Công khai kết quả lấy ý kiến cử tri về sáp nhập, chia tách đơn vị hành chính

Khi được cơ quan có thẩm quyền tổ chức lấy ý kiến về việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính, cử tri có quyền thể hiện ý kiến đồng ý hoặc không đồng ý vào Phiếu lấy ý kiến.

Nhằm chuẩn bị cho việc sắp xếp các đơn vị hành chính trên địa bàn Hà Nội, Sở Nội vụ thành phố Hà Nội đã hướng dẫn Ủy ban nhân dân (UBND) 20 quận, huyện, thị xã có đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp chỉ đạo các xã, phường, thị trấn lập và niêm yết danh sách cử tri từ ngày 25/2. Thời gian niêm yết tối thiểu 30 ngày.

Theo quy định tại Nghị định số 66/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 54/2018/NĐ-CP hướng dẫn việc lấy ý kiến cử tri về thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính, mọi cử tri có quyền và nghĩa vụ tham gia khi cơ quan có thẩm quyền tổ chức lấy ý kiến cử tri.

Công dân có quyền bầu cử theo quy định tại Điều 2 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân được ghi tên vào danh sách cử tri để được phát phiếu lấy ý kiến.

Cử tri nếu ở nước ngoài trở về Việt Nam trong khoảng thời gian từ sau khi danh sách cử tri do UBND cấp xã nơi đó lập đến trước thời điểm cơ quan có thẩm quyền quyết định việc tổ chức lấy ý kiến cử tri 24 giờ thì xuất trình hộ chiếu có ghi quốc tịch Việt Nam tại UBND cấp xã nơi đăng ký thường trú và đăng ký tạm trú để được ghi tên vào danh sách và phát phiếu lấy ý kiến.

Danh sách cử tri tại phường Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân được niêm yết, chuẩn bị cho việc lấy ý kiến cử tri.

Mỗi cử tri có quyền thể hiện ý kiến đồng ý hoặc không đồng ý vào Phiếu lấy ý kiến. Cử tri phải tự mình viết và ký vào Phiếu lấy ý kiến, không được nhờ người khác viết thay, trừ trường hợp cử tri không biết chữ hoặc không biết tiếng Việt, cử tri là người khuyết tật không tự đánh dấu và ký tên được, thì được nhờ người trong gia đình hoặc người thân viết hộ.

Trong thời gian tối đa 5 ngày làm việc, kể từ ngày lập báo cáo kết quả lấy ý kiến cử tri, UBND cấp tỉnh gửi Báo cáo kết quả lấy ý kiến cử tri Đề án đến Cổng thông tin điện tử Chính phủ để đăng tải.

Cũng trong thời gian tối đa 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản của UBND cấp tỉnh, Cổng thông tin điện tử Chính phủ có trách nhiệm đăng tải Báo cáo kết quả lấy ý kiến cử tri.

Ông Trần Đình Cảnh - Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội cho biết, từ ngày 27/3 đến ngày 5/4, UBND các xã, phường, thị trấn chịu ảnh hưởng của việc sắp xếp đơn vị hành chính sẽ tổ chức lấy ý kiến cử tri.

Phương án số 01/PA-UBND tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của UBND thành phố Hà Nội dự kiến có 156 xã, phường, thị trấn chịu ảnh hưởng của việc sắp xếp. Sau sắp xếp, dự kiến giảm khoảng 70 xã, phường, thị trấn.

Lãnh đạo quận Đống Đa kiểm tra việc niêm yết danh sách cử tri tại phường Kim Liên.

Theo lộ trình, từ ngày 27/3 đến ngày 10/4, đối với các xã, thị trấn: Ban Chấp hành Đảng bộ xã, thị trấn họp, thông qua Nghị quyết về việc tán thành chủ trương thành lập đơn vị hành chính mới trên cơ sở sáp nhập đơn vị hành chính. Sau đó, UBND xã, thị trấn trình Hội đồng nhân dân (HĐND) cùng cấp thông qua Nghị quyết về việc tán thành chủ trương và trình hồ sơ đề nghị sắp xếp đơn vị hành chính lên UBND huyện.

Đối với các phường: Ban Chấp hành Đảng bộ phường họp, thông qua Nghị quyết về việc tán thành chủ trương thành lập đơn vị hành chính mới, sau đó, UBND phường trình hồ sơ đề nghị lên UBND huyện.

Chậm nhất ngày 15/4, UBND quận, huyện, thị xã trình hồ sơ đề nghị sắp xếp đơn vị hành chính tới HĐND cùng cấp để tổ chức kỳ họp, ban hành Nghị quyết về việc tán thành chủ trương thành lập đơn vị hành chính mới.

Trước ngày 30/4, Sở Nội vụ phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu, tổng hợp, xây dựng hồ sơ, đề án báo cáo Ban Cán sự UBND Thành phố và UBND Thành phố để trình xin ý kiến Thường trực, Ban Thường vụ và Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố.

Theo hướng dẫn của Chính phủ, UBND các cấp có trách nhiệm thông tin, tuyên truyền về lấy ý kiến cử tri đối với việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính ở địa phương.

Các cơ quan báo chí ở địa phương có trách nhiệm tuyên truyền về lấy ý kiến cử tri, thông tin về việc tổ chức lấy ý kiến cử tri theo quy định của pháp luật, sự chỉ đạo của Chính phủ và UBND các cấp.

Phương Thảo

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/cong-khai-ket-qua-lay-y-kien-cu-tri-ve-sap-nhap-chia-tach-don-vi-hanh-chinh-167218.html