 5 cá nhân đạt giải trong cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về định danh điện tử và dịch vụ công trực tuyến” năm 2023.

N.Hoa

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/cong-tac-hoa-giai-ngay-cang-di-vao-ne-nep-co-hieu-qua-162568.html