Công cụ mới trong cuộc chiến chống chuyển giá

Dự thảo Nghị định quy định về quản lý giá chuyển nhượng các giao dịch liên kết chống chuyển giá, chống thất thu ngân sách Nhà nước được Bộ Tài chính công bố và lấy ý kiến rộng rãi là dấu mốc trong công cuộc chống chuyển giá, trốn thuế đang diễn ra ngày càng tinh vi. PGS.TS Lê Xuân Trường, Trưởng Khoa Tại chức kiêm giảng viên cao cấp Bộ môn Thuế, Học viện Tài chính đã trả lời phỏng vấn Báo Hải quan về vấn đề này.

Việc lợi dụng chính sách để chuyển giá gây thất thu không nhỏ cho ngân sách Nhà nước. Theo ông việc Bộ Tài chính đưa ra dự thảo Nghị định quy định về chống chuyển giá có ý nghĩa như thế nào trong thời điểm hiện nay?

- Việc Bộ Tài chính đề xuất nâng cao hơn tính pháp lý của văn bản quy phạm pháp luật về kiểm soát chuyển giá từ Thông tư của Bộ Tài chính lên Nghị định của Chính phủ là nỗ lực đáng khen của Bộ này trong công cuộc chống chuyển giá. Cách đây 19 năm, Bộ Tài chính đã có những động thái đầu tiên nhằm kiểm soát chuyển giá. Đó chính là sự ra đời của Thông tư 74/1997/TT-BTC hướng dẫn về thuế đối với nhà đầu tư nước ngoài, sau đó là Thông tư 89/1999/TT-BTC, Thông tư 13/2001/TT-BTC và Thông tư 117/2005/TT-BTC. Các văn bản nói trên đã thể hiện tinh thần cơ bản xử lý vấn đề chuyển giá là xác định lại giá chuyển giao theo nguyên tắc giá thị trường sòng phẳng (Arm’s length price). Tuy nhiên, các văn bản nói trên chỉ dừng lại ở đối tượng áp dụng là các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mà chưa áp dụng đối với các doanh nghiệp trong nước, tức là mới chú trọng vấn đề chống chuyển giá quốc tế, chứ chưa có giải pháp về chuyển giá nội địa.

Sau đó với sự ra đời của Thông tư 66/2010/TT-BTC, lần đầu tiên ở Việt Nam một văn bản pháp lý về kiểm soát chuyển giá được áp dụng cho tất cả các loại hình doanh nghiệp, cả doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp khác. Thêm vào đó, những hạn chế, bất cập của Thông tư 117/2005/TT-BTC đã được khắc phục. Về cơ bản, các quy định và các phương pháp xác định giá thị trường của Thông tư 66/2010/TT-BTC đã phù hợp với thông lệ quốc tế. Chính nhờ có Thông tư 66/2010/TT-BTC chúng ta mới có cơ sở pháp lý để chứng minh và xử lý hành vi vi phạm về kiểm soát chuyển giá của Metro, Kengnam…

Tuy nhiên, quá trình thực hiện Thông tư 66/2010/TT-BTC cho thấy so với thực tiễn quản lý thuế đã có một số bất cập cần phải sửa đổi, bổ sung và nâng cấp văn bản pháp luật về kiểm soát chuyển giá. Như vậy, việc ban hành Nghị định về kiểm soát giá chuyển nhượng của các giao dịch liên kết và chống chuyển giá ở thời điểm này sẽ tạo ra cơ sở pháp lý vững chắc hơn cho công tác đấu tranh chống chuyển giá. Qua đó, nâng cao hiệu quả đấu tranh chống chuyển giá, chống thất thu ngân sách Nhà nước.

Theo ông việc Dự thảo yêu cầu nhiều bộ ngành cùng vào cuộc trong cuộc chiến chống chuyển giá này có ý nghĩa như thế nào?

- Quản lý thuế nói chung và kiểm soát chuyển giá nói riêng không phải là việc của riêng ngành Tài chính. Luật Quản lý thuế cũng quy định trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân trong xã hội về quản lý thuế. Vấn đề kiểm soát chuyển giá không phải là ngoại lệ. Để kiểm soát chuyển giá đòi hỏi phải có đầy đủ thông tin về các bên liên kết và các giao dịch liên kết. Thêm vào đó, nhiều vấn đề về xác định giá trị giao dịch liên kết và bản chất của các giao dịch trong nền kinh tế thị trường đòi hỏi phải có chuyên môn sâu của nhiều lĩnh vực. Bởi vậy, Dự thảo Nghị định yêu cầu nhiều bộ, ngành cùng vào cuộc trong cuộc chiến chống chuyển giá là đòi hỏi tất yếu và cũng là trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc thực hiện các chức năng quản lý nhà nước của mình. Như vậy mới có thể nâng cao hiệu quả, hiệu lực của công tác kiểm soát chuyển giá do đây là lĩnh vực rất khó khăn, phức tạp và đòi hỏi cao về chuyên môn của nhiều lĩnh vực chuyên sâu khác nhau.

Ông có thêm ý kiến bổ sung nào cho dự thảo lần này không?

- Về cơ bản, những nội dung trong Dự thảo Nghị định là khá đầy đủ, toàn diện và phù hợp với đòi hỏi thực tiễn. Để Dự thảo này phù hợp hơn nữa với yêu cầu thực tiễn về kiểm soát chuyển giá, tôi có một số đề xuất như sau:

Thứ nhất, nên bổ sung định nghĩa về các bên có quan hệ liên kết đối với trường hợp giao dịch giữa doanh nghiệp với cá nhân chứ không chỉ giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp. Theo đó, không chỉ trường hợp “Hai doanh nghiệp được điều hành hoặc chịu sự kiểm soát về nhân sự, tài chính và hoạt động kinh doanh bởi các cá nhân thuộc một trong các mối quan hệ sau: Vợ và chồng; bố, mẹ và con (không phân biệt con đẻ, con nuôi hoặc con dâu, con rể); anh, chị, em có cùng cha, mẹ (không phân biệt cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi); ông nội, bà nội và cháu nội; ông ngoại, bà ngoại và cháu ngoại; cô, chú, bác, cậu, dì ruột và cháu ruột” được coi là các bên có quan hệ liên kết mà quan hệ thân nhân như trên giữa doanh nghiệp với cá nhân cũng phải coi là quan hệ giữa các bên liên kết. Bổ sung quy định này là để ngăn ngừa chuyển giá nhằm gian lận về thuế Thu nhập doanh nghiệp và thuế Thu nhập cá nhân.

Thứ hai, cần nghiên cứu chỉnh sửa một số thuật ngữ cho dễ hiểu, thuần Việt hơn do trong Dự thảo có một số thuật ngữ tham khảo từ tài liệu quốc tế.

Thứ ba, cần bổ sung quy định về chế tài xử lý vi phạm pháp luật về chuyển giá.

Xin cảm ơn ông!

Thùy Linh (thực hiện)

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/cong-cu-moi-trong-cuoc-chien-chong-chuyen-gia.aspx