Công an của nhân dân

Mặc dù cho mượn xe biển xanh phục vụ đám cưới của người dân, song lực lượng Công an TP Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) không những không bị chỉ trích về việc dùng xe công làm việc tư, mà còn được đông đảo dư luận xã hội đồng tình, ủng hộ và ca ngợi hết lời. Điều đó đúng thôi, bởi việc Công an TP Mỹ Tho quyết định cho đoàn đưa dâu mượn xe công vụ không phải vì lợi ích cá nhân, mà đơn giản là sự linh động giải quyết khó khăn cho người dân trong tình huống cấp bách.

Công an TP Mỹ Tho đã đưa ra quyết định bất ngờ là cho đoàn đưa dâu
mượn chiếc xe biển xanh của đơn vị để kịp về TP HCM làm lễ.

Chuyện chỉ đơn giản là vào sáng 20/11, khi đoàn đưa dâu từ Bến Tre về TP HCM khi qua địa phận phường 6, TP Mỹ Tho thì bị 2 kẻ trộm chó chặn lại đập phá. Mặc dù nhóm thanh niên hành hung tài xế đoàn xe đưa dâu đã bị người dân khống chế, lực lượng chức năng cũng đã có mặt can thiệp kịp thời, song chiếc xe 16 chỗ bị hư hỏng nặng không thể di chuyển tiếp. Người nhà cô dâu, chú rể cũng đã tìm mọi cách để liên hệ thuê xe nhưng không được. Trong lúc bối rối thì Công an TP Mỹ Tho đã đưa ra quyết định bất ngờ là cho đoàn đưa dâu mượn chiếc xe biển xanh của đơn vị để kịp về TP HCM làm lễ.

Vốn dĩ dân tộc ta có truyền thống tương thân, tương ái, giúp người trong lúc hoạn nạn là điều đương nhiên, song việc Phó Trưởng Công an TP Mỹ Tho, Thượng tá Phạm Thế Kim đưa ra quyết định giải quyết linh động cho đoàn đưa dâu mượn xe công vụ đã trở thành một hành động hiếm có và được dư luận xã hội hết sức coi trọng. Ngay cả cá nhân, tổ chức dân sự không bị ràng buộc bởi vô số điều cấm kỵ thì việc giúp đoàn đưa dâu không quen biết mượn một chuyến xe 16 chỗ e rằng cũng là chuyện hiếm, nói gì đến một cơ quan nhà nước, nhất là cơ quan công an.

Vì sao lại có sự khác biệt như vậy? Đơn giản thôi, bởi lẽ trong thời gian qua không chỉ các cơ quan báo chí mà ngay cả những người dân bình thường cũng đang “soi” rất kỹ việc sử dụng xe công của các cơ quan nhà nước. Người ta không đồng tình với không ít cá nhân lợi dụng chức vụ quyền hạn để lấy xe công phục vụ việc tư như đi đám cưới, đi lễ chùa, về quê... Do vậy, đa số các quan chức đều rất e dè trong việc sử dụng xe công vì sợ bị dư luận phát hiện và bêu riếu, thậm chí còn mất cả chiếc mũ ô sa trên đầu. Ấy vậy mà Thượng tá Kim lại dũng cảm đưa ra một quyết định khó khăn như vậy.

Nói là khó khăn cho nó mềm sự việc đi thôi, chứ thực chất quyết định của Phó trưởng Công an TP Mỹ Tho là hết sức “nguy hiểm” đối với bản thân ông. Nguy hiểm ở chỗ là liệu mọi người có hiểu cho tấm lòng nhân ái, hết mình phục vụ nhân dân của ông không, hay người ta chỉ nhìn vào bề nổi của sự việc là một vị Phó Trưởng Công an TP Mỹ Tho đã công khai cho phép dùng xe công vào việc tư - việc làm bị cấm lâu nay. Nếu sự việc bị hiểu theo hướng lệch lạc này há chẳng phải tự mua dây buộc mình, không cẩn thận còn mất chức.

Song, như vẫn nói ở trên, truyền thống của người Việt chúng ta là thương người như thể thương thân, người dân không phải chỉ biết nhìn vào bề nổi của sự việc mà họ cũng có chính kiến và biết nhìn sâu vào bản chất của vấn đề, đưa cách nhìn nhận khách quan, nhân văn. Đó là lý do mà thay vì “rầm rầm” phản đối, thậm chí là thóa mạ thì đại bộ phận các tầng lớp trong xã hội đều vui mừng, ca ngợi hết lời nghĩa cử cao đẹp của Công an TP Mỹ Tho. Không vui sao được khi mà Thượng tá Kim nói riêng, Công an TP Mỹ Tho nói chung đã dựng lên một hình ảnh đẹp của những chiến sĩ công an nhân dân.

Đương nhiên không chỉ có mỗi Công an TP Mỹ Tho cho đoàn đưa dâu mượn xe công vụ là hình ảnh đẹp. Trên khắp mọi miền của Tổ quốc còn nhiều hình ảnh đẹp như các chiến sĩ CSGT dẫn cụ già và em nhỏ qua đường, lực lượng CSGT đã dùng xe chuyên dụng để đưa các thí sinh tới điểm thi đại học, cao đẳng trong những mùa thi cũng để lại ấn tượng sâu sắc, tình cảm trìu mến của nhân dân.

Việc chấp nhận rủi ro cho bản thân để giúp đỡ người dân của Thượng tá Phạm Thế Kim thể hiện bản chất cao đẹp của người công an nhân dân là hết lòng phụng sự Tổ quốc, tất cả vì lợi ích của nhân dân. Ông và cán bộ, chiến sĩ Công TP Mỹ Tho đã xứng đáng với lời thề thứ 3 trong 5 lời thề danh dự của người công an nhân dân: “Kính trọng, lễ phép với nhân dân. Sẵn sàng bảo vệ tính mạng, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân.

Suốt đời tận tụy phục vụ nhân dân, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân”. Vì lời thề, vì dân có thể đôi lúc các anh phải vượt qua những quy định cứng nhắc nào đó, hay phải linh hoạt trong công tác. Đó cũng là tinh thần thực sự là những chiến sĩ công an của nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ!

Lê Anh Đức

Từ khóa

công an nhân dân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tham-vanphan-bien/cong-an-cua-nhan-dan/136065