Công nghệ mới có ý nghĩa rất quan trọng về PCCC và CNCH

Theo Đại tá Lê Quang Hải, Phó Hiệu trưởng Đại học PCCC, những phương pháp, công nghệ mới về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có ý nghĩa rất quan trọng.

Báo cáo tại tọa đàm PCCC nhà cao tầng, khu công nghiệp do Ban chuyên đề Công an TP.HCM tổ chức, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an TP.HCM cho biết, đầu năm 2023, trên địa bàn thành phố có khoảng 629 công trình xây mới, cải tạo thiết kế chưa đảm bảo các điều kiện an toàn PCCC để cấp giấy thẩm duyệt thiết kế về PCCC.

Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (PC07) đã hướng dẫn chủ đầu tư, đơn vị thiết kế. Đến ngày 15/7/2023, đã có 259 công trình khắc phục xong các tồn tại và đã được nghiệm thu an toàn PCCC.

Các đại biểu tham dự tọa đàm PCCC nhà cao tầng, khu công nghiệp.

Ngoài ra, Phòng PC07 đã hướng dẫn cho 568 cơ sở không đảm bảo an toàn PCCC khắc phục các tồn tại. Kết quả, có 59 cơ sở đã khắc phục và phục hồi hoạt động (chiếm tỷ lệ 10,38%).

Công an TP.HCM cũng quán triệt tinh thần đồng hành cùng người dân, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác PCCC nhưng kiên quyết không hợp thức hóa sai phạm nhằm giảm đến mức thấp nhất nguy cơ cháy nổ.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng năm 2023, cả nước xảy ra 1.485 vụ cháy, nổ, làm 132 người chết và 115 người bị thương, thiệt hại hơn 210 tỷ đồng.

Riêng tại TP.HCM, trong 5 năm qua, thành phố xảy ra 1.532 vụ cháy, làm 80 người chết, 171 người bị thương, thiệt hại ước tính khoảng 85 tỷ đồng.

Theo đánh giá của lực lượng chức năng, những thiếu sót, vi phạm trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ cứu nạn xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trước hết, trong đầu tư xây dựng dự án, công trình.

Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa các sở, ngành chưa chặt chẽ, thống nhất, dẫn đến tình trạng còn công trình xây dựng sai quy hoạch, sai giấy phép xây dựng. Cách hiểu, cách áp dụng một số tiêu chuẩn, quy chuẩn về phòng cháy, chữa cháy chưa được toàn diện, thống nhất.

Theo Đại tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng Phòng PC07, trên địa bàn TP.HCM còn tồn tại 1.174 cơ sở thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị quyết 23 của HĐND TP quy định về xử lý các cơ sở trên địa bàn không đảm bảo yêu cầu về PCCC được đưa vào sử dụng trước ngày Luật PCCC năm 2001.

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 23 với nhiều biện pháp, giải pháp quyết liệt nhưng chỉ có 401 cơ sở (chiếm 34,2%) thực hiện các giải pháp. Trong đó đối tượng thuộc diện thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC chỉ thực hiện được 15,7% (106/681 cơ sở).

Số liệu nêu trên cho thấy, mặc dù đã có hướng mở theo Nghị quyết của HĐND TP điều chỉnh, tạo điều kiện. Tuy nhiên, trong một thời gian dài để giải quyết, tháo gỡ cho những cơ sở tồn tại do lịch sử để lại còn nhiều hạn chế.

Theo Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, để công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tồn tại vi phạm về phòng cháy, chữa cháy đạt hiệu quả cao cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương và sự đồng hành của các doanh nghiệp, tập đoàn.

Đại tá Lê Quang Hải, Phó Hiệu trưởng Đại học PCCC khẳng định, những phương pháp, công nghệ mới về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có ý nghĩa rất quan trọng.

Ông Hải cho biết, trường Đại học PCCC nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của cơ sở duy nhất được giao nhiệm vụ giáo dục đào tạo chuyên biệt, đặc biệt là trong nghiên cứu khoa học với những phương pháp, công nghệ mới trong phòng cháy, chữa cháy trong tương lai.

Quang Phong

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/cong-nghe-moi-co-y-nghia-rat-quan-trong-ve-pccc-va-cnch-2224838.html