Công chứng điện tử

Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, tại Kỳ họp vào tháng 5 tới, Quốc hội sẽ cho ý kiến vào dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi). Một trong những nội dung mới của dự thảo Luật đó là bổ sung quy định về công chứng điện tử nhằm tạo cơ sở pháp lý cho chuyển đổi số trong hoạt động công chứng.

Cụ thể, dự thảo Luật (bản gửi Ủy ban Pháp luật thẩm tra sơ bộ) thiết kế 4 điều (Điều 60 đến Điều 63) về công chứng điện tử. Trong đó, định nghĩa “công chứng điện tử là việc công chứng được thực hiện bằng phương tiện điện tử để tạo lập văn bản công chứng điện tử”. Đồng thời, quy định các nguyên tắc phải tuân thủ khi tiến hành công chứng điện tử, các điều kiện cung cấp dịch vụ công chứng điện tử, quy trình và thủ tục công chứng điện tử. Dự thảo Luật cũng quy định về khái niệm, thời điểm có hiệu lực, giá trị của văn bản công chứng điện tử và việc chuyển đổi hình thức giữa văn bản công chứng điện tử và văn bản công chứng giấy; quy định hai quy trình gồm công chứng điện tử trực tiếp và công chứng điện tử trực tuyến.

Kinh tế số cần công chứng số. Từ nhiều năm nay, công chứng điện tử đã trở thành xu thế chung trong hoạt động công chứng trên toàn thế giới. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công chứng đã bắt đầu từ năm 2000 tại Trung Quốc với nhiều phần mềm phục vụ công chứng khác nhau do các tổ chức hành nghề công chứng tự xây dựng, và tại Nhật Bản với các tài liệu cá nhân, sau đó mở rộng dần phạm vi công chứng điện tử. Năm 2010, Hàn Quốc áp dụng hệ thống công chứng điện tử, cho phép xác nhận người dùng thông qua máy tính hoặc điện thoại thông minh, đến năm 2018 thì cho phép xác nhận qua hội nghị trực tuyến (video-conference)…

Có thể thấy, dù cách tiếp cận khác nhau song công chứng điện tử là “đích đến” của nhiều quốc gia và nước ta có lẽ cũng không nằm ngoài xu thế đó, nhất là khi Chính phủ đã định hướng xây dựng Chính phủ số, xã hội số và kinh tế số. Tỷ lệ dân số sử dụng internet tương đối cao, mức độ ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công chứng ở các địa phương ngày một cải thiện, và cơ sở dữ liệu dân cư đang được hoàn thiện là những điều kiện thuận lợi. Hơn thế nữa, nhu cầu công chứng điện tử là nhu cầu có thật, nhất là với người yêu cầu công chứng ở nước ngoài, thường xuyên di chuyển hoặc muốn giảm chi phí về thời gian, chi phí và công sức đi lại... Công chứng điện tử cũng là công cụ hữu hiệu, giúp cơ quan nhà nước và tổ chức công chứng quản lý hoạt động công chứng tốt hơn, hiệu quả hơn thông qua việc kiểm tra, kiểm soát các bước công chứng trong phần mềm.

Việc dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) bổ sung các quy định về công chứng điện tử là cần thiết nhằm xây dựng hành lang pháp lý cho việc thực hiện và công nhận công chứng điện tử. Tuy nhiên, các nội dung mới dừng ở việc chỉnh lý và quy định một số quy định cốt lõi nhất và giao Chính phủ quy định chi tiết về các vấn đề liên quan như lộ trình thực hiện, cơ sở dữ liệu về công chứng, yếu tố kỹ thuật, công nghệ thông tin…

Cũng phải nói thêm rằng, ngay cả khi Luật Công chứng đã quy định về công chứng điện tử thì chuyển đổi số trong hoạt động công chứng cũng không phải là hành trình đơn giản. Nạn giấy tờ giả hiện nay, nhất là giả giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản, là một trở ngại lớn khi tiến hành công chứng điện tử.

Đặc biệt nhất, khung pháp lý cho công chứng điện tử không thể chỉ gói gọn trong Luật Công chứng (sửa đổi) mà còn đòi hỏi sự thay đổi, điều chỉnh các quy định về đất đai, dân sự, nhà ở, thương mại, doanh nghiệp, thuế… theo hướng cho phép nhận và xử lý hồ sơ điện tử. Nói cách khác, để xây dựng được thể chế và thúc đẩy tiến trình công chứng điện tử, cần có sự thay đổi lớn hơn trong hệ thống pháp luật.

Hà Lan

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/cong-chung-dien-tu-i362854/