Con người chăm lo cho người chết từ hơn 400 nghìn năm trước

Con người làm chủ được lửa. Lửa giúp cho họ vẫn hoạt động sau khi Mặt Trời lặn, và mỗi đêm, họ kể chuyện cho nhau nghe…

Theo thời gian, con người ngày càng nói được nhiều từ hơn. Và gọi tên các sự vật bằng từ ngữ là một cách để khiến cho những sự vật ấy tồn tại. Điều tuyệt diệu nhất, đó là các từ ngữ giúp ban sự sống cho những thứ không tồn tại. Bạn sẽ thấy. Một con báo không dùng từ ngữ để nghĩ ngợi. Vậy nên, nó không thể tự nhủ: “Mình muốn ăn một cái đùi non của con sơn dương”. Không nói được nhưng nó vẫn biết, từ trong sâu thẳm, rằng nó đang đói. Và nếu bắt đầu đi săn, thì bởi vì nó hy vọng tìm được cái ăn, và tại sao không phải là một đùi non của con sơn dương, chắc hẳn nó có khả năng tưởng tượng ở trong đầu.

Dù là theo cách mà chúng vẫn làm được, ngay cả khi không có ngôn từ, đa phần các con vật to lớn biết nghĩ về thứ đang hiện hữu, về điều mà chúng biết: cái ao nơi chúng đến uống nước mỗi chiều, địa điểm có cỏ mềm hơn hôm qua, hình dáng con mồi ưa thích của chúng…

Nhưng có một việc khó hơn. Đó là nghĩ về điều gì đó mà ta không biết, hoặc về điều gì đó không thực tế. Chẳng hạn, làm sao mà con báo gấm có thể tưởng tượng được một con thỏ đuổi theo một con chó rừng? Hoặc xuất hiện ba Mặt Trăng trên trời? Khó hơn nữa: nghĩ về cái chết. Cần phải có một bộ não năng suất cao cái đã…

Một số con vật ý thức được cái chết. Chắc không phải nhện cũng không phải cá vàng rồi, nhưng voi chẳng hạn. Khi một con voi chết đi, những con khác ở lại cạnh nó, chúng dùng vòi vuốt ve nó, chúng biết rằng nó sẽ không thức dậy nữa, và cuối cùng chúng rời đi trong nuối tiếc. Lũ tinh tinh thể hiện nỗi buồn khi một con trong số chúng tắt thở. Chúng sờ, chúng phủ lá lên xác như thể đắp cho nó một nấm mồ trước khi đến lượt chúng rời đi.

Theo thời gian, do bộ não phát triển và nhất là trở nên phức tạp hơn, con người cũng ý thức được về cái chết. Họ phân biệt được sự khác nhau giữa một người thân thở đều trong khi ngủ, với một người thân sẽ không tỉnh dậy nữa. Bạn sẽ nói với tôi: Làm sao ta biết được?

Chà, ta biết điều đó bởi vì họ bắt đầu chăm lo cho thi thể người chết. Các nhà nghiên cứu tìm thấy ở Tây Ban Nha một địa điểm mà hẳn là một trong những ngôi mộ đầu tiên trên thế giới. Cách đây 430.000 năm, con người đã đặt xuống đáy một cái giếng tự nhiên các thi thể của đàn ông và đàn bà. Tổng cộng có 28 người được chôn giấu ở đó, trong lòng đất. Tại sao?

Con người đã nghĩ đến cả thế giới bên kia khi chôn theo đồ tùy táng cùng người quá cố. Ảnh: NXB Kim Đồng.

Đồ vật gây bối rối nhất trong chiếc giếng này là một hòn đá. Một hòn đá đã được chủ ý để vào, một chiếc rìu tay trong tình trạng hoàn hảo. Nó chưa bao giờ được sử dụng. Vào thời ấy, con người chỉ vứt đi những đồ vật không thể dùng được nữa, chứ không phải là một viên đá mà họ đã mất nhiều giờ để ghè đẽo.

Sự việc này muốn nói lên điều gì? Có thể người đã để lại chiếc rìu tay này xuống giếng nghĩ rằng nó sẽ có ích cho những người chết, để cắt thịt trong cuộc đời mới, ở thế giới bên kia chăng? Phải chăng điều đó muốn nói lên rằng những người này đã có khả năng tưởng tượng về một thế giới khác?

Tiến Hóa đùa chơi với chúng ta. Trong thời kỳ đầu, nó ban cho chúng ta một bộ não có thể nghĩ về cái chết và sự vắng mặt, điều khiến cho người ta rất sợ! Sau đó Tiến Hóa đã để cho bộ não của chúng ta phát triến đến mức nó có thể tưởng tượng ra một cuộc sống sau khi chết…

Thời bấy giờ, những con người đầu tiên còn chăm lo cho những người sống nữa. Và nhất là những người già, bị thương, hoặc khuyết tật bẩm sinh.

Cách đây 400.000 năm, trên lãnh thổ Morocco ngày nay, một cô gái nhỏ được sinh ra với cột sống bị biến dạng. Cô không thể xoay cổ, và đầu cô bị vẹo sang một bên. Cô gặp cản trở trong việc đi lại, cô không thể làm như những người khác, tuy nhiên cô vẫn lớn lên, được những người thân đối xử ân cần. Họ giúp đỡ cô, cho cô ăn, và cô thành người lớn. Một mình trong tự nhiên thì cô sẽ không bao giờ sống sót. Tuy nhiên, trong một thị tộc người, cũng như trong những cộng đồng loài vật khác, người ta hỗ trợ nhau.

Con người cũng dệt nên từ đó những sợi dây tôn trọng, tình bằng hữu, tình yêu… Những điều đó phải bắt đầu vào một ngày nào đó. Bạn có thể nói với tôi rằng sự tôn trọng đã tồn tại từ lâu rồi, rằng trong một bầy khủng long, phần lớn tôn trọng con đầu đàn… nhưng sự tôn trọng ấy chủ yếu là do sợ bị đánh hoặc bị đuổi khỏi nhóm bởi những con mạnh hơn. Bằng cách trở nên phức tạp hơn, bộ não trở nên biết yêu thương. Và tôn trọng kẻ khác không chỉ vì sức mạnh của kẻ đó, mà còn bởi vì sự yếu ớt của kẻ đó.

Yêu thương các thành viên trong nhóm, cảm thấy thương họ, sẽ giúp con người chung sống với nhau, nhất là trong những điều kiện khó khăn của thời kỳ băng giá. Đó là điều giúp cho một loài mới sống sót trong 400.000 năm, ở châu Âu và Trung Đông. Người ta gọi họ là người Neanderthal.

Bertrand Fichou, Florent Grattery / NXB Kim Đồng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/con-nguoi-cham-lo-cho-nguoi-chet-tu-hon-400-nghin-nam-truoc-post1331980.html