Con trai 7 tuổi là chỗ dựa cho gia đình 4 F0 chiến thắng Covid-19

Lệ Huyền và chồng sốt cao, mệt lả vì Covid-19, thế nhưng vẫn phải gắng gượng chăm sóc 2 con nhỏ cũng là F0. Có ngày cô không thể tự nấu ăn, được tổ dân phố hỗ trợ cơm từ thiện.

Ngày 2/9, cả 4 thành viên trong gia đình Nguyễn Thị Lệ Huyền (quận 1, TP.HCM) đều có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 SARS-CoV-2.

Với Huyền, những thử thách cô đã mạo hiểm trong quá khứ như lên rừng, xuống biển hay sống trên đảo hoang… vẫn không thể kinh hoàng như 14 ngày mắc bệnh. Điều cô sợ hãi nhất chính là không thể bảo vệ con cái mình.

"Tôi chưa hề biết sợ điều gì, ấy vậy mà những ngày qua tôi tưởng chừng phải bất lực khi đối mặt với nguy cơ không thể giữ con mình an toàn trước đại dịch", Huyền chia sẻ cùng Zing.

Cả nhà cùng mắc bệnh

Nhà Huyền nằm trong khu vực có nhiều ca nhiễm Covid-19 tại quận 1, TP.HCM. Từ khi hàng xóm liên tục phát hiện những ca dương tính, gia đình cô đã lên kế hoạch chỉ ở yên trong nhà để bảo vệ sức khỏe cho con con trai lớn 7 tuổi và bé sơ sinh chỉ vừa 3 tháng.

Huyền và gia đình đã chiến thắng Covid-19 sau 14 ngày tự điều trị.

Ngày 15/8, con trai lớn của Huyền xuất hiện triệu chứng sốt và viêm họng. Ban đầu, cô nghĩ con chỉ bị bệnh trẻ em thông thường nên cho con uống thuốc như trước đây.

Tuy nhiên, cô vẫn còn lo lắng, do vậy đã nhờ lực lượng y tế đến nhà xét nghiệm.

Ngày 19/8, kết quả xét nghiệm cho thấy cả gia đình Huyền đều đã nhiễm bệnh. Cô xin được điều trị tại nhà để có thể chăm sóc con sơ sinh thuận tiện hơn.

"Lúc biết tin, tôi sốc lắm, phải cố nín khóc. Vợ chồng tôi mau chóng nhờ hàng xóm và tổ dân phố chuẩn bị giúp sữa, đồ ăn và nhu yếu phẩm cần thiết, xác định tinh thần không thể mua sắm thực phẩm trong nhiều ngày. Chúng tôi cũng xin trung tâm y tế địa phương lưu ý hơn về trường hợp của gia đình mình bởi có trẻ sơ sinh", cô kể lại.

Tại nhà, Huyền phải tự cách ly trong phòng riêng bởi kết quả xét nghiệm PCR cho thấy cô có nồng độ virus cao. Cô đảm nhận nhiệm vụ nấu ăn cho gia đình, dọn dẹp và hướng dẫn con trai 7 tuổi cách tự lo cho bản thân. Trong khi đó, chồng cô tự mình chăm con 3 tháng tuổi.

Hai con nhỏ của Huyền chỉ có triệu chứng sốt và ho nhẹ, tuy nhiên vợ chồng cô lại sốt cao, ho nhiều, rát họng, mất vị giác và đau nhức khắp người.

Có nhiều ngày Huyền và chồng khó thở đến mệt lả người, không thể nấu ăn dù tủ lạnh vẫn còn thực phẩm, cô phải liên hệ đến tổ dân phố xin suất ăn thiện nguyện. Thế nhưng trong giai đoạn giãn cách xã hội hiện tại, hoạt động tặng cơm đã phải tạm dừng.

"Khi đuối quá không thể nấu nướng, cả nhà tôi uống sữa thay cơm. Dù mệt, chồng tôi vẫn phải gắng gượng chăm con sơ sinh. Cháu lớn nhà tôi lại có thể tự lo cho bản thân mình.

Người bình thường mắc Covid-19 đã mệt nhọc, nhà có trẻ em lại càng phải cố gấp trăm lần. Vợ chồng tôi chỉ sợ con đói, con ốm mà thôi", Huyền tâm sự.

Con trai lớn Tường Minh (7 tuổi) và con trai nhỏ Ngọc Huy (3 tháng tuổi) của gia đình Huyền.

Huyền uống thuốc kháng sinh để điều trị bệnh, do vậy phải ngưng cho con nhỏ bú sữa mẹ. Vợ chồng cô xông mũi mỗi ngày bằng nước gừng, sả, uống kháng sinh trong 5 ngày đầu, đo các chỉ số và tập đếm nhịp thở.

Mỗi đêm đi ngủ, Huyền chỉ mong đến khi trời sáng để nhìn thấy chồng và con thức giấc khỏe mạnh. Cô không muốn cả gia đình bi quan nên lén khóc một mình, chỉ xuất hiện với nụ cười thật tươi và kể về những tin tức lạc quan.

"Thật lòng tôi lo sợ rất nhiều, thương các con còn quá nhỏ đã phải chống chọi với dịch bệnh thế này. Mẹ tôi ở Lâm Đồng và bố mẹ chồng ở Quảng Trị mỗi ngày đều thắp hương xin tổ tiên phù hộ", cô tâm sự.

Đứng vững

Dù trong lòng đầy lo lắng, vợ chồng Huyền vẫn luôn cố gắng động viên nhau. Cậu con trai 7 tuổi chính là điểm tựa tinh thần bởi bé luôn nghĩ ra những điều dí dỏm khiến bố mẹ phải bật cười.

Huyền hướng dẫn con cách tự làm đồ ăn và rèn luyện thể chất. Cậu bé hiểu chuyện nên rất hợp tác, có thể làm thành thục những việc mà mẹ căn dặn.

"Tôi nói với con rằng: ‘Nếu con cố gắng khỏi bệnh, cả nhà mình mới được ôm hôn nhau, cùng ăn mỳ Ý và đi du lịch’. Tôi thấy con rất mạnh mẽ. Nhờ 2 con mà vợ chồng tôi lạc quan hơn nhiều. Tinh thần tốt mới giúp cả nhà đứng vững được", cô nói.

Tường Minh biết tự làm trân châu nấu chè và chiên cánh gà.

Đến ngày thứ 10, gia đình Huyền không còn nhiều triệu chứng bệnh. Ngày thứ 14, cả 4 thành viên đều có kết quả âm tính nCoV. Nhìn bộ test nhanh của cả 4 người chỉ hiện một vạch, Huyền giảm đi hầu hết nỗi lo trong lòng.

Hiện cô đã có thể cho con sơ sinh bú sữa mẹ trở lại tuy nhiên các thành viên vẫn phải thực hiện giãn cách, không dám chủ quan.

Huyền cho rằng gia đình mình may mắn bởi không rơi vào tình trạng nặng, bên cạnh đó còn luôn có được sự động viên, giúp đỡ của người thân, láng giềng.

Theo cô, ngoài các phương thuốc điều trị bệnh, các F0 thật sự cần rèn luyện thể lực và giữ cho mình tâm lý tốt nhất. Tinh thần mạnh mẽ mới có thể giúp bệnh nhân uống thuốc đều đặn hơn, ăn uống đủ chất và không gục ngã khi quá mệt mỏi.

Kết quả xét nghiệm âm tính của cả gia đình Huyền.

"Trải nghiệm kinh hoàng vừa qua giúp tôi hiểu thêm những giá trị của cuộc sống và tình yêu thương. Có khi chỉ cần một lời thăm hỏi động viên, ký ức đẹp đẽ cũng có thể khiến chúng ta mạnh mẽ hơn nhiều.

Tôi vẫn luôn có niềm tin rằng sau giông bão bầu trời lại hừng sáng. Tôi mong những F0 khác cũng sẽ vững tin để vượt qua khó khăn, lạc quan và cố gắng sống để yêu thương", Huyền chia sẻ.

Từ 27/4 đến 18h ngày 2/9, TP.HCM ghi nhận 232.585 ca dương tính SARS-CoV-2, là địa phương dẫn đầu cả nước về số ca mắc Covid-19.

Trong ngày, Bộ Y tế đã tổ chức họp xây dựng hướng dẫn để TP.HCM và các tỉnh đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/TTg trở lại trạng thái bình thường mới.

Bộ Y tế vừa công bố thông điệp 5T gồm: Tuân thủ 5K - Test Covid-19 - Tiêm chủng - Thực phẩm đủ - Thầy, thuốc đến tận nhà. Thông điệp được truyền tải trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam ngày càng diễn biến phức tạp, chủ yếu do tác động của biến chủng Delta có tốc độ lây lan nhanh.

Thục Hạnh

Ảnh: NVCC

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/con-trai-7-tuoi-la-cho-dua-cho-gia-dinh-4-f0-chien-thang-covid-19-post1258473.html