Công nhân làm thêm chạy Tết

GiadinhNet - Thu nhập thấp, tiền thưởng chưa có, nhiều công nhân đành tranh thủ những thời gian nghỉ để đi làm thêm bên ngoài chỉ mong kiếm thêm ít tiền về quê ăn Tết.

“Ê mặt nếu vác người không về quê”

Nguyễn Văn Hiển, 21 tuổi, quê ở Ninh Bình, làm công nhân cho công ty sản xuất hàng len (Khu công nghiệp An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội) với mức lương 1,5 triệu đồng/tháng. Hàng tháng nhận tiền lương xong, trả các khoản tiền trọ, tiền điện, tiền nước… trong túi Hiển chỉ còn được mấy trăm ngàn. Hiển tâm sự: “Với số tiền còn lại, tháng nào em cũng cố gắng cắt giảm chi tiêu nhưng có tháng đủ tháng không. Lương chừng đó chỉ đủ nuôi thân. Từ ngày đi làm em chưa một lần gửi tiền về quê phụ giúp bố mẹ”.

Nhắc đến Tết, Hiển càng lo lắng: “Em mới đi làm được 6 tháng, lương chỉ được 1,5 triệu, nếu có thưởng Tết thì cũng chỉ khoảng 3 triệu. Đây là cái Tết đầu tiên từ khi bắt đầu đi làm nên không thể vác người không về thăm bố mẹ được. Ê mặt lắm! Để kiếm thêm chút tiền mua sắm quà cho gia đình, em đành phải đi làm thêm, đụng đâu làm đó”.

Ngoài giờ làm ở công ty, Hiển đi làm thêm cho một công ty làm ống cáp. (Ảnh: P.T)

Sau mỗi giờ làm ở công ty, Hiển lại theo nhóm công nhân làm tăng ca bên ngoài đi làm phu hồ, cửu vạn. Những ngày gần đây, nhờ người quen giới thiệu, Hiển may mắn xin được làm ca cho một công ty chuyên sản xuất ống cáp. Nếu công ty chính làm ca sáng thì chiều Hiển đi làm thêm và ngược lại. “Nếu làm nửa ca ở nơi làm thêm em được 50.000 đồng. Làm cả ngày được 100.000 đồng, có khi 200.000 đồng tùy vào công việc”, Hiển nói.

Vừa thoăn thoắt làm ống, Hiển vừa nói: Là con trai lớn trong nhà nên em cũng muốn lo sắm sửa Tết cho gia đình tươm tất. Đi làm thêm bên ngoài, em cũng tích cóp được thêm khoảng 2 triệu. Nếu cố gắng làm từ giờ đến Tết thì có thể đủ mua quà cho bố mẹ, các em, dư chút ít đi chơi với bạn bè.

Cũng giống như Hiển, nhiều hôm tan ca, anh Vũ Văn Anh, quê ở Lạng Sơn, làm công nhân công ty Sumi Hanel tại KCN Sài Đồng B - Long Biên (Hà Nội) chỉ kịp về nhà trọ tắm rửa, ăn vội chén cơm rồi tất bật đi làm bảo vệ cho một công trường gần chỗ trọ. Lương công nhân của anh được gần 4 triệu đồng nếu cả tăng ca. Vợ anh mất việc nghỉ ở nhà hơn tháng nay. Mọi chi phí tiền nhà, điện nước… mỗi tháng cũng ngót nghét 2 triệu đồng. Số tiền ít ỏi còn lại phải trang trải cả tháng cho ba người. “Vợ chồng tôi đang tính kiếm việc gì làm trong mấy ngày Tết, chỉ mong kiếm thêm ít tiền gửi về cho ông bà ở quê. Lương lậu thấp như này chỉ cố gắng mua được bộ áo quần cho con, một ít quà về quê ăn Tết thôi…”, anh Văn Anh tâm sự.

Vừa sinh con vẫn mong được tăng ca

Chị Hoàng Thị Phương, quê ở Hậu Lộc (Thanh Hóa) tốt nghiệp Đại học Tài Nguyên - Môi trường nhưng chưa xin được việc làm đành xin vào làm thêm cho công ty Nissei (KCN Bắc Thăng Long). Mới làm ở công ty được gần một năm nên mức lương hàng tháng của Phương chưa đến 3 triệu đồng, chỉ vừa đủ trang trải cuộc sống.

Phương chia sẻ: “Công ty này lương cơ bản cao hơn so với các công ty ở khu vực, nhưng lại ít tăng ca nên không có thêm thu nhập. Em chỉ muốn công ty cho làm tăng ca để kiếm thêm ít tiền sắm sửa Tết. Vì ngoài tiền sinh hoạt, ăn uống cơm nước hàng ngày, còn phải sinh nhật, đi đám cưới bạn bè, rồi các khoản phát sinh khác nữa…, từng ấy tiền lo cho mình còn chưa đủ. Đến Tết rồi mà em chưa biết sắm sửa ra sao, tiền đâu đưa bố mẹ đây?”.

“Vợ chồng tôi đang tính kiếm việc gì làm trong mấy ngày Tết, chỉ mong kiếm thêm ít tiền gửi về cho ông bà ở quê. Lương lậu thấp như này chỉ cố gắng mua được bộ áo quần cho con, một ít quà về quê ăn Tết thôi…”, anh Văn Anh tâm sự.

Công ty nơi Phương làm việc quy định làm việc 1 ca/ngày (ca sáng từ 6 - 14 giờ; ca chiều từ 14 - 22 giờ). Vì không tăng ca, thu nhập thấp nên những công nhân như Phương lại tranh thủ đi làm thêm hết phụ ở quán cơm, phát tờ rơi, đóng bình cho công ty nước sạch, thậm chí còn làm giúp việc nhà theo giờ… Nhờ những công việc này, mỗi tháng Phương cũng có thêm hơn một triệu đồng. “Làm thêm tuy không cực lắm nhưng ban ngày làm ở công ty 8 tiếng rồi lại đi làm thêm nên nhiều đêm đi ngủ mà người đau nhức. Biết là không tốt cho sức khỏe nhưng vẫn phải cố vì lương thấp quá, mà chi phí cho mọi thứ thì quá cao”, Phương tâm sự.

Vào phòng trọ vợ chồng chị Hoàng Thị Hường – công nhân công ty Nissei (KCN Bắc Thăng Long) ở thôn Bầu – xã Kim Chung, thấy nỗi lo ngày Tết hằn trên gương mặt. Chị mới đi làm trở lại sau khi nghỉ sinh con nên lương tháng không được là bao. Nếu tính cả lương cả thưởng Tết năm nay, chị Hường dự trù chỉ được 3 triệu đồng. Lo lắng hơn là chồng chị vừa mất việc, phải đi làm tự do bên ngoài, thu nhập bấp bênh. Trong khi đó, mỗi tháng chị Hường phải trả 1,2 triệu đồng tiền thuê nhà. Chưa kể tiền sinh hoạt của 3 người lớn (2 vợ chồng và bà ngoại lên trông cháu) cộng đứa con nhỏ. Vì đi làm sớm nên con chị phải ăn sữa ngoài, mỗi tháng chi phí mình em bé cũng tới tiền triệu.

Để có thêm đồng dư dả sắm sửa Tết và lo cho đứa con nhỏ, vợ chồng chị Hường bàn nhau đi bán thêm hoa quả sau mỗi ca làm. Buổi sáng sớm, chồng chị Hường lại ra chợ đầu mối hoa quả Long Biên để mua hàng, sau đó hai vợ chồng thay phiên nhau đi bán. Nhiều hôm chị Hường chỉ ngủ được 3 – 4 tiếng/ngày. “Có làm thêm thì mới có đồng ra đồng vào, chứ lương tháng nào tháng đấy tiêu hết lấy đâu ra tiền về quê, tiền quà cáp, mừng tuổi cho các cháu. Rồi còn tiền tiêu khi ra Giêng nữa”, chị Hường lo lắng nói.

Phương Thuận

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/cong-nhan-lam-them-chay-tet-20130121090822575.htm