Công đoàn, Ban Nữ công cơ quan Ban Tổ chức Trung ương tham quan các di tích, thắng cảnh ở Hải Dương

Thiết thực kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 và kịp thời quan tâm đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nữ Ban Tổ chức Trung ương, ngày 9-3, Công đoàn, Ban Nữ công cơ quan đã tổ chức tham quan các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh của tỉnh Hải Dương.

Tham dự có đồng chí Nguyễn Văn Định, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ chính trị nội bộ, Chủ tịch Công đoàn cơ quan; các nữ đoàn viên Công đoàn là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cơ quan; đại diện lãnh đạo, chuyên viên Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hải Dương.

Đoàn dâng hương tại Đền Kiếp Bạc.

Trong khuôn khổ chương trình, đoàn đã đến thăm Di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc thuộc địa bàn TP. Chí Linh, được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt năm 2012. Nơi đây gồm quần thể các di tích lịch sử liên quan đến những chiến công lẫy lừng trong ba lần quân dân thời Trần đánh thắng quân xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII và trong cuộc kháng chiến 10 năm của nghĩa quân Lam Sơn chống quân Minh ở thế kỷ XV. Đây là nơi gắn liền với thân thế, sự nghiệp của các vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo cùng với nhiều danh nhân văn hóa của dân tộc: Trần Nguyên Đán, Pháp Loa, Huyền Quang… Điểm nhấn của khu di tích này là chùa Côn Sơn và đền Kiếp Bạc.

Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Chùa Côn Sơn.

Chùa Côn Sơn thuộc phường Cộng Hòa, TP. Chí Linh, là một trong những trung tâm Phật giáo của dòng thiền phái Trúc Lâm Đại Việt được Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông sáng lập ở thế kỷ XIII. Chùa kiến trúc theo kiểu chữ công, gồm Tiền đường, Thiêu lương, Thượng điện là nơi thờ Phật, trong đó có những tượng Phật từ thời Lê cao tới 3 mét.

Đền thờ Nguyễn Trãi, khởi công xây dựng ngày 14-12-2000, trên khuôn viên đất rộng gần 10.000 mét vuông, tại chân núi Ngũ Nhạc, nằm trong khu vực Thanh Hư Động và gần nơi ngày xưa từng có đền thờ bà Trần Thị Thái, thân mẫu của Nguyễn Trãi. Phía bên phải là dòng suối Côn Sơn chảy từ Bắc xuống Nam, uốn lượn từ phải qua trái, ôm lấy khu Đền.

Đền Kiếp Bạc thuộc địa phận hai thôn Dược Sơn và Vạn Kiếp, xã Hưng Đạo, TP. Chí Linh, là nơi thờ phụng Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Kiếp Bạc là tên ghép của hai vùng Vạn Yên (làng Kiếp) và Dược Sơn (làng Bạc). Đây là di tích quan trọng thuộc khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc. Khu vực đền Kiếp Bạc là một thung lũng trù phú ba phía có dãy núi Rồng bao bọc, một phía là Lục Đầu Giang. Núi tạo thành thế rồng chầu, hổ phục, sông tạo thành minh đường rộng rãi. Phía trước đền có cổng lớn có ba cửa ra vào nguy nga, đồ sộ. Trên trán cổng mặt ngoài có bốn chữ "Hưng thiên vô cực", dưới có 5 chữ "Trần Hưng Đạo Vương từ".

Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại đền thờ thầy Chu Văn An.

Đền thờ thầy Chu Văn An tọa lạc trên núi Phượng Hoàng, thuộc địa phận phường Văn An, TP. Chí Linh. Nơi đây với phong cảnh tuyệt đẹp, cũng là nơi nhiều người dân đến xin chữ mỗi khi dịp Tết đến xuân về, cầu mong một năm mới gặp nhiều may mắn, học hành thi cử đỗ đạt. Sau khi thầy Chu Văn An qua đời (1370), tại nơi thầy làm nhà dạy học đã được dựng ngôi đền thờ thầy. Sau 2 giai đoạn trùng tu, năm 2008 đền thờ Chu Văn An đã trở thành quần thể kiến trúc bề thế trang nghiêm bao gồm: tam quan nội, tam quan ngoại, sân hạ, sân trung, sân thượng, vườn cây, hai nhà giải vũ, hai nhà bia, đền thờ chính cùng những bức phù điêu chạm Long Phượng vờn mây và 112 bậc đá dẫn lên đền thờ chính. Đền đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử quốc gia năm 1998.

Các đoàn viên cũng đến thăm đền Tranh, còn gọi là đền Quan Lớn Tuần Tranh, là một ngôi đền cổ thờ vị thần sông nước cai quản khúc sông ở gần bến đò Tranh, thuộc xã Đồng Tâm, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Quan Lớn Tuần Tranh là một vị quan Tuần Phủ được giao cai quản ngã 3 sông Chanh, nơi giao nhau của 3 vùng đất Ninh Giang - Vĩnh Bảo - Thái Bình. Quan Lớn Tuần Tranh là một vị quan mẫu mực, hết lòng vì dân vì nước, bảo vệ vùng đất Ninh Giang, xây dựng cuộc sống ấm no cho người dân. Quan Lớn Tuần Tranh sống trong lòng mỗi người con Ninh Giang như một vị Thần. Để tưởng nhớ công đức to lớn của Quan Lớn Tuần Tranh, chính quyền địa phương và những người con Ninh Giang đã xây dựng ngôi đền thờ ông. Năm 2009, đền Tranh được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Ngày 4-4-2022, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký quyết định đưa Lễ hội truyền thống đền Tranh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Các đoàn viên thăm Đảo Cò.

Chiều cùng ngày, các nữ đoàn viên Công đoàn đã đến thăm Đảo cò Chi Lăng Nam (trên hồ An Dương, xã Chi Lăng Nam, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương). Với hai đảo nhỏ có diện tích trên 7000m2 ở giữa lòng hồ An Dương, Đảo Cò được phủ kín bởi một màu xanh ngát của những rặng tre và nhiều loài cây. Đó chính là nơi trú ngụ của các loại cò với số lượng gần 20.000 con. Đông nhất là cò lửa, cò ghềnh, cò bợ, cò trắng, cò diệc và cò ruồi, ngoài ra còn có nhiều vạc và chim, sinh vật khác nhau tạo nên hệ sinh thái đa dạng, hấp dẫn khách du lịch.

Thảo Nguyên

Nguồn Xây Dựng Đảng: http://www.xaydungdang.org.vn/van-hoa-xa-hoi/cong-doan-ban-nu-cong-co-quan-ban-to-chuc-trung-uong-tham-quan-cac-di-tich-thang-canh-o-hai-duong-20611