Công Phượng bị cô lập hay là sự bế tắc của báo thể thao?

Một vài hình ảnh Công Phượng gào lên xin bóng nhưng không được đồng đội chuyền cho lập tức được đẩy lên thành nghi vấn “Công Phượng bị cô lập ở tuyển U.23 VN”. Công Phượng bị cô lập hay đó chỉ là sự bế tắc của báo chí thể thao VN hiện nay?

Công Phượng đang chịu quá nhiều áp lực không mong muốn (ảnh TNO)

Có thể bạn quan tâm

Trong bóng đá một đội bóng cầu thủ không hiểu ý nhau, không chuyền bóng cho đồng đội hoặc do cách đá cá nhân, xử lý không được “sáng nước” nên xử lý những quả “tối thui” là hết sức bình thường. Có thể lấy ví dụ trường hợp của Gareth Bale tại Real Madrid thời gian rồi rất hay đá ích kỷ, cố dứt điểm chứ không chịu chuyền cho Ronaldo hay Benzema khiến cả hai “tức điên”.

Bóng đá luôn tồn tại những chuyện như thế. Nếu chỉ vì những biểu hiện một cầu thủ ra tín hiệu xin bóng song không được đồng đội chuyền cho rồi diễn ra rằng cầu thủ đó có thể bị đồng đội cô lập thì “nâng tầm quan điểm” hơi quá. Trường hợp Công Phượng ở trận đấu với U.23 Indonesia là điển hình cho kiểu vội vàng với mục đích thu hút sự độc giả, hơn là bản chất thực của câu chuyện.

Công Phượng là tiền đạo hay nhưng không phải là “ông vua” ở tuyển U.23 VN nên lúc nào các đồng đội cũng phải chăm bẵm đi phục vụ tiền đạo của HAGL, có bóng là phải chuyền cho Công Phượng. Mặt khác nếu nhìn theo góc độ chuyên môn rằng, nếu các cầu thủ U.23 VN pha bóng nào cũng xử lý tốt, chuyền quả nào “ngọt” quả đó thì có lẽ BĐVN đã dự World Cup chứ không phải lẹt đẹt ở vùng trũng Đông Nam Á.

Người hâm mộ nếu xem giải V.League ắt cũng biết, nhiều cầu thủ mang mác là “tuyển thủ quốc gia” thiếu gì những pha xử lý bóng “tối thui tối mò”. Xem bóng đá trên màn hình và đá quả bóng dưới sân là hai chuyện rất khác nhau.

Võ đoán kiểu này, quả thật tai hại vì tuyển thủ nào không phải biên chế HAGL đá với Công Phượng sẽ gặp áp lực rất lớn, bởi nếu có pha bóng ngon nhưng "lỡ" không chuyền cho Công Phượng dễ bị "cho lên thớt" (!).

Có bóng không chuyền cho Công Phượng rất dễ trở thành "tội"

Trở lại chuyện Công Phượng và nghi vấn bị cô lập nếu nhìn cả 2 trận đấu giao hữu với Hà Nội T&T và U.23 Indonesia thì cả hai trận Công Phượng đều đá tương đối tốt, ít ra cũng đáp ứng được sự mong mỏi mà khán giả luôn chờ đợi ở anh. Một vài tình huống không được đồng đội chuyền bóng cho, không nói lên được điều gì khi U.23 VN đang trong giai đoạn lắp ghép, thử nghiệm.

Khi soi Công Phượng không được đồng đội chuyền bóng cho, vậy cứ thử soi luôn Văn Toàn hay Thanh Bình có bao nhiêu tình huống di chuyển ở vị trí thuận lợi nhưng không được tuyến dưới chuyền cho. Không, dường như người ta không muốn làm chuyện đó mà chỉ muốn nhìn vào trường hợp Công Phượng. Nên biết rằng, Văn Toàn trong cả hai trận đấu đều được HLV Miura bố trí đá cùng với Tuấn Anh nhưng Văn Toàn cũng thường xuyên “xách xe không” chạy.

Không phủ nhận rằng chuyện trong bóng đá, các cầu thủ vẫn thường đá theo “dây”, tức cầu thủ này thân quen, hiểu ý với cầu thủ kia nên hay chuyền bóng, phối hợp với nhau. ĐTVN từng chứng kiến “dây” Thể Công những năm 1997-2000 mạnh đến nỗi “át hết vía” dây của Công an Hà Nội thời HLV Alferd Riedl.

Tuy nhiên, ở tuyển U.23 VN của HLV Miura chỉ mới có 10 ngày tập luyện, đá 2 trận giao hữu nhẹ nhàng mà “dựng” lên câu chuyện Công Phượng bị cô lập chỉ với vài tình huống không chuyền bóng quả thật quá “to tát”.

HLV Miura đứng ở ngoài sân xem học trò thi đấu, là người có con mắt nhà nghề, lẽ nào ông không nhìn được vấn đề gì đang diễn ra? Cầu thủ nào đá với ý đồ không tốt, liệu có thoát khỏi sự trừng phạt của ông thầy người Nhật?

“Công Phượng bị cô lập”. Câu chuyện dường như bị đẩy đi quá xa, với mục đích tạo ra điểm nhấn để hút độc giả. Chính xác hơn đó là một biểu hiện của sự bế tắc thông tin, bế tắc ý tưởng trước một nền bóng đá lẹt đẹt, nghèo nàn đến nỗi một câu chuyện nhỏ cũng đủ “chẻ sợi tóc làm tư”.

Bàn Thành

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/bong-da/cong-phuong-bi-co-lap-hay-la-su-be-tac-cua-bao-the-thao-162629.html