Con đường chông gai chờ đợi ông Macron

Chia sẻ với Zing, các chuyên gia nhận định Tổng thống Emmanuel Macron có nhiều lợi thế giúp ông tái đắc cử, song chặng đường chèo lái nước Pháp sắp tới có thể đầy chông gai.

“Ông Macron làm khá tốt (trong cuộc bầu cử - PV), nếu xét đến việc ông đang là tổng thống đương nhiệm”, giáo sư Giovanni Capoccia, chuyên gia về chính trị và quan hệ quốc tế tại Đại học Oxford (Anh), chia sẻ với Zing.

Tiến sĩ Virgina Martin, nhà phân tích chính trị thuộc Trường Kinh doanh Kedge (Pháp). Ảnh: DR.

Bình luận về lý do tổng thống Pháp tái đắc cử, các chuyên gia đều cho rằng có nhiều nguyên nhân giúp ông Macron giành chiến thắng, từ chính uy tín của ông ở trong nước lẫn trên trường quốc tế, tới việc người đối đầu với ông đến từ phe cực hữu.

“Nếu bà Marine Le Pen chiến thắng, đó là cơn địa chấn với quan hệ quốc tế (của Pháp - PV). Đó sẽ là cú sốc, một cuộc cách mạng”, tiến sĩ Virgina Martin, nhà phân tích chính trị thuộc Trường Kinh doanh Kedge (Pháp) nhận định. “Với chính sách đối ngoại của bà Le Pen, Pháp sẽ là một quốc gia khác”.

Trước đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đánh bại đối thủ cực hữu Marine Le Pen trong cuộc bầu cử ngày 24/4 với 58,5% số phiếu bầu. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, ông Macron có thể sẽ không có “tuần trăng mật” khi trước mắt ông là một loạt thách thức của nước Pháp.

Vì sao ông Macron thắng cử?

“Điều đầu tiên giúp ông Emmanuel Macron chiến thắng là việc ông đối mặt với một ứng cử viên cực đoan”, giáo sư Paul Bacot tại Viện Nghiên cứu Chính trị Lyon (Pháp) nhận xét. “Do đó, ông hưởng lợi từ những lá phiếu bác bỏ ứng cử viên này, hơn là ủng hộ chính ông”.

Đồng tình với quan điểm của giáo sư Bacot, tiến sĩ Martin cho biết việc đối thủ của ông Macron đến từ phe cực hữu cũng là một trong những nguyên nhân giúp ông tái đắc cử.

“Ở Pháp, việc đấu tranh chống lại phe cực hữu dễ dàng hơn các ứng cử viên khác vì có một ‘bức tường’ được dựng lên để chống lại họ. Rất nhiều đảng phái thúc giục cử tri bỏ phiếu chống lại phe này”, tiến sĩ Martin nói với Zing.

Tổng thống Macron ăn mừng chiến thắng trước những người ủng hộ. Ảnh: AFP.

Dù vậy, không thể phủ nhận những thành tựu của vị tổng thống Pháp trong thời gian qua cũng giúp ông giành được sự tín nhiệm của cử tri. Theo bà Martin, vai trò trong quan hệ quốc tế giúp ông Macron tăng khả năng cạnh tranh.

“Bên cạnh đó, ông Macron cũng được đánh giá cao nhờ vai trò của mình trên bình diện quốc tế, liên quan đến NATO, Ukraine, Nga,...”, bà nói. “Vai trò của ông Macron trong NATO, EU là rất quan trọng”.

Về vấn đề này, giáo sư Bacot cho biết dường như tổng thống Pháp “có thể xử lý các cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất”. “Điều này giúp ông giữ sự ủng hộ của một bộ phận phe cánh tả lẫn cánh hữu”, ông nhận định.

Một lý do khác được bà Martin đề cập là việc ông Macron còn đại diện cho sự ổn định của nước Pháp. Theo bà, việc ông Jean-Luc Mélenchon hay bà Le Pen thắng cử sẽ đem tới thay đổi lớn cho nước Pháp, và người dân Pháp sợ đặt cược vào canh bạc này.

Một nước Pháp đầy chia rẽ

Dù có nhiều lợi thế trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2022, các chuyên gia nhận định vị tổng thống Pháp sẽ phải đối mặt với hàng loạt thách thức sau khi tái đắc cử. “Thách thức lớn nhất có thể sẽ là việc chứng minh rằng nỗ lực thúc đẩy hội nhập châu Âu sâu hơn của ông có lợi cho cử tri Pháp”, giáo sư Capoccia nói.

Các chuyên gia nhận định xã hội Pháp đang bị chia rẽ sâu sắc trên nhiều phương diện khác nhau, từ bản sắc, giá trị, cũng như vị thế và quan hệ của Pháp với thế giới bên ngoài.

Theo giáo sư Douglas Webber tại Trường Kinh doanh INSEAD (Pháp), sự chia rẽ diễn ra giữa hai phe: Một phe tự do, toàn cầu chủ nghĩa với một phe bảo thủ, hướng nội, hoài cổ và dân tộc chủ nghĩa.

Ông Macron, 44 tuổi, giành được 58,5% phiếu bầu và đánh bại bà Le Pen để tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 2. Ảnh: Reuters.

“Các thành viên của phe thứ nhất chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn. Họ được giáo dục tốt và cuộc sống ổn định. Họ nghĩ nước Pháp cũng đang làm tốt và lạc quan về tương lai”, vị giáo sư cho biết. “Trái lại, những người theo phe thứ hai có học vấn thấp hơn, không giàu có bằng và lo sợ về tương lai”.

Dù vậy, theo quan điểm của giáo sư Bacot, đây không phải hiện tượng mới. “Nó chỉ bị phóng đại bởi phong cách và diễn ngôn của ông Macron: Vị tổng thống vừa tái đắc cử chưa thể từ bỏ hình ảnh của một tổng thống ‘ngạo mạn’, một ‘tổng thống của người giàu’”, ông nói.

Đối với nước Pháp, cuộc bầu cử cho thấy một bộ phận lớn cử tri Pháp bị xa lánh và không thấy các đảng ôn hòa của Pháp đại diện cho mình, giáo sư Capoccia nhận xét.

“Một ứng viên cực hữu chưa bao giờ giành được số phiếu cao như vậy, bất chấp việc đây là vòng hai của cuộc bầu cử tổng thống - khi nhiều người lựa chọn cho ứng viên họ ‘đỡ ghét nhất’, thay vì người họ thích”, ông nói.

Trong khi đó, tỷ lệ ủng hộ cao của người dân dành cho bà Le Pen và ông Mélenchon có thể khiến ông Macron gặp khó đối với các chính sách của mình.

“Hai phe cực hữu và cực tả, vốn cùng phản đối các chính sách cắt giảm thâm hụt ngân sách của Pháp, có thể khiến ông Macron gặp khó khăn trong việc theo đuổi các cải cách mà ông mong muốn như tăng tuổi nghỉ hưu, kể cả khi ông giành được đa số trong quốc hội trong cuộc bầu cử tháng 6 tới”, giáo sư Webber dự đoán.

Sự nổi lên của phe cực hữu

Một thách thức tiếp theo đối với Tổng thống Macron là sự nổi lên của phong trào cực hữu, giống với nhiều nước châu Âu khác.

Giống như tại châu Âu, phong trào cực hữu đang thu hút nhiều người dân Pháp, bà Martin nhận định. Theo vị tiến sĩ, chủ nghĩa dân tộc và toàn cầu hóa là hai chủ đề quan trọng trong chiến dịch tranh cử của bà Le Pen. Ứng cử viên đã đánh trúng tâm lý e ngại với toàn cầu hóa của một bộ phận người Pháp.

“Người dân Pháp rất sợ quá trình toàn cầu hóa với sự nổi lên của các doanh nghiệp trên thế giới như Google, Netflix, Alibaba,... Họ sợ quá trình toàn cầu hóa vì cho rằng bản thân là thực thể nhỏ bé trên thế giới rộng lớn này”, tiến sĩ Martin nhận xét.

Việc bà Le Pen nhận được số phiếu bầu kỷ lục đối với ứng viên cực hữu cho thấy chặng đường phía trước của ông Macron còn nhiều gian nan. Ảnh: Reuters.

“Khi không được tiếp cận hệ thống giáo dục đầy đủ, không có tiền, toàn cầu hóa là bóng ma trong cơn ác mộng”, bà chia sẻ. “Và phe cực hữu đã hiểu được những nỗi lo đó, vì vậy có thể thu hút rất nhiều người ủng hộ, vốn chán ghét toàn cầu hóa. Họ cho người dân thấy toàn cầu hóa là điều không dễ dàng”.

Dù vậy, vấn đề nhập cư - một trong những “con bài” chủ chốt của phe cực hữu - lại không trở thành chủ đề nổi trội trong cuộc bầu cử lần này, giáo sư Webber nhận xét.

“Thay vào đó, sự chú ý hướng vào vấn đề chi phí sinh hoạt, đặc biệt là việc xăng dầu và thực phẩm tăng giá”, vị giáo sư cho biết. “Đối thủ của bà Le Pen ở phe cực hữu - ông Eric Zemmour - hướng nhiều hơn tới nhập cư và mối đe dọa của chủ nghĩa Hồi giáo, và có kết quả tệ hơn rất nhiều”.

Phương Tây “thở phào”

Trong khi đó, theo các chuyên gia, chiến thắng của ông Macron tạm thời đem tới sự ổn định cho châu Âu nói riêng và liên minh phương Tây nói chung, ít nhất là trong thời gian tới.

“Việc ông Macron tái đắc cử có hệ quả tức thì là giữ vững liên minh phương Tây trong việc hỗ trợ Ukraine”, giáo sư Capoccia đưa ra quan điểm. “Liên minh này sẽ gặp nguy hiểm nếu bà Le Pen giành chiến thắng”.

Đồng quan điểm, tiến sĩ Martin cho rằng EU và Mỹ chắc hẳn sẽ rất hài lòng với chiến thắng của ông Macron. “Điều đó (chiến thắng của ông Macron) quan trọng đối với phương Tây vì mối quan hệ hai bên vẫn được giữ nguyên”, bà cho biết.

Dù vậy, theo giáo sư Webber, liên minh phương Tây có thể phải đối mặt với nguy cơ còn lớn hơn trong cuộc bầu cử 5 năm tới.

“Việc một ứng viên cực hữu như bà Le Pen có thể giành được hơn 40% số phiếu trong vòng hai chắc chắn là lời cảnh báo tới phương Tây, NATO và EU”, ông nhận xét.

“Nếu sự phân cực về kinh tế, xã hội, văn hóa và chính trị tại Pháp tiếp diễn, cuộc bầu cử tiếp theo sẽ có kết quả sát nút hơn, dù bà Le Pen hay bất cứ ai khác là ứng viên của phe cực hữu”, giáo sư Webber nói.

Việt Hà - Vân Đinh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/con-duong-chong-gai-cho-doi-ong-macron-post1313170.html