Còn sống tôi còn nhớ anh

Anh Nguyễn Duy Sang sinh 1946- quê Tráng Việt, Mê Linh, Hà Nội. Nhập ngũ 1964, hơn tôi hai tuổi quân, 2 tuổi đời. Anh em chúng tôi quen biết nhau đầu năm mậu thân (1968). Khi đã là lính bộ binh chiến đấu rồi bị thương ở chiến trường miền Nam, cùng được ra an điều dưỡng ở tiểu đoàn 203 của đoàn 200 quân khu 4.

Sang từng chiến đấu ở Tây Nguyên, còn tôi ở Quảng Trị. Khi tạm ổn các vết thương và bệnh tật chúng tôi đang nóng lòng chờ đợi quyết định phải phục viên về với mẹ hay chuyển ngành. Bỗng có đợt quân lực của quân chủng phòng không -không quân đến khám xét, rồi nhận tôi và anh Sang cùng nhiều đồng đội về bổ sung cho tiểu đoàn 15 pháo cao xạ bảo vệ bầu trời quân khu 4- Nguồn Tân Bình ở hậu phương chưa cạn - nhưng khi nhận chúng tôi - chắc họ nghỉ giảm bớt được thời gian tập luyện những bài cơ bản như bắn súng cá nhân, ném lựu đạn,,, và cũng đã có ít nhiều ý chí kinh nghiệm chiến đấu từ quân giải phóng miền Nam.

Sang có dáng người thấp đậm, ít nói, hay cười như tôi. Nên khi mới về tập luyện kỹ thuật pháo thủ mới, có nhiều người gọi tôi và anh nhầm lẫn. Ở pháo 37mm phòng không. Để phù hợp với tính năng kỹ thuật hợp đồng chiến đấu giữa các số. Cán bộ thường căn cứ vào độ nhạy cảm linh hoạt và chiều cao, cân nặng… của mỗi người để sắp xếp các số trên mâm pháo. Bởi vậy tôi và anh được xếp học pháo thủ số số hai. Có nhiệm vụ, mắt ngắm vào kính ly giác, tay quay tầm, tai lắng nghe và quyết định điểm xa khi có lệnh của chỉ huy bắn.

Những ngày đầu tập luyện pháo thủ này. Sang với tôi khoái lắm- Anh từng nói với tôi: hai thằng ta cố học cho giỏi nhé!

Chúng tôi thường xưng hô tên hoặc mày tao như vậy, chứ ít gọi đồng chí ngoài những cuộc họp. Sẵn có mục tiêu sống là máy bay Mỹ luôn vào vùng trọng điểm gây tội ác. Tạo cho các pháo thủ được bắt mục tiêu thực tế: gần xa, nhanh chậm, dọc ngang…. có hiệu quả hơn là phải nhắm vào mô hình học cụ …Học được cả đêm, cả ngày. Dù trời nắng, trời mưa. Sẵn sàng nổ súng, khi đang học với các mục tiêu đủ các phần tử tiêu diệt. Địa bàn ở đây là nam bắc Sông Gianh tỉnh Quảng Bình. Vừa bảo vệ nhân dân, bảo vệ giao thông và các yêu địa như sân bay Đồng hới. Có một lần, chúng tôi vừa học thao tác được 7 ngày. Một F4H chúi đầu tập kích vào trận địa, bắt buộc chúng tôi phải nổ súng - tên giặc bị trúng đạn bốc cháy. Giặc lái nhảy dù - quân dân vùng Cự Nẫm đã bắt sống.

Cuộc chiến ngày một căng thẳng, có lúc vừa bắn lên một điểm xạ vừa. Kẻ địch đã bu lại rất đông- phản ứng trận địa - chúng bắn rocket, bom bi, 20 ly, bom tạ, bom tấn. Nhưng thấy rõ chúng rất sợ chết, không dám đến gần, bởi tinh thần chiến đấu bình tĩnh gan dạ thao tác chính xác của các pháo thủ chúng tôi. Lúc này, nếu có một chiến sĩ run sợ, thao tác thiếu chính xác, ắt kẻ địch sẽ giết mình ngay. Chính vì vậy mà anh Nguyễn Viết Xuân từng hô (nhằm thẳng quân thù mà bắn) trước lúc anh hi sinh.

Giữa năm 1968 – địch bổng ngừng đánh phá miền Bắc. Nhưng lại tập trung bom đạn đánh phá ác liệt, tuyến vận chuyển chiến lược 559 qua nước bạn Lào. Đơn vị chúng tôi được lệnh cơ động đến đó để chiến đấu bảo vệ. Giữa tháng 9, mùa mưa ở nước bạn chưa dứt. Đường sá còn nhão choẹt, đơn vị đã tập kết đông đủ gần cổng trời-nơi biên giới của hai nước. Đang nóng lòng chờ đợi lệnh xuất kích - Bổng tôi bị sốt rét ác tính. Cả đại đội đã đã xôn xang lo sợ vì tôi. Sang được lệnh của chỉ huy khẩn trương chạy nhanh đến Quân y tiểu đoàn lấy thuốc cấp cứu. Đoạn đường chỉ khoảng 3 km- qua đồi, qua rừng rậm, vượt ba con suối nước chảy ầm ào, với bộ quần đùi áo lót, ướt rét nguy hiểm, để kịp lấy thuốc. Nhờ vậy tôi được cấp cứu kịp thời sống lại.

Sau đó, đơn vị chúng tôi, tác chiến liên tục các mùa khô tiếp theo trên nước bạn. Đầu tháng 10/1971, đơn vị được lệnh về nước để củng cố bổ sung. Vừa đến biên giới tổ quốc, trên đỉnh Trường Sơn hùng vĩ. Qua đài tiếng nói Việt Nam, chúng tôi vô cùng vui sướng được tin Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ký lệnh tuyên dương tập thể đại đội tôi anh hùng các lực lượng vũ trang. Do lập nhiều chiến công bắn rơi 30 máy bay của Mỹ -hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.

Vừa ổn định mọi mặt, chúng tôi được lệnh - cùng các quân binh chủng cơ động hợp đồng quyết tâm giải phóng tỉnh Quảng Trị. Cuộc sống lúc này vô cùng khẩn trương - thần tốc, cơ động. Chiến đấu căng thẳng, một số đồng đội lại bị thương, hy sinh. Sang và tôi vẫn bình an và được phân công chỉ huy trung đội, trong một đại đội. Anh và tôi vẫn dửng dưng quan tâm lẫn nhau hơn, lo lắng cho nhau hoàn thành nhiệm vụ như anh em ruột thịt - có gì vui buồn đều san sẻ.

Đến ngày 09/06/1972, chính trị viên tiểu đoàn Nguyễn Văn Chiến quê Thái Bình xuống đại đội theo lệnh cấp trên đọc 5 quyết định, thăng cấp hàm và điều động của tướng Song Hào với 5 thượng sĩ chúng tôi lên chuẩn Úy.

Gồm tôi:

1. Đặng Sỹ Ngọc - giữ chức đại đội phó C10D15.

2. Nguyễn Duy Sang - giữ chức đại đội phó của C13D15.

3. Lê Toàn Thắng - giữ chức B trưởng C10D15.

4. Trần Thọ cùng Phan Văn Trầm điều động đi xây dựng đơn vị khác.

Nghe thăng quân hàm, điều động chức vụ trong tiếng bom pháo ầm ầm - cùng tiếng động cơ máy bay, xe tăng ….chúng tôi chỉ biết chấp hành nghiêm túc.

Anh Sang vừa xếp ba lô - khoác lên vai rời khỏi trận địa. Bỗng một loạt pháo từ hạm tàu bắn đến - anh hy sinh tại chỗ.

Đau thương sâu đậm mãi đến ngày nay, đã nửa thế kỷ- không rõ hài cốt của anh đã tìm về được với quê hương họ tộc ở Tráng Việt, Mê Linh hay chưa. Còn tôi sau sự hy sinh của Sang mấy ngày tôi cũng bị thương nặng mất sức 81% - nhưng mãi nhớ anh, không bao giờ nguôi.

Đ.S.N

Trái tim người lính

Đặng Sỹ Ngọc

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/con-song-toi-con-nho-anh-a19826.html