Công nghệ số, nhân lực số, dữ liệu số, điều kiện cần cho sự phát triển báo chí

'Công nghệ số, Internet và truyền thông xã hội là những cú huých mạnh mẽ giúp báo chí phát triển… Do đó, đầu tư vào công nghệ số, nhân lực số, dữ liệu số, đổi mới sáng tạo sẽ giúp báo chí phát triển hơn trong tương lai'…

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tại Diễn đàn Báo chí toàn quốc năm 2024 chiều 15/3.

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tại Diễn đàn Báo chí toàn quốc năm 2024 chiều 15/3. Diễn đàn nằm trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2024, gồm 12 phiên họp: 2 phiên toàn thể khai mạc, bế mạc và 10 phiên thảo luận với các chủ đề xoay quanh các vấn đề nóng mà báo chí đang rất quan tâm.

Đến dự phiên khai mạc diễn đàn có Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh; Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi,... cùng đông đảo các tổng biên tập cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên, chuyên gia trong lĩnh vực báo chí, truyền thông tham dự.

TẬN DỤNG CÔNG NGHỆ ĐỂ SÁNG TẠO

Tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng công nghệ số đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến lĩnh vực báo chí, truyền thông và tạo ra sự thay đổi căn bản của lĩnh vực này.

Theo đó, công nghệ số lấy đi một số việc cũ nhưng cũng tạo ra những việc mới. Do vậy, đổi mới báo chí là phải làm nhiều hơn, tốt hơn những gì báo chí đang làm hiện nay. Và không gian mạng bây giờ là trận địa chính, là trận chiến chính của báo chí. Nhờ đó, nguồn thu chính của báo chí cũng sẽ đến từ không gian mạng.

"Việc đầu tư vào công nghệ số, nhân lực số, dữ liệu số và đổi mới sáng tạo số là đầu tư vì tương lai của báo chí. Những khó khăn và vấn để của báo chí không làm giảm đi vai trò của báo chí. Việc tận dụng công nghệ số giúp cho sự sáng tạo."

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, đổi mới báo chí nằm ở chỗ báo chí phải làm hơn những gì đang làm. Báo chí cần một không gian rộng hơn. Bởi hiện nay, độc giả mong muốn biết những gì ở sau những tin tức. Đó có thể là một sự diễn giải, phân tích hoặc bình luận tin tức. Đó cũng có thể là một cái nhìn đa chiều, một sự thấu hiểu sâu sắc và trí tuệ, một sự diễn giải thú vị, đầy tính gợi mở, hoặc một giải pháp cho những vấn đề của đất nước…

“Báo chí muốn phát triển thì cần không gian mới, cần lực lượng sản xuất mới, cần nguồn lực sản xuất mới, cần yếu tố sản xuất mới và cần động lực mới. Không gian mới là không gian số. Lực lượng sản xuất mới là công nghệ số. Nguồn lực sản xuất mới là nhân lực số. Yếu tố sản xuất mới là dữ liệu số. Động lực mới là đổi mới sáng tạo số.”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, việc đầu tư vào công nghệ số, nhân lực số, dữ liệu số và đổi mới sáng tạo số là đầu tư vì tương lai của báo chí. Những khó khăn và vấn để của báo chí không làm giảm đi vai trò của báo chí. Việc tận dụng công nghệ số giúp cho sự sáng tạo.

AI CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC CHO BÁO CHÍ

Trình bày tham luận trong phiên khai mạc, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh cho rằng, báo chí đang đứng trước những thách thức cũng như cơ hội lớn. Cụ thể, đó là sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo (AI) đang góp phần cải thiện công việc của nhà báo nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất nội dung, gây ảnh hưởng đến lượt tiếp cận mỗi tờ báo.

Ngoài ra, hiện nay, báo chí thế giới cũng phải đối mặt với vấn nạn tin giả, nhiều đối tượng đã sử dụng AI để bóp méo hình ảnh, gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh.

Bên cạnh đó, việc ngày càng có nhiều thiết bị mới xuất hiện đã và đang tạo ra cơ hội lớn cho báo chí phát triển.

Do đó, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng các cơ quan báo chí cần phải thúc đẩy để ban hành những quy định pháp lý nhằm bảo vệ tài sản trí tuệ của báo chí, để không bị sử dụng và phân tích bởi các hệ thống AI mà không có sự chấp thuận và không có đền bù tài chính thỏa đáng.

"Báo chí thế giới cũng phải đối mặt với vấn nạn tin giả, nhiều đối tượng đã sử dụng AI để bóp méo hình ảnh, gây ra hậu quả nghiêm trọng."

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh.

“Các cơ quan báo chí cũng cần tìm ra thị trường ngách, thử nghiệm các mô hình kinh doanh mới; cần xác định rõ đối tượng độc giả để có thể phát triển những mô hình kinh tế báo chí với biên lợi nhuận cao,… Chẳng hạn như ngoài quảng cáo, các cơ quan cần tìm kiếm các nguồn doanh thu khác, trong đó phải coi doanh thu từ độc giả được coi là chiến lược bền vững hàng đầu”, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nêu gợi mở tháo gỡ khó khăn cho báo chí hiện nay.

Trong khuôn khổ Hội báo, các hoạt động tại không gian tương tác của Tạp chí Kinh tế Việt Nam, xu hướng mới của báo chí số sẽ được giới thiệu và triển khai ứng dụng. Đặc biệt, các độc giả và đối tác sẽ được trực tiếp trải nghiệm Askonomy - Chatbot AI - “Trợ lý thông tin kinh tế” được phát triển độc quyền bởi Tạp chí kinh tế Việt Nam/VnEconomy.

BÁO CHÍ PHÂN TÍCH, KHUYẾN NGHỊ, ĐÓNG GÓP CHO SỰ PHÁT TRIỂN TP.HCM

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định, Thành phố và Quốc gia luôn xem báo chí là một trong những lực lượng của TP.HCM.

Theo Chủ tịch UBND Thành phố, TP.HCM là trung tâm lớn về kinh tế văn hóa chính trị cả nước, là đầu tàu kinh tế, là cực tăng trưởng phía Nam... Tuy nhiên, vai trò này đang có dấu hiệu suy giảm. TP.HCM đang có 3 điểm nghẽn chiến lược là về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực. Phải tháo gỡ được những điểm nghẽn trên mới có thể đưa thành phố về đúng vị thế của mình.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi.

Ngoài ra, những hạn chế nội tại của TP.HCM như kết cấu đô thị, sự phát triển cơ học về dân số và sự phân bổ dân cư… cũng đang cản trở sự phát triển Thành phố.

"Chúng tôi mong muốn nhận được những ý kiến, góp ý, chia sẻ của các cơ quan báo chí, chuyên gia, nhà báo để TP.HCM nhận diện rõ hơn, nhận diện đúng vấn đề để đạt được những mục tiêu đề ra"

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi.

Do đó, TP.HCM mong muốn các cơ quan Trung ương và các cơ quan báo chí tiếp tục quan tâm, hỗ trợ Thành phố nhìn rõ hơn về chiến lược cũng như định hướng và các biện pháp, giải pháp sắp tới.

Đặc biệt, thời gian qua, TP.HCM đã được Bộ Chính trị định hướng phát triển thông qua Nghị quyết 31; Quốc hội cũng có Nghị quyết 98 mở ra các cơ chế cho TP.HCM và TP.HCM đang tiếp tục nghiên cứu, đề xuất nhiều cơ chế, chính sách khác.

Mặt khác, TP.HCM đang tập trung đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, các đường vành đai, cao tốc kết nối, các tuyến đường sắt đô thị, tập trung nhiều cho hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội để cải thiện tình trạng giao thông, phân bổ dân cư, giải quyết ngập nước, kẹt xe và đầu tư hạ tầng số để thúc đẩy kinh tế số, chính quyền số, xã hội số.

TP.HCM cũng đang hoàn thiện và đưa vào vận hành đề án nền công vụ TP.HCM hiệu lực, hiệu quả để xây dựng chất lượng nguồn nhân lực trong hệ thống chính trị, trong doanh nghiệp và trong người dân, góp phần nâng cao năng suất của Thành phố.

"Chúng tôi mong muốn nhận được những ý kiến, góp ý, chia sẻ của các cơ quan báo chí, chuyên gia, nhà báo để TP.HCM nhận diện rõ hơn, nhận diện đúng vấn đề để đạt được những mục tiêu đề ra", Chủ tịch UBND TP.HCM chia sẻ.

Ông Phan Văn Mãi cho hay, năm 2025 là năm kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, TP.HCM đã ban hành kế hoạch triển khai các hoạt động kỷ niệm, chào mừng, từ sáng tác văn học nghệ thuật đến phát động phong trào thi đua đặc biệt, triển khai các công trình, dự án… và tiếp tục mong muốn báo chí cùng chung tay trong những hoạt động kỷ niệm này, không chỉ ở góc độ tuyên truyền, lan tỏa thông tin mà có thể tham gia trực tiếp, sâu hơn vào các hoạt động thiết thực chào mừng ngày lễ lớn của đất nước.

Được biết, Hội Báo toàn quốc năm nay có chủ đề "Báo chí Việt Nam – Tiên phong, đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân" quy tụ hơn 600 cơ quan báo chí Trung ương và địa phương, trong đó gần 300 cơ quan báo chí và các cấp Hội Nhà báo Việt Nam tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước tham gia trưng bày báo chí, giới thiệu sản phẩm.

Hội báo năm nay cũng trưng bày giới thiệu 64 gian hàng sản phẩm OCOP và các hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc của các đơn vị, đối tác đến từ các địa phương… góp phần tăng thêm sự gắn bó giữa báo chí và doanh nghiệp, tạo không gian văn hóa mở cho các hoạt động giao lưu, quảng bá và hợp tác cùng phát triển.

Hồng Vinh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/cong-nghe-so-nhan-luc-so-du-lieu-so-dieu-kien-can-cho-su-phat-trien-bao-chi.htm