Công bố kết luận thanh tra một số dự án BT, BOT trên địa bàn Hà Nội

Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong quá trình thực hiện một số dự án theo hình thức hợp đồng BT, BOT trong lĩnh vực giao thông, môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Nhiều dự án đội vốn

Trong thông báo số 1785/TB-TTCP ngày 19/7/2017 của Thanh tra Chính phủ nêu rõ bên cạnh một số kết quả tích cực trong việc huy động nguồn lực xã hội, đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng cho Thủ đô, việc thực hiện các dự án theo hình thức BT, BOT trên địa bàn Hà Nội cũng đã để xảy ra nhiều khuyết điểm, sai phạm.

Theo kết luận thanh tra, tại thời điểm thanh tra, trong số 15 dự án BT thuộc lĩnh vực giao thông, môi trường trên địa bàn Hà Nội thì chỉ có 1 dự án được thực hiện theo hình thức đấu thầu, 14 dự án còn lại là chỉ định thầu. Một số nhà đầu tư tại thời điểm được thẩm định, đánh giá và lựa chọn để thực hiện dự án không đủ năng lực như Công ty Cổ phần Tasco dù năng lực tài chính hạn chế nhưng vẫn được lựa chọn để thực hiện dự án đường Lê Đức Thọ - Xuân Phương; hay công ty Bitexco đối với dự án bức tường bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An.

Thanh tra Chính phủ chỉ ra sai phạm tại một số dự án BT, BOT trong lĩnh vực giao thông, môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội

Theo Thanh tra Chính phủ, hầu hết các dự án đều chậm tiến độ do năng lực tài chính hoặc bố trí vốn chủ sở hữu cho dự án, không đảm bảo tiến độ giải ngân như cam kết như dự đường Lê Đức Thọ - Xuân Phương, dự án bức tường bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An; dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây cũ…

Một số nội dung đầu tư, tổng mức đầu tư, dự toán của một số dự án BT đã được UBND thành phố Hà Nội và các cơ quan trực thuộc thẩm định, phê duyệt chưa chính xác, chưa đúng chế độ quy định làm tăng tổng mức đầu tư dự án.

Cụ thể với dự án Nhà máy nước Yên Sở, Thanh tra Chính phủ phát hiện dự án được khởi công xây dựng khi chưa có kết quả thẩm tra thiết kế cơ sở của Bộ Xây dựng và thẩm tra phê duyệt công nghệ của Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội; chưa có quyết định phê duyệt dự án đầu tư tại thời điểm ký hợp đồng BT.

Dự án đường Lê Đức Thọ - Xuân Phương, Thanh tra Chính phủ phát hiện công tác lập, thẩm định, phê duyệt tổng mức đầu tư của dự án này không chính xác làm tăng giá trị hợp đồng lên hơn 19,5 tỷ đồng.

Dự án đường bao quanh khu tưởng niệm Chu Văn An do công tác lập, thẩm định, phê duyệt tổng vốn đầu tư không chính xác do tính sai khối lượng, đơn giá và định mức làm tăng tổng mức đầu tư lên hơn 12 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, công tác lập, phê duyệt dự toán thiết kế bản vẽ thi công của dự án này chưa chính xác cũng đã khiến cho số tiền tăng hơn 15,9 tỷ đồng.

Đối với dự án nút giao thông Long Biên, Thanh tra Chính phủ phát hiện hàng loạt sai phạm trong việc lập, thẩm định, phê duyệt tổng mức đầu tư làm tăng giá trị trên 34,3 tỷ đồng. Công tác lập, phê duyệt dự toán thiết kế bản vẽ thi công của dự án này chưa chính xác cũng đã khiến cho tăng thêm hơn 4,5 tỷ đồng. Công tác giải phóng mặt bằng BT, phê duyệt dự toán gói thầu di dời áp dụng đơn giá chưa phù hợp làm tăng hơn 22 triệu đồng. Bên cạnh đó, những sai sót trong việc tính toán khối lượng dự toán dẫn đến chênh lệch tăng so với giá trị thẩm định là hơn 12,3 tỷ đồng.

Đối với dự án đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên dự toán điều chỉnh tổng mức đầu tư để điều chỉnh giá trị hợp đồng BT tính toán sai khối lượng tại một số hạng mục, áp dụng đơn giá và định mức không đúng, làm sai tăng giá trị tổng mức đầu tư hơn 14,4 tỷ đồng.

Với dự án đường trục phía Nam, tỉnh Hà Tây cũ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt và tính chi phí lãi vay 920 tỷ đồng trong tổng vốn đầu tư của dự án BT là chưa có cơ sở, dẫn đến việc xác định giá trị tổng mức đầu tư của để ký hợp đồng dự án tăng sai thêm 920 tỷ, gây ảnh hướng lớn đến việc xác định giá trị để giao đất của các dự án khác đối ứng dự án BT.

Kiến nghị xử lý của Thanh tra Chính phủ

Trước những sai phạm về dự án các dự án theo hình thức BT, BOT trên địa bàn Hà Nội, về xử lý kinh tế, Thanh tra Chính phủ kiến nghị giảm trừ quyết toán đối với một số dự án, giảm trừ tổng mức đầu tư.

Cụ thể, tại dự án nhà máy nước thải Yên Sở, Thanh tra Chính phủ kiến nghị giảm trừ quyết toán 1,339 triệu USD đối với 10 phát sinh lãi vay sau ngày 8/11/2012. Kiến nghị UBND thành phố Hà Nội thẩm tra, xem xét lại hàng loạt khoản chi phí, dự toán khác, trong đó đáng chú ý là khoản chi phí bồi thường đất cho dự án nhà máy nhà máy xử lý nước thải Yên Sở với giá trị dự toán 66,4 nghìn USD; chi phí luật chung với giá trị dự toán hơn 612 nghìn USD đề nghị giảm trừ khi quyết toán vốn đầu tư; Loại khỏi giá trị dự toán đề nghị quyết toán đối với khoản hỗ trợ bồi thường giải phóng mặt bằng ngoài phương án đền bù số tiền là hơn 20,6 tỷ đồng.

Đối với dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây cũ, Thanh tra Chính phủ kiến nghị UBND thành phố Hà Nội yêu cầu Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5) nộp ngay vào ngân sách Nhà nước 1.428 tỷ đồng, bao gồm 902 tỷ đồng chi phí lãi vay và 510 tỷ đồng tiền chênh lệch giữa tiền giá trị sử dụng đất và công trình BT.

Dự án BT và dự án khu đô thị (dự án khác) đã bị chậm tiến độ, đề nghị UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các sở ngành có liên quan tham mưu lựa chọn nhà đầu tư, tiến hành xem xét, đánh giá toàn bộ năng lực tài chính của nhà đầu tư để quyết định việc tiếp tục triển khai, thực hiện và hoàn thành dự á BT.

Đối với dự án đường Lê Đức Thọ - Xuân Phương, yêu cầu UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo UBND huyện Nam Từ Liêm và nhà đầu tư là Công ty Cổ phần Tasco giảm trừ tổng mức đầu tư hơn 19,5 tỷ đồng; yêu cầu nhà đầu tư tính thêm giá trị tiền sử dụng đất để nộp vào ngân sách nhà nước hơn 11,2 tỷ đồng do áp sai suất vốn đầu tư.

Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị giảm trừ tổng mức đầu tư và loại khỏi danh mục quyết toán đối với một số dự án khác như đường bao quanh khu tưởng niệm Chu Văn An, đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên, nút giao thông trung tâm quận Long Biên.

Về công tác quản lý, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo các đơn vị quản lý kịp thời giải quyết những vướng mắc trong quá trình đầu tư dự án BT và kịp thời báo cáo xin ý kiến đối với các công việc thuộc thẩm quyển quyết định của UBND thành phố. Yêu cầu các nhà đầu tư tập trung hoàn thành đúng tiến độ các dự án BT để phục vụ yêu cầu giải tỏa ùn tắc giao thông của thành phố Hà Nội, kịp thời điều chỉnh sai sót trong việc tính toán khối lượng, áp dụng đơn giá định mức …ở các bước đầu tư xây dựng, lập hồ sơ đề nghị quyết toán theo đúng quy định của pháp luật.

Lan Trần

Nguồn Công Lý: http://congly.com.vn/xay-dung/cong-bo-ket-luan-thanh-tra-mot-so-du-an-bt-bot-tren-dia-ban-ha-noi-218592.html