Con mắt Bạch Đằng, con mắt Đống Đa

Những năm toàn đất nước có một tâm hồn có chung khuôn mặt/ Nụ cười tiễn đưa con, nghìn bà mẹ in nhau

Bài thơ tặng Đảng năm chống Mỹ

Những năm toàn đất nước có một tâm hồn có chung khuôn mặt

Nụ cười tiễn đưa con, nghìn bà mẹ in nhau

Những mắt sáng vì toàn dân tỉnh thức

Dáng lao nhanh theo trận tuyến dời mau

Núi Bắc sông Nam đều giống Bác

Nhìn một người ta nhìn ra cả nước

Trán trông xa và mắt dõi về sâu.

Những năm giặc Mỹ muốn giết ta chỉ đâu từng huyện từng vùng

Chúng tính số ba mươi triệu dân ta để nhân cùng số đạn

Thiêu đàn bầu và đập nát nhạc tờ-rưng

Chúng lấy những em nhỏ, những mầm non làm đích bắn

Thuốc độc màu đen, lân tinh sắc trắng

Khô cằn xuân và tuyệt tự trăm rừng.

Những năm Đảng ta có con mắt Bạch Đằng, con mắt Đống Đa...

Nhìn thấu vận mệnh nghìn năm sau cho Tổ quốc

Một câu Kiều cho chí một nhành hoa

Đều là của nhân dân, không để mất.

Thế hệ này như hai thế hệ đi qua

Tay cân lại của cha ông từng nắm đất

Rồi giữ gìn. Bằng chính máu xương ta.

Đảng bảo: Nhìn chiến tranh không được he hé mắt nhìn.

Hãy trông thẳng quân thù, cầm gươm lên, giết nó

Chớ vội trồng hoa ở chỗ gài mìn,

Đừng nhởn nhơ bắt bướm dọc đường có bom chậm nổ,

Hận thù này xin chớ nguôi quên.

Hãy giết giặc bằng cái vui... sinh nở

Của trái chín, tằm lên, lúa trổ

Bằng trái tim hồng, không phải trái tim đen.

Bằng tất cả lòng, không phải một bên

Khi cần thiết, vứt lá ngụy trang đi mà chiến đấu

Đồng Tháp Mười ta nhớ những hoa sen

Yêu Tổ quốc là điều không thể giấu

Nam đổ máu, Bắc lòng ta tiếp máu

Thịt xương ta, ai có thể chia miền!

Tám trăm xác phi cơ ùn cao dưới chân dép Bác Hồ

Mác đã chỉ đường cho ta đúng hướng

Một ngôi sao chung cho cả hai cờ

Chông thép mới Vạn Tường hay tên đồng cũ Cổ Loa

Ta đổ máu lòng ta không vay mượn

Như Hồng Lĩnh tự mình xây núi lớn

Cửu Long dài đảm nhiệm lấy phù sa...

Phải trao lại cho cháu con những chiến công chứ không phải chiến hào

Ta đánh giặc và phải là ta đánh giặc

Thế hệ chủ công thế hệ đi đầu

Chính ta đây chứ còn có ai nào

Cầm sông núi và làm nên Thống nhất.

1966

(Tập thơ “Hoa ngày thường - Chim báo bão", Nhà xuất bản Văn học, 1967)

CHẾ LAN VIÊN

Chung một niềm tin, chung một khí phách

Đó là cảm nhận của tôi khi đọc lại bài thơ “Con mắt Bạch Đằng, con mắt Đống Đa” của nhà thơ Chế Lan Viên. Bài thơ viết năm 1966 ở thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước vào giai đoạn vô cùng cam go. Mỹ đã đưa quân trực tiếp tham chiến tại miền Nam và tăng cường ném bom phá hoại miền Bắc với cường độ dày và ác liệt. Ngày 17-7-1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước”. Người viết: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do!" “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!” Đó là chân lý bất hủ mang tính thời đại. Đó cũng chính là tinh thần quán xuyến trong bài thơ đậm dấu ấn lịch sử của Chế Lan Viên.

Để có một tầm nhìn xa trong thơ những năm chống Mỹ, Chế Lan Viên đã trải qua một hành trình lột xác về tư tưởng. Từ một nhà thơ lãng mạn, Chế Lan Viên đã đứng vào hàng ngũ những nhà thơ cách mạng xuất sắc bậc nhất. Ông đặc biệt gây ấn tượng với độc giả với phong cách thơ trí tuệ, thể hiện sự triết lý về nhân sinh thế sự rất độc đáo. Cũng bởi nhà thơ đã cùng đồng cam cộng khổ với nhân dân, thấm thía sự tàn ác của kẻ thù và nỗi đau của quần chúng đồng bào: “Những năm giặc Mỹ muốn giết ta chỉ đâu từng huyện từng vùng/ Chúng tính số ba mươi triệu dân ta để nhân cùng số đạn/ Thiêu đàn bầu và đập nát nhạc tờ-rưng”. Sự khốc liệt của chiến tranh quả là đã đặt nhân dân ta trước một thử thách vô cùng lớn về sự sống còn của dân tộc.

Như mọi người dân Việt Nam, Chế Lan Viên đã một lòng tin vào Đảng, tin vào Bác Hồ. Nhưng nói thế nào cho đích đáng, mà lại bằng thơ (Nếu không sẽ rơi vào thơ hô hào, cổ động chung chung)? Nhà thơ đã thể hiện niềm tin của mình bởi ông tin rằng “Đảng ta có con mắt Bạch Đằng, con mắt Đống Đa”.

Bạch Đằng và Đống Đa là hai địa danh đã đi vào lịch sử với những chiến công hiển hách trong lịch sử đấu tranh giữ nước Việt Nam. Có “con mắt Bạch Đằng, con mắt Đống Đa” là có một tầm nhìn chiến lược, có một niềm tin, có một sức mạnh được hun đúc từ mấy ngàn năm lịch sử. Đúng là “Bốn mươi thế kỷ cùng ra trận/ Có Đảng ta đây có Bác Hồ” (Tố Hữu). Nhà thơ đã tin và vững tin, vì Đảng ta đã “Nhìn thấu vận mệnh nghìn năm sau cho Tổ quốc”, từ những gì đơn giản nhất: “Một câu Kiều cho chí một nhành hoa/ Đều là của nhân dân, không để mất/ Thế hệ này như hai thế hệ đi qua/ Tay cân lại của cha ông từng nắm đất/ Rồi giữ gìn bằng chính máu xương ta”.

Từng nắm đất của ông cha để lại, chúng ta phải biết trân trọng và giữ lấy, bằng chính máu xương ruột thịt của mình. Đây không chỉ là một câu thơ mà còn là một lời tuyên ngôn, tuyên thệ, là lời nhắc nhở. Nhà thơ cũng khuyên chúng ta phải có một tư thế "không được le lé mắt nhìn" để "trông thẳng quân thù, cầm gươm lên, giết nó", "Hãy giết giặc bằng cái vui... sinh nở/ Của trái chín, tằm lên, lúa trổ/ Bằng trái tim hồng không phải trái tim đen". Đó chính là tư thế con người thời đại, đàng hoàng, quả cảm và có tình nhân ái. Lời khuyên của nhà thơ, hãy "Bằng tất cả lòng, không phải một bên/ Khi cần thiết, vứt lá ngụy trang đi mà chiến đấu", cũng bởi: "Yêu Tổ quốc là điều không thể giấu/ Nam đổ máu, Bắc lòng ta tiếp máu/ Thịt xương ta, ai có thể chia miền!".

Ba mươi triệu người Việt Nam (lúc đó) cùng chung một nhịp đập hướng tới ngày thống nhất non sông. Kết thúc bài thơ, nhà thơ nhắn gửi chúng ta "Phải trao lại cho cháu con những chiến công chứ không phải chiến hào", và "Chính ta đây chứ còn có ai nào/ Cầm sông núi và làm nên Thống nhất".

Đã qua quá nửa thế kỷ, chiến tranh đã lùi xa nhưng khi đọc lại bài thơ, chúng ta như được tiếp thêm năng lượng tinh thần vượt qua những gian nan thử thách của thời đại mới. Bài thơ thể hiện một thái độ ung dung, tự tại trước hiện thực. Một hiện thực hào hùng, toát lên một ý chí, một tấm lòng, một quyết tâm và xa hơn là một khí phách.

PGS, TS PHẠM VĂN TÌNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/con-mat-bach-dang-con-mat-dong-da-640981