Còn mãi hình bóng vị lãnh đạo tài ba trên quê hương Cẩm Xuyên

Mỗi dịp tháng Tư lịch sử, về thăm lại quê hương cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), trong lòng chúng tôi vẫn dâng lên những cảm xúc dạt dào. Mỗi con đường, ngọn núi nơi đây vẫn còn lưu lại bóng hình người con ưu tú của quê hương.

Theo chân anh Hà Huy Hoàng - hậu duệ đời thứ 16 của dòng họ Hà Cẩm Hưng, chúng tôi vào thăm lại các hiện vật trong Khu lưu niệm cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập. Mỗi bức ảnh, dòng thư dù đã phủ bụi thời gian nhưng qua lời giới thiệu của anh Hoàng cứ như những thước phim quay chậm về cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi, khí chất anh hùng, hiên ngang trước mũi súng kẻ thù của người cộng sản Hà Huy Tập.

Anh Hà Huy Hoàng - hậu duệ đời thứ 16 của dòng họ Hà Cẩm Hưng giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập.

Ngôi nhà lá bình dị nơi miền quê Kim Nặc, tổng Thổ Ngọa xưa, nay thuộc xã Cẩm Hưng - là nơi cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập cất tiếng khóc chào đời vào ngày 24/4/1906, nơi đồng chí từng tổ chức dạy học và cũng là nơi chứng kiến phút giây đồng chí bị thực dân Pháp bắt giữ. Năm 2004, ngôi nhà được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia và đang được Sở VH-TT&DL xây dựng hồ sơ trình xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt.

Trong nhà trưng bày hiện vật, chúng tôi đặc biệt chú ý đến bức thư đồng chí Hà Huy Tập gửi cho người em rể Nguyễn Đình Cương vào ngày 2/5/1941. Từng dòng chữ nhỏ xíu đã nhòe đi theo thời gian nhưng tâm thế của một người cộng sản sẵn sàng đón nhận cái chết thật bình thản, cao thượng. Từng lời nhắn nhủ với gia đình, bạn bè vừa chất chứa yêu thương, vừa can đảm lạ lùng. Đã 83 năm trôi qua, từng dòng thư đọc lên vẫn nghe rưng rưng xúc động: “Gia đình và bạn hữu chớ xem tôi như người đã chết mà buồn. Trái lại, hãy xem tôi như người còn sống, nhưng đi vắng một thời gian dài vô hạn mà thôi. Nếu tôi được khổ sai chung thân thì thường thường có thư về thăm gia đình. Nếu không may là tôi phải chết thì bức thư này là thư vĩnh biệt. Tôi chúc cho mọi thành viên trong gia đình và bạn hữu gần xa luôn được hạnh phúc”.

Phần mộ cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập an táng trên đồi Đồng Lem, xã Cẩm Hưng.

Sinh ra trên vùng địa linh, vốn là người thông minh đĩnh ngộ, tiếp nối truyền thống gia đình, quê hương, Hà Huy Tập trở thành một trí thức yêu nước sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng, sẵn sàng dấn thân vào con đường đấu tranh chống chế độ thực dân, phong kiến, hiến dâng cuộc đời mình cho Đảng và dân tộc.

Sau khi tốt nghiệp Trường Quốc học Huế, đồng chí dạy học ở Nha Trang và Vinh (Nghệ An). Cuối năm 1925, đồng chí gia nhập Hội Phục Việt (sau này đổi thành Hội Hưng Nam, Tân Việt cách mạng Đảng) - một tổ chức yêu nước ở Vinh. Đồng chí đã tích cực tuyên truyền tư tưởng yêu nước trong công nhân. Tháng 12/1928, đồng chí được tổ chức Tân Việt tìm cách đưa sang Trung Quốc, sau đó được Lãnh sự quán Liên Xô tại Trung Quốc giới thiệu sang học tại Trường Đại học Phương Đông (Liên Xô) vào tháng 7/1929. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Phương Đông, đồng chí được Quốc tế Cộng sản cử về nước hoạt động. Hà Huy Tập cùng với Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Dựt lập ra Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng vào tháng 3/1934, làm nhiệm vụ chắp nối và khôi phục các tổ chức đảng còn lại ở trong nước bị địch phá vỡ sau cao trào 1930-1931.

Ngôi nhà - nơi cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập cất tiếng khóc chào đời, nơi đồng chí từng tổ chức dạy học và cũng là nơi chứng kiến phút giây đồng chí bị thực dân Pháp bắt giữ, đang được Sở VH-TT&DL xây dựng hồ sơ trình xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt.

Đồng chí Hà Huy Tập cũng là người chuẩn bị và tổ chức Đại hội lần thứ I của Đảng ta vào tháng 3/1935 ở Ma Cao (Trung Quốc). Tại đại hội này, đồng chí đã đọc báo cáo chính trị, được Quốc tế Cộng sản chỉ định là Thư ký Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng. Tại Hội nghị Trung ương vào tháng 7/1936 ở Thượng Hải (Trung Quốc), đồng chí Hà Huy Tập được phân công về nước tổ chức lại Ban Trung ương do đã bị địch bắt gần hết và khôi phục các mối liên lạc với các tổ chức đảng trong nước. Đồng chí trở thành Tổng Bí thư của Đảng từ tháng 7/1936. Trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng (từ tháng 7/1936 - 3/1938), Hà Huy Tập đã tổ chức 3 hội nghị Trung ương ở Bà Điểm, Hóc Môn, Gia Định, bầu ra BCH Trung ương và BTV, trực tiếp chỉ đạo phong trào Đông Dương đại hội thời kỳ Mặt trận dân chủ 1936-1937. Đồng chí Hà Huy Tập còn là một cây bút lý luận xuất sắc của Đảng với rất nhiều tác phẩm giàu tính chiến đấu.

Ngày 1/5/1938, đồng chí Hà Huy Tập bị địch bắt lần thứ nhất, giam 8 tháng và đưa về quản thúc tại quê nhà. Sau khi Chiến tranh Thế giới lần thứ 2 nổ ra vào năm 1939, đồng chí bị địch bắt lần thứ 2. Chúng giam đồng chí ở Khám Lớn Sài Gòn và tuyên án tử hình cùng với nhiều chiến sĩ cộng sản khác. Trước tòa, Hà Huy Tập khảng khái tuyên bố: “Tôi chẳng có gì phải hối tiếc, nếu còn sống tôi sẽ tiếp tục hoạt động”. Đồng chí hy sinh anh dũng trước mũi súng kẻ thù vào ngày 28/8/1941 khi mới 35 tuổi.

Sức sống trên vùng quê cách mạng xã Cẩm Hưng.

Chúng tôi lên đồi Đồng Lem thắp nén tâm hương trước khu mộ cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập và 2 vị song thân. Gia đình ông bà Hà Huy Tương và Nguyễn Thị Lộc có 5 người con, anh cả là Hà Huy Sum, Hà Huy Tập là con thứ 2 và sau còn 3 cô con gái. Ông Hà Huy Tương từng đỗ Cống sinh nhưng chỉ ở nhà làm nghề cắt thuốc bắc, bà Lộc ở nhà cày cấy nuôi con. Hà Huy Tập là hậu duệ đời thứ 13 của dòng họ Hà Cẩm Hưng và đời thứ 20 của cụ tổ Hà Mại (xã Tùng Lộc, Can Lộc). Dòng họ Hà Huy phát tích từ Can Lộc, hiện có 400 hộ ở Cẩm Hưng.

Cẩm Hưng cũng là quê hương của đồng chí Nguyễn Đình Liễn - cố Bí thư Huyện ủy Cẩm Xuyên, người bị thực dân Pháp xử chém ở chợ Hội, thị trấn Cẩm Xuyên. Nguyễn Đình Liễn cũng là em trai của ông Nguyễn Đình Cương - em rể Hà Huy Tập.

Về thăm Cẩm Hưng những ngày đầu hạ, chúng tôi cảm nhận được sức sống thanh tân của một vùng quê cách mạng. Giữa những triền đồi xanh tươi của vùng bán sơn địa, những con đường rải thảm dẫn về các thôn đều sạch đẹp, hai bên nhà cửa vườn tược khang trang, trù phú.

Người dân xã Cẩm Hưng đang ra sức xây dựng NTM, lập thành tích chào mừng kỷ niệm 118 năm Ngày sinh đồng chí Hà Huy Tập.

Ông Nguyễn Đình Hoạt - Chủ tịch UBND xã Cẩm Hưng phấn khởi: “Tự hào là quê hương cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập, Đảng bộ và Nhân dân địa phương luôn ra sức phấn đấu đi lên. Xã đã về đích nông thôn mới năm 2017, hiện đang tập trung nâng cao các tiêu chí. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người toàn xã đạt 48 triệu đồng. Phát huy truyền thống và những kết quả đạt được trong thời kỳ mới, trong năm 2024, chúng tôi đặt ra nhiều mục tiêu phát triển KT-XH, nâng cao đời sống người dân. Đặc biệt, từ đầu tháng 4 này, xã phát động phong trào thi đua cao điểm hướng tới kỷ niệm 118 năm Ngày sinh đồng chí Hà Huy Tập và kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Phong trào đã và đang nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo người dân, qua đó, giáo dục thêm cho các thế hệ trẻ về truyền thống uống nước nhớ nguồn, ý thức, trách nhiệm xây dựng quê hương, đất nước”.

Rời quê hương cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập với bao cảm xúc yêu mến, tự hào, chúng tôi như được tiếp thêm nguồn năng lượng mới, được truyền thêm cảm hứng để tiếp tục thi đua lao động sản xuất, góp sức mình vào công cuộc xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Minh Huệ - Phan Trâm

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/con-mai-hinh-bong-vi-lanh-dao-tai-ba-tren-que-huong-cam-xuyen-post264849.html