Còn nhiều thách thức

Những bế tắc chính trị kéo dài dai dẳng mười tháng qua tại Tây Ban Nha đã được hóa giải sau khi quyền Thủ tướng M.Ra-hoi vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội để tiếp tục nhiệm kỳ Thủ tướng thứ hai.

Bước chuyển biến tích cực này không chỉ mở đường thành lập chính phủ mới tại Tây Ban Nha, mà còn giúp Ma-đrít khôi phục niềm tin của người dân và ổn định tình hình kinh tế, dù chặng đường phía trước vẫn còn nhiều chông gai.

Sau nhiều tháng đàm phán thất bại, việc tìm ra được chủ nhân của chiếc ghế Thủ tướng Tây Ban Nha đã giúp “xứ sở bò tót” tránh được kịch bản xấu nhất là phải tổ chức cuộc bầu cử thứ ba liên tiếp chỉ trong vòng một năm. Ngay sau lễ nhậm chức, Thủ tướng M.Ra-hoi đã tuyên bố thành lập một chính phủ thiểu số, tiến tới ổn định tình hình chính trị trong nước và tái khẳng định các cam kết với Liên hiệp châu Âu (EU).

Tây Ban Nha rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc kể từ sau cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 12-2015, do không có đảng nào giành được đa số ghế trong Quốc hội. Các cuộc đàm phán thành lập chính phủ liên tiếp thất bại, đẩy quốc gia này vào tình thế buộc phải tiến hành bầu cử lần thứ hai vào cuối tháng 6 vừa qua nhưng kết quả không được cải thiện. Đảng Nhân dân (PP) cầm quyền tuy dẫn đầu trong cuộc bầu cử nhưng vẫn không hội đủ đa số ghế tại Quốc hội để đứng ra thành lập chính phủ mới. Giai đoạn mười tháng u ám của nền chính trị Tây Ban Nha chỉ bước đầu tìm thấy lối thoát khi mới đây, đảng Xã hội (PSOE) đối lập tuyên bố chấp thuận mở đường cho đảng PP theo đường lối bảo thủ lên nắm quyền.

Mặc dù thế bế tắc chính trị kéo dài gần một năm qua tại Tây Ban Nha đã được phá vỡ, song các nhà phân tích cho rằng, đây chỉ là sự khởi đầu trước một chuỗi khó khăn mà Thủ tướng M.Ra-hoi sẽ phải đương đầu trong thời gian tới, trước hết là thách thức ổn định tình hình chính trị trong nước. Ngay sau khi kết quả cuộc bỏ phiếu tín nhiệm được công bố, người phát ngôn đảng PSOE A.Éc-nan-đô thẳng thừng tuyên bố, việc chấp nhận mở đường để Thủ tướng M.Ra-hoi thành lập chính phủ mới không có nghĩa là PSOE ủng hộ ông Ra-hoi hay chính sách của ông. Trong khi đó, lãnh đạo đảng Podemos - đảng chủ trương phản đối chính sách “thắt lưng buộc bụng”, P.I-glê-xi-át cũng khẳng định sẽ trở thành “lãnh đạo đối lập mới” tại Quốc hội nước này. Giới quan sát nhận định, với một chính phủ thiểu số, đảng PP của Thủ tướng M.Ra-hoi đang ở thế bất lợi và sẽ gặp không ít khó khăn nếu muốn thông qua các chính sách quan trọng tại Quốc hội trong nhiệm kỳ tới.

Bên cạnh đó, Thủ tướng M.Ra-hoi cũng sẽ chịu áp lực lớn từ việc vùng Ca-ta-lô-ni-a đang lên kế hoạch trưng cầu ý dân về nền độc lập vào năm 2017. Vùng Ca-ta-lô-ni-a với khoảng 7,5 triệu dân, là trung tâm công nghiệp của Tây Ban Nha, đóng góp khoảng 18% vào tổng sản lượng kinh tế của nước này. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, hiện nay tỷ lệ người dân Ca-ta-lô-ni-a muốn độc lập và tỷ lệ ủng hộ ở lại Tây Ban Nha gần như ngang bằng nhau. Tuy nhiên, sau cuộc trưng cầu ý dân về Brexit tại Anh, phe đòi độc lập tại Ca-ta-lô-ni-a đang tiếp tục khuấy động chính trường và sự ổn định xã hội của Tây Ban Nha.

Ngoài ra, thách thức duy trì sức bật của nền kinh tế sau nhiều năm suy thoái và cắt giảm chi tiêu theo yêu cầu của EU cũng là một bài toán hóc búa đối với chính phủ Thủ tướng M.Ra-hoi. Thâm hụt ngân sách của Tây Ban Nha năm 2015 đã tăng lên mức tương đương 5,1% GDP. Mặc dù thoát được án phạt do để thâm hụt ngân sách cao hơn mức trần 3% GDP theo quy định của EU, Ma-đrít vẫn phải đối mặt nguy cơ không được tiếp cận các “quỹ cơ cấu” của EU trong năm tới nếu không kịp thời đưa ra các biện pháp quyết liệt để cân bằng vấn đề thâm hụt ngân sách. Hơn nữa, quốc gia Tây Âu này cũng đang phải vật lộn để giải quyết khối nợ công khổng lồ. Theo Ngân hàng T.Ư Tây Ban Nha, mức nợ công của nước này đã lên đến 100,5% GDP vào quý II-2016. Cuộc khủng hoảng kinh tế cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng thị trường việc làm khi tỷ lệ thất nghiệp vẫn đang ở mức cao ngất ngưởng 18,9%, so với tỷ lệ trung bình 10,1% ở Khu vực đồng ơ-rô (Eurozone).

Thủ tướng Tây Ban Nha M.Ra-hoi thừa nhận, dù đã giải quyết được những khó khăn trước mắt và bước đầu ổn định tình hình chính trị trong nước, Ma-đrít vẫn còn rất nhiều việc phải làm để vượt qua những thách thức nói trên.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/thegioi/item/31271702-con-nhieu-thach-thuc.html